Sinh trưởng nhanh, khả năng tạo oxy nhiều hơn 35% so với cây gỗ cứng, nhưng do đặc tính sinh trưởng, loại cây có vị trí đặc biệt trong văn hóa Việt Nam này đã gần như vắng bóng ở các đô thị. Ngay các làng nghề của Thủ đô Hà Nội như làng nón Chuông, làng quạt Chàng Sơn… cũng phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở các địa phương khác.
Trong sách giáo khoa hay trong những câu chuyện cổ tích đang được các nhà giáo dục khuyến khích kể cho các em nhỏ với tre đằng ngà, tre trăm đốt…; trong các giải pháp làm sạch không khí, bảo vệ môi trường sinh thái; trong những thiết kế kiến trúc độc đáo được tự hào ghi rõ: Vietnam; hay vĩ mô hơn nữa là triết lý ngoại giao cây tre đang góp phần khẳng định vị thế đất nước trong khu vực và trên toàn thế giới… đều gắn với hình ảnh cây tre. Nhưng nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam đang lớn lên mà không hề được tạo ý niệm cụ thể về loại cây đặc biệt ấy, bên ngoài những hình ảnh in trong sách vở.
Dẫu quỹ đất công cộng tại các đô thị đang mỗi ngày một hẹp lại, với rất nhiều nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh cần được cân nhắc. Dẫu cây tre, do những đặc tính sinh trưởng, không được khuyến khích trồng tại đô thị. Nhưng, có thể thiết kế những khu vực riêng cho loại cây đặc biệt này trong các công viên, với sự chăm sóc phù hợp. Để loài cây đặc biệt ấy in dấu đậm nét hơn trong tâm hồn những thế hệ trẻ em Việt, và cả du khách muôn phương.