Dòng chữ ghi trên bao bì sản phẩm

Tôi đã rất bất ngờ khi thấy dòng chữ trên một sản phẩm có nhãn mác ghi tên một thương hiệu quốc gia, với công ty sản xuất thuộc một tập đoàn có vốn nhà nước, một dòng chữ to, rõ: Sản phẩm có 100% nguyên liệu ngoại nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm tự hào về sản phẩm của quốc gia mình được tạo nên bởi nhiều yếu tố.
Niềm tự hào về sản phẩm của quốc gia mình được tạo nên bởi nhiều yếu tố.

Điều đáng nói, đây là một loại sản phẩm tiêu dùng khá thông dụng, với nguyên liệu và công nghệ không quá đặc biệt, trong đó, nguyên liệu là sản phẩm khá phổ biến ở nhiều địa phương tại Việt Nam.

Khi mà các sản phẩm made in Vietnam đã xuất hiện trên kệ hàng tại nhiều siêu thị lớn ở các quốc gia của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… những quốc gia có tiêu chuẩn kiểm định hàng hóa khắt khe bậc nhất toàn cầu hiện nay, thì tâm lý “sính ngoại” đã không còn phổ biến trong người tiêu dùng nội địa như nhiều năm trước. Với cùng mức giá, sản phẩm của Việt Nam đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thay vì những sản phẩm nhập khẩu. Đó là thay đổi có thể nhận thấy rõ, hình thành từ chính khả năng nâng cao chất lượng và chiến lược tiếp cận nhu cầu khách hàng của các doanh nghiệp nội trong những năm gần đây.

Tròn 15 năm trước, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta, với mục tiêu là phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài. Sau 15 năm, theo thống kê của Bộ Công thương, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Từng bước hình thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các phân ngành công nghiệp.

Tôi nhớ cảm nhận đặc biệt khi đến các khu mua sắm lớn ở Seoul, Hàn Quốc, tất cả những người bán hàng đều có chung câu trả lời khi chúng tôi hỏi giá những sản phẩm có ghi dòng chữ made in Korea trên nhãn mác: No discount (không giảm giá), trong khi, những sản phẩm có nguồn gốc từ quốc gia khác trong khu vực thì họ sẵn sàng giảm giá từ 20- 30%, thậm chí đến 50% giá ghi trên sản phẩm.

Trông người lại ngẫm đến ta. Niềm tự hào về sản phẩm của quốc gia mình được tạo nên bởi nhiều yếu tố, nhưng, cùng với những nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp, công nghệ, còn có yếu tố rất quan trọng đến từ niềm tự tôn dân tộc.

Bởi thế nên, đôi khi, một dòng chữ trên bao bì sản phẩm lại gợi lên rất nhiều suy nghĩ…