Một vài số liệu ấy cũng đã đủ minh chứng sự phong phú của tài nguyên di sản văn hóa Việt Nam - thành tố đặc biệt quan trọng đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước trong chặng đường mới phía trước.
Di sản văn hóa đối diện nhiều nguy cơ
Không thể phủ nhận nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong đời sống đương đại. Những bước đi của tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Hội An và một số địa phương khác trong việc tái định hình diện mạo và đường hướng phát triển kinh tế-xã hội, dựa vào nền tảng vững vàng riêng có là hệ thống di sản văn hóa đặc sắc tại chỗ, là những minh chứng rõ nét.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong bảo vệ di sản trong nước, điển hình là sự ra đời của Luật Di sản văn hóa (năm 2001) - mà đến nay là bộ luật chuyên ngành hiếm hoi qua hai kỳ sửa đổi, cùng loạt văn bản quy định dưới luật được ban hành kèm theo, cũng làm rõ sự quan tâm của các tầng lớp chính trị xã hội về di sản văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với tất cả các loại hình di sản văn hóa của Việt Nam hiện nay vẫn là nguy cơ bị tàn phá, mất mát, hủy hoại không thể phục hồi.
PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, viện dẫn tình trạng “bị xâm hại nghiêm trọng”, “chỉ còn trên giấy” đối với nhiều di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng. Điển hình như di tích Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) - khu di tích nổi tiếng thế giới và được sử dụng để đặt tên cho Văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn đầu tiên của thời đại Kim khí - đã bị xóa sổ hoàn toàn. Cùng chung số phận là di tích Hồng Đà (xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ), nổi tiếng vì là một trong những công xưởng lớn chế tác vòng trang sức đá lớn; các di tích Tràng Kênh, Thủy Sơn, các khu mộ táng ở Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng); loạt di tích vùng rừng ngập mặn thuộc tỉnh Đồng Nai…
Chưa kể, có một tình trạng khá phổ biến hiện nay là việc tùy ý xây mới công trình trên nền di tích cũ, không có liên quan gì đến kiến trúc và mỹ thuật của thời kỳ lịch sử mà di tích thuộc vào theo khuyến nghị của các nhà khoa học, gây ra sự lãng phí các tài nguyên khảo cổ và nghiên cứu liên quan.
Một số di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh đối diện tình trạng bị thu hẹp không gian thực hành, nhất là sự hiểu biết không đầy đủ về di sản, khiến cho việc thực hành thiên về trình diễn phục vụ thị hiếu du khách hơn là nhận chân cũng như truyền bá giá trị văn hóa và nghệ thuật của cha ông. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, “xu hướng cải tiến dàn cồng chiêng đang diễn ra ngày càng phổ biến”. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cồng chiêng để trình diễn những bản nhạc hiện đại, nên còn được xem là sự “sáng tạo”. Hệ quả: Dàn cồng chiêng sau khi được “cải tiến” đã không thể “chơi được các bài chiêng cổ của dân tộc mình” nữa.
Cần đầu tư nguồn lực con người và công nghệ
Di sản văn hóa là nguồn lực/vốn, là tài nguyên cho phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Nhận thức này đã được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục thúc đẩy, vượt qua các ngưỡng bảo tồn và phát huy giá trị hiện có của di sản như nguồn tài nguyên thô, tiến tới “tái cấp/định vốn” và tạo ra “thế hệ thứ hai của vốn văn hóa”.
TS Joseph Lo Kean Kim, Chuyên gia cố vấn Công ước UNESCO 2005, đề cập nhiều thí dụ về tái định vốn. Đơn cử như ở Philippines, chương trình “Huyền thoại sống” (Our Living Legends) là phương tiện để công nhận và xác định “chuyên gia văn hóa”, đó là những người truyền đạt kỹ năng cho thế hệ tiếp theo. Đặc biệt, việc thử nghiệm với các công nghệ mới như thiết kế hỗ trợ máy tính và trí tuệ nhân tạo cũng là những cách mới để tái định vốn các nguồn lực sáng tạo và văn hóa. Các tài liệu văn hóa cũ cần bảo tồn và bảo vệ, sửa chữa, cải tạo, đổi mới và bảo trì. Do đó, những hoạt động ấy cũng có thể được coi là tái định vốn văn hóa, vì nếu các tài liệu cũ này không được bảo tồn và bảo vệ, khối lượng vốn văn hóa hiện có sẽ giảm đi.
Như vậy, đầu tư cho con người và công nghệ để vừa giữ gìn di sản của quá khứ cho hiện tại và tương lai, đồng thời tạo nên những “di sản mới”, tạo dựng và phát huy nguồn vốn/tài nguyên văn hóa vô tận để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước là xu hướng tất yếu trên thế giới. Và Việt Nam không phải ngoại lệ. Bài toán khó khăn nhất của chúng ta hiện nay là tìm ra hướng đúng cho sự đầu tư này, từng bước phối kết hợp các cơ quan liên quan để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Việc thành lập các bảo tàng nghệ thuật đương đại cũng được cho là mô hình quan trọng, vì nghệ thuật đương đại lưu trữ các biểu đạt hiện tại, sẽ trở thành tài liệu tham khảo và nguồn tài nguyên cho các nghệ sĩ và học giả trong tương lai.