Những kỷ niệm khó quên về đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Những người đã từng sống và làm việc với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đều cảm nhận được sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ được toát lên từ trí tuệ, tâm huyết và nhân cách của một nhà trí thức lớn yêu nước nhiệt thành, trong sáng, trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
 Bà Nguyễn Thị Nhị, nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính-Quản trị, Văn phòng cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng kỷ vật về Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam ngày 6/2/2023.
Bà Nguyễn Thị Nhị, nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính-Quản trị, Văn phòng cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng kỷ vật về Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam ngày 6/2/2023.

Dẫu giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng, nhưng ông luôn sống giản dị, gần gũi, thân mật với mọi người, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với cấp dưới. Ông không chỉ để lại cho đời một tấm gương sáng ngời về trí tuệ và nhân cách lớn, mà còn biết bao tình cảm không bao giờ phai nhạt trong lòng người thân, đồng chí và bạn bè.

Bà Huỳnh Xuân Thảo, con gái của đồng chí Huỳnh Tấn Phát mỗi lần nhắc về ba thường không giấu nổi cảm xúc kính trọng, yêu quý, tự hào. Bà chia sẻ: Ba tôi là người rất ôn hòa, điềm đạm, tình cảm. Ngày còn trẻ, có những lúc không vừa ý, tôi cự cãi nhưng ba không bao giờ nổi nóng, cáu gắt mà luôn bình tĩnh, kiên trì giảng giải. Thường ba đi đâu lúc về đều có quà cho chúng tôi.

Ba là kiến trúc sư nên mỹ quan rất tinh tế. Những món quà tuy nhỏ nhưng tôi hiểu dù bận công việc đến mấy trong tim ba luôn thường trực tình cảm gia đình. Trân quý từng ký ức, kỷ niệm đong đầy tình yêu thương, bao năm đã trôi qua, bà Thảo vẫn thay mặt gia đình gìn giữ cẩn trọng những kỷ vật của ba để luôn cảm thấy ba vẫn ở đây, trong ngôi nhà thân yêu này.

TS Hồ Hữu Nhựt, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người đã từng được làm việc, sinh hoạt Đảng đơn tuyến cùng với đồng chí Huỳnh Tấn Phát nhớ lại: Tháng 5 năm 1969, ông được điều chuyển công tác về Trung ương Cục miền Nam Việt Nam.

Khi đến căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người đầu tiên đón tiếp ông là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với cái ôm thật chặt như đón người thân từ xa mới về. Hôm đó, ở căn cứ, thời tiết khá lạnh, đồng chí Huỳnh Tấn Phát thấy ông mặc áo mỏng nên đã cởi chiếc khoác đang mặc trên người và giục ông mặc vào cho ấm. Những buổi sinh hoạt Đảng đơn tuyến, những buổi nghe đồng chí Huỳnh Tấn Phát báo cáo tình hình thời sự..., ông đã lĩnh hội được nhiều điều bổ ích.

Trong ký ức của ông còn đọng lại hình ảnh ấn tượng về sơ đồ các trận đánh do đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẽ, các cuộc họp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được đồng chí Huỳnh Tấn Phát trang trí với màu sắc tươi sáng, đẹp mắt. Sự bài trí đó không chỉ thể hiện tài năng của một kiến trúc sư mà còn gửi gắm cả những mong ước về ngày đất nước hòa bình, độc lập từ trái tim lạc quan của đồng chí Huỳnh Tấn Phát lan tỏa nguồn cảm hứng, tinh thần, khí thế cách mạng sôi nổi đến những người dự họp. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trong niềm vui chung của đất nước, ông Hồ Hữu Nhựt vinh dự được Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đứng ra chủ trì tổ chức hôn lễ với bà Nguyễn Thị Kiều Tiên, cán bộ Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam Việt Nam tại căn cứ địa Tây Ninh. Hôn lễ trong kháng chiến thật giản dị nhưng đầm ấm nghĩa tình.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thiện, nguyên cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xúc động nhớ về đồng chí Huỳnh Tấn Phát: Hồi vào căn cứ, tôi còn bé lắm, chỉ mới 14-15 tuổi, mỗi lần gặp chú Tám Chí (tên thường gọi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát) lại xoa đầu chuyện trò rồi cho kẹo, bánh... Chú Tám Chí sống đôn hậu, vui vẻ, luôn quan tâm đến mọi người, nhất là trẻ con. Cả căn cứ ai cũng yêu quý chú.

Là cảnh vệ được phân công bảo vệ đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ năm 1971, ông Phan Văn Nghĩa còn lưu giữ nhiều kỷ niệm, tình cảm tốt đẹp về vị lãnh đạo tài đức của mình. Mỗi lần soạn thảo văn kiện, đồng chí Huỳnh Tấn Phát lại đọc cho ông Nghĩa nghe và góp ý. Hành động đó khiến ông Nghĩa vừa cảm động vừa nể trọng về thái độ tôn trọng, gần gũi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với anh em phục vụ. Trong kháng chiến, mỗi lần tháp tùng đồng chí Huỳnh Tấn Phát, anh em đội cảnh vệ đều rất cẩn trọng để bảo đảm an toàn tối đa. Có lần, trên đường đi thấy cái hố trước mặt, một đồng chí cảnh vệ vội chạy lên trước để kiểm tra, vô tình giẫm lên hoa màu. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát thấy vậy nhẹ nhàng nhắc: Các chú bảo vệ cán bộ là tốt nhưng phải rất chú ý bảo vệ hoa màu của người dân nữa.

Những kỷ niệm khó quên về đồng chí Huỳnh Tấn Phát  ảnh 1

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. Ảnh | Bảo tàng tỉnh Bến Tre


Bà Nguyễn Thị Nhị, nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính-Quản trị, Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người được phân công phục vụ đồng chí Huỳnh Tấn Phát 7 năm (từ năm 1982-1989). Nhớ lại cuộc sống của thời bao cấp khó khăn và ân nghĩa sâu nặng đối với đồng chí Huỳnh Tấn Phát, bà Nhị xúc động kể: Khi đó, cụ sống và làm việc ở ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Hằng ngày, cụ làm việc rất say sưa, miệt mài.

Cụ xem anh em phục vụ như con cháu trong nhà. Có con cá, con mực khô... được biếu, cụ đều mời anh em phục vụ lên ăn cùng. Mỗi lần đi họp về, cụ lại nhã nhặn hỏi: Hôm nay, đồng chí cho tôi ăn gì? Hỏi vui vậy thôi còn tính cụ ăn uống đơn giản, tiết kiệm, chẳng bao giờ chê bai hay đòi hỏi thứ gì.

Năm 1984, bà Nhị mang thai đứa con đầu lòng. Một bữa sáng như thường lệ, bà đến làm việc thì lên cơn chuyển dạ. Cụ sốt sắng hỏi han rồi gọi lái xe chở bà Nhị đến bệnh viện sinh con. Thấu hiểu cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thu nhập thấp, con nhỏ dại, đời sống kinh tế khó khăn, một ngày cụ gọi bà Nhị ra phía sau nhà cụ làm việc, chỉ vào ô đất trống và bảo: Chỗ này xây sẵn ô rồi, lại có cả cống thoát nước, con xem có tận dụng chăn con heo được không? Nghe vậy, bà Nhị rất cảm động nhưng cũng ái ngại sợ ảnh hưởng đến nơi làm việc của cụ. Còn cụ hết lời động viên vợ chồng bà Nhị vượt khó, vượt khổ để có thêm thu nhập lo cho con cái ăn học. Nhờ cụ tạo điều kiện mà vợ chồng bà Nhị đã cải thiện cuộc sống trong những ngày gian khó, thiếu thốn. Từ ngày cụ mất, hằng năm bà Nhị vẫn làm giỗ cụ như một người thân trong gia đình.

Cuộc đời hoạt động của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác và đều để lại những dấn ấn tốt đẹp. Bất luận ai đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với ông đều có thiện cảm. Ông thu phục người khác không phải bằng địa vị, uy quyền mà bằng chính sự tốt đẹp, chân thành trong con người ông: Một trí thức tài năng, nhiệt huyết, cả cuộc đời dấn thân cho cách mạng, cho đất nước nhưng rất mực khiêm tốn; ở cương vị cao nhưng sống rất giản dị, gần gũi, luôn tôn trọng người khác, đặc biệt quan tâm đến những người phục vụ, những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn... Đó cũng là tố chất khiến ông thành công trong các lĩnh vực công tác, trong đó có công tác Mặt trận. “Phải nói anh làm công tác mặt trận với phong cách rất “người” của anh nên anh đã lôi cuốn các tầng lớp đồng bào đi với cách mạng đến cùng. Con người của anh là con người của Mặt trận đoàn kết dân tộc” (*).

(*) GS Nguyễn Văn Hợi: “Con người của Mặt trận”, in trong sách Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 594.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913, tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1940, ông mở Văn phòng kiến trúc sư ở số nhà 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) và tích cực tham gia phong trào cách mạng ở Sài Gòn. Ngày 5/3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý.