Những câu hỏi đặt ra với thơ hôm nay

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”. Nhiều vấn đề quan trọng về thơ đã được các nhà thơ đương đại thảo luận sôi nổi, với nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nhân Dân hằng tháng xin trích giới thiệu bài đề dẫn của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và là người chủ trì buổi tọa đàm.
0:00 / 0:00
0:00
“Nhà ký ức” - nơi trưng bày những hiện vật đặc biệt gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam.
“Nhà ký ức” - nơi trưng bày những hiện vật đặc biệt gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam.

Thơ là gì, và thơ có giá trị gì với đời sống? Đây là hai câu hỏi mang tính song sinh, thậm chí là cộng sinh. Hai câu hỏi này vang lên từ khi câu thơ đầu tiên của loài người lờ mờ xuất hiện, đã dẳng dai vang lên suốt hành trình sáng tạo đầy đam mê, đầy táo bạo của lịch sử thơ ca. Tôi tin, hẳn chúng sẽ còn vang lên ngay cả khi nhà thơ cuối cùng của thế gian biến mất.

Thơ là một sinh thể, nó bí ẩn như con người chúng ta bí ẩn. Vì thế không có định nghĩa, hay câu trả lời nào mang tính xác quyết một lần cho tất cả các vấn đề của thơ. Xét cho cùng, mỗi bài thơ là một tiểu định nghĩa về thơ, mỗi nhà thơ, với toàn bộ sự nghiệp của mình, bao gồm phong cách của mình, bút pháp của mình, hệ thẩm mỹ và tư tưởng của mình, là một định nghĩa cỡ trung về thơ, và mỗi thời đại là một đại định nghĩa phổ quát về thơ. Nhưng dù đó là tiểu định nghĩa, đại định nghĩa hay trung định nghĩa thì cũng chỉ mang tính tương đối, vì chúng chỉ đúng vào từng thời điểm, từng không gian, từng hoàn cảnh và bối cảnh. Điều kỳ diệu ở chỗ, mỗi câu trả lời góp vào thì lại khiến hai câu hỏi kia nới rộng thêm ra. Vì thế câu hỏi thơ là gì, thơ có giá trị thế nào với đời sống vẫn luôn vang lên với mỗi người sáng tác thơ, mỗi người yêu thơ...

Tôi cho rằng thơ giúp con người giữ được thế đứng kiêu hãnh của mình trước thế giới. Một thế giới đầy yêu thương, cũng đầy cạnh tranh, đầy chông gai cũng đầy yểu điệu. Một thế giới lấy nhân ái, hướng thiện làm nhịp chủ đạo phát triển, nhưng cũng đầy bạo lực. Một thế giới mà sự sống được nâng niu, tôn sùng, nhưng cạnh đó thì sự tàn sát và mùi máu đồng loại vẫn sộc lên ở đâu đó. Thơ tồn tại trong tình thế đó và với sự thiện tâm, nó giúp con người nghiêng về phía ánh sáng của cái thiện. Ở nước ta, thơ là lời ăn tiếng nói, trở thành cốt lõi của văn hóa. Thơ ca đã tham gia vào sự hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Nó giữ cho mỗi người nuôi dưỡng chí khí của mình. Chúng ta từng trải qua cả nghìn năm bị đô hộ. Trong nghìn năm Bắc thuộc ấy, tại sao người An Nam không bị nung chảy, không bị hòa tan, không bị bốc hơi để rồi biến mất vô tăm tích? Cái gì giữ cho cốt cách người An Nam tồn tại? Dĩ nhiên là có nhiều yếu tố, và cũng dĩ nhiên, một trong những yếu tố quan trọng, đó là thơ ca. Dường như trong tế bào mỗi người An Nam thuở ấy và mỗi người Việt Nam bây giờ đều phục sẵn một bài Thơ thần, một Hịch tướng sĩ, một Cáo bình Ngô. Khi người nghĩa sĩ đầu tiên vung gươm lên chống lại thế lực đô hộ, khi người chiến sĩ đầu tiên nổ phát súng đầu tiên chống lại đội quân xâm lăng, thơ đã sát cánh cùng họ, đã theo họ ra trận để khích lệ tinh thần họ.

Những câu hỏi đặt ra với thơ hôm nay ảnh 1

Chương trình thơ “Nhịp điệu mới” của Ngày thơ Việt Nam 2023 tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh trong bài | NHẬT QUANG

Thế kỷ 20, dân tộc ta đi qua bốn cuộc chiến tranh lớn, đất nước chiến thắng đầy vinh quang nhưng cũng bị tàn phá vô cùng kiệt quệ. Thơ lúc ấy không chỉ góp phần giúp cho con người giữ được cân bằng, không mất phương hướng mà còn giúp cả cộng đồng và mỗi cá nhân sốc lại tinh thần, xắn tay áo gây dựng lại cuộc đời và cơ đồ đất nước. Thời bao cấp đầy eo hẹp, thơ giúp con người nhìn vượt qua những khó khăn trước mắt để chạm ánh mắt tới cánh cửa hy vọng. Rồi thì năm 1986, cánh cửa đổi mới đã mở ra một cách ngoạn mục. Ngày nay, mọi thứ thoáng đãng hơn, sung túc hơn. Tuy nhiên, trong sự phấn chấn đó, con người cũng phải đối diện với những vấn đề của mình. Chưa bao giờ tốc độ sống bị đẩy cao đến thế. Chưa bao giờ tính cạnh tranh mạnh mẽ đến thế. Con người bị giằng xé giữa vô vàn những nhu cầu và đòi hỏi. Vậy thơ giúp gì con người? Nó có giúp con người khỏi chìm đắm trong thừa thãi vật chất và thói ích kỷ không? Nó có cải tạo được sa mạc trong tâm hồn con người hay không? Tôi nghĩ, thế giới, về căn bản vẫn như cũ, núi vẫn vững vàng, sông vẫn trong, biển vẫn xanh, nhưng hiện nay đa số không thấy đẹp nữa. Không đẹp bởi vì cái lớp màng ích kỷ, thực dụng đã phủ lên mắt ai đó rồi. Vậy thơ có giúp xé rách lớp màng ấy để con người chúng ta lấy lại được vẻ đẹp long lanh, huyền bí mà thế giới đang sẵn sàng dâng hiến cho ta hay không? Thơ có làm tăng thêm tinh thần lạc quan cho mỗi cá nhân khi họ đối diện với những biến chuyển đầy nguy cơ, đầy tiềm tàng sóng gió hay không.

Đại dịch Covid-19 như cơn gió đen thổi qua, nó đánh bạt đi tất cả những gì ngạo nghễ nhất, vững chãi nhất của con người. Và chúng ta nhận ra một sự thật rằng mình khá mong manh. Những người sống cạnh ta, tưởng vững chãi, bề thế về mọi khía cạnh là thế, vậy mà chỉ một trận sốt, vài cơn ho, rồi ra đi như làn khói mỏng. Covid chia rẽ con người với con người, khiến người ta cảnh giác, canh chừng nhau như người này kẻ gieo rắc sự tuyệt diệt của người kia. Người giãn cách người, nhà giãn cách nhà, ngõ phố giãn cách ngõ phố trong nỗi hoang mang cực độ. Nhưng cũng chính vào cái lúc tận cùng nhất, con người chợt nhận ra rằng, tồn tại không phải là tranh đoạt, là chiếm hữu, ích kỷ. Mà trái lại, muốn tồn tại thì phải có đồng loại, nghĩa là phải biết đoàn kết, nắm tay nhau, san sẻ, giúp đỡ nhau. Và những siêu thị không đồng xuất hiện, những cây ATM gạo miễn phí xuất hiện, những khẩu trang, những chai nước, những mớ rau từ thiện xuất hiện. Xuất hiện cả những chuyến xe giải cứu đưa người lao động về quê lánh dịch đầy tình nghĩa. Sự sống cũng chưa bao giờ bất khuất đến như thế, qua hành động nắm tay nhau giữa con người với con người.

Những ngày Hà Nội hạn chế người ra đường, tôi đi giữa phố, nhìn những ngôi nhà đóng cửa im ỉm và tự hỏi, trong những ngôi nhà kia, người ta có chạm tay vào thơ không? Thơ có giúp gì cho những con người đang hoảng loạn, đang cô đơn kia không? Khi đại dịch bị đẩy lui, người người, nhà nhà ùa ra đường, tôi đi trên vỉa hè và lại hỏi, liệu thơ có giúp giảm tốc cái dòng người đang cuồn cuộn, sục sôi vì mưu sinh kia không? Nó có giúp cho con người ta, sau đại nạn gớm ghê, đủ bình tâm lắng lại để tận hưởng vẻ đẹp thế giới quanh họ, để nhận ra ánh lấp lánh của lòng nhân ái từ những đồng loại xung quanh hay không? Có lẽ, đây là câu hỏi mà mỗi nhà thơ sẽ đưa ra câu trả lời theo cách của riêng mình.

Chắc chúng ta đều dễ thống nhất rằng, văn học nghệ thuật là một phần diện mạo tâm hồn dân tộc. Đời sống biến chuyển, tâm hồn con người biến chuyển, thơ ca cũng hiển nhiên biến chuyển. Thời đại sang trang thì thơ cũng sang trang theo. Vậy thơ hiện nay ra sao, nó có khác hôm qua không, khác ở khía cạnh nào, tốt hơn hay kém hơn, hay chỉ thuần tuý là khác? Thơ đang bị thu hẹp lại hay đang lan tỏa rộng rãi? Nếu là toả rộng thì nó có sa vào tình trạng quần chúng hóa, bình dân hóa, câu lạc bộ hay không? Điều ấy tốt hay không tốt? Nếu bị thu hẹp thì nó có sa vào biệt hóa, hàn lâm hóa, thậm chí là thần bí hóa hay không? Hay cả hai xu hướng đang cùng lúc diễn ra? Còn nữa, diện mạo, sức vóc, thể trạng của thơ hiện nay ra sao? Đây cũng là câu hỏi mà người làm thơ và người yêu thơ mong muốn các nhà thơ cùng đưa ra những nhận định, đánh giá của mình.