Văn hóa 2023

Những bước đi đã bắt đầu vững chãi

Khi thời gian đã chuyển đến những ngày cuối cùng năm 2023, vẫn có những sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với lĩnh vực văn hóa được tổ chức với quy mô quốc gia, định hình dấu mốc cho một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, và sự thay đổi về chất trong những bước đi của tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa đất nước. Nhận thức đúng đắn về vai trò của văn hóa đang được chuyển đổi mạnh mẽ thành hành động!
0:00 / 0:00
0:00
Kenny G, một trong những nghệ sĩ quốc tế nổi danh chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm 2023.
Kenny G, một trong những nghệ sĩ quốc tế nổi danh chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm 2023.

Sôi động, nhiều điểm nhấn

"Bùng nổ" là cụm từ có thể áp dụng cho hầu khắp các lĩnh vực của đời sống văn hóa-nghệ thuật nước nhà, khi nhìn lại những chuyển động trong suốt một năm qua. Từ âm nhạc, điện ảnh, lễ hội cho đến những lĩnh vực vốn được xem là có phần lặng lẽ như di sản hay công tác phê bình-lý luận... cũng đều ghi nhận số lượng sự kiện lớn, thu hút sự chú ý của dư luận cả trong và ngoài nước, và tăng vọt về quy mô cũng như tầm ảnh hưởng.

Một năm của những dấu ấn quốc tế đáng kể, khi Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều ngôi sao quốc tế như Katy Perry, Black Pink, Westlife, Kenny G, Charlie Puth, Maroon 5... Tên tuổi của những tác phẩm và nghệ sĩ Việt Nam cũng được xướng lên tại những giải thưởng điện ảnh danh giá hàng đầu thế giới, như Phạm Thiên Ân với Bên trong vỏ kén vàng, hay Hà Lệ Diễm với Những đứa trẻ trong sương... Đó là những chỉ dấu cho thấy năng lực sáng tạo cũng như công nghệ tổ chức sản xuất của một số ngành công nghiệp văn hóa như ca nhạc và điện ảnh của Việt Nam đã từng bước được chuẩn hóa, nâng tầm. Đó là cơ sở vững chắc cho những bước tiến tiếp theo của những lĩnh vực mũi nhọn này, trên chặng đường thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa nước nhà trong thời gian tới.

Sự nở rộ của các chương trình nghệ thuật trên mọi lĩnh vực, cùng sự ra đời rất nhiều sản phẩm sáng tạo chất lượng cao của nhiều nghệ sĩ trẻ là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của đời sống văn hóa- nghệ thuật sau những năm gần như "đóng băng" vì đại dịch. Ngay với lĩnh vực đang được xem là rất khó khăn như sân khấu, vẫn ghi nhận được nhiều sân khấu tư nhân mới ra đời, bên cạnh nỗ lực quay trở lại của nhiều sân khấu từng thu hút người xem, và niềm đam mê với nghề của nhiều nghệ sĩ.

Nhiều cuộc thi tài năng nghệ thuật được tổ chức đã mang đến cơ hội thử thách và khẳng định tài năng cho các nghệ sĩ trẻ. Khi con đường đến với công chúng được mở rộng thêm từ nhiều hướng, thì trở ngại lớn với mỗi người trẻ khi dấn thân vào con đường nghệ thuật lại là việc có thể tìm thấy và nuôi giữ đam mê. Giữa rất nhiều những cơ hội mở ra và mời gọi, giữa rất nhiều những quan niệm về sự thành công và thành quả sáng tạo, cả những trở lực đến từ sự phát triển chóng mặt của công nghệ, để có thể giữ được cho mình niềm đam mê sáng tạo, cống hiến hết mình cho mỗi đam mê, thật sự là điều không dễ.

Dẫu vậy, cùng với bản lĩnh của mỗi người nghệ sĩ, thì sự hỗ trợ từ bệ đỡ chính sách là yếu tố hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và phát triển nhân tài, đặc biệt đối với những lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm hay truyền thống.

Từ nhận thức đã chuyển thành hành động

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan liên quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng) cho phát triển công nghiệp văn hóa. Cùng đó, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo việc tiến hành các nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng...) nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa...). Đây có thể xem là dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, tiếp sau dấu mốc được chính thức "chỉ mặt, đặt tên" với việc Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được chính thức phê duyệt, tháng 9/2016. Cùng với những nỗ lực sáng tạo bền bỉ và tâm huyết của rất nhiều nghệ sĩ và đội ngũ hỗ trợ trong quy trình sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa, những chính sách và nguồn lực tài chính hiệu quả sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển của lĩnh vực vốn rất giàu tiềm năng này.

Trước đó, những phác thảo của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nội dung, lấy ý kiến đánh giá đã thu hút sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan và đông đảo người dân. Sự quan tâm, bàn thảo và những trao đổi liên quan Chương trình này cho thấy văn hóa đã thật sự trở thành một nội dung thu hút sự chú ý của xã hội. Cũng từ những bàn thảo, tranh luận liên quan đến nội dung đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm này, nhiều khó khăn, bất cập của một lĩnh vực thật sự có ý nghĩa then chốt trong tiến trình phát triển lành mạnh của xã hội đã được nhận diện rõ nét hơn, để từ đó, từ những cơ quan của Chính phủ, từ những người đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực đang chịu nhiều thiệt thòi, thua thiệt đó, cho đến từng người dân đang mong muốn được cống hiến cho một xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn, đều có thể nhận thức rõ hơn về những điều cần phải làm cho sự phát triển tích cực hơn của nền văn hóa dân tộc.

Rõ ràng là, sau những chuyển động từ nhận thức thượng tầng xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước, việc điều chỉnh các chính sách tạo điều kiện đặc thù cho sự phát triển của văn hóa-nghệ thuật đã bắt đầu được đề xuất và triển khai. Từ những bước đi vẫn còn có phần dè dặt đó, sức mạnh tiềm ẩn trong đội ngũ những người làm văn hóa, và sức mạnh văn hóa tiềm ẩn trong mỗi con người đang giúp cho nền văn hóa nước nhà có những chuyển động tích cực và đáng nhớ. Bởi thế, chúng ta có quyền hy vọng về một năm mới 2024 thêm nhiều dấu ấn văn hóa thật sự đặc sắc.