Những ánh mắt giữa rừng già Chư Yang Sin

Săn, bẫy thú trái phép không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà các nước trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt. Có thể coi săn bẫy thú trái phép là thảm họa đối với hệ sinh thái tài nguyên rừng, khi mà hoạt động này đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ đe dọa và tiêu diệt nhiều loài động vật rừng nguy cấp đang sinh sống trong các Vườn Quốc gia và khu bảo tồn.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được đánh giá là rừng nguyên sinh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhì Đông Nam Á. Ảnh trong bài: Phú Ngô
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được đánh giá là rừng nguyên sinh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhì Đông Nam Á. Ảnh trong bài: Phú Ngô

Đặt chân đến vùng rốn thú

Những ngày cuối năm ngoái, chúng tôi có chuyến khảo sát thực địa Chư Yang Sin, một trong những Vườn Quốc gia nổi tiếng tại Tây Nguyên. Chư Yang Sin là một trong những rừng nguyên sinh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á, nơi có hệ động thực vật rất phong phú, đại diện cho hệ sinh thái rừng thường xanh của dãy Trường Sơn khu vực phía nam Việt Nam, vùng lõi của cao nguyên Langbian. Những ngày đầu tiên của chuyến đi, công việc diễn ra khá thú vị. Tôi may mắn bắt gặp khỉ mặt đỏ, gà lôi, lợn rừng, chồn vằn, cheo cheo, mang đỏ..., những loài động vật mà rất ít Vườn Quốc gia tại Việt Nam còn giữ được. Sự đa dạng sinh thái rõ nét không chỉ ghi nhận rất nhiều dấu chân chúng để lại dọc các lối mòn mà đồng thời là vô số... bẫy thú do thợ săn để lại. Chỉ trong vòng vài ngày trong rừng nguyên sinh, đoàn khảo sát đã phát hiện và tháo gỡ được cả bao tải đầy các loại bẫy.

Hơn hai ngày đường ròng rã trèo đèo lội suối vượt sông, cơ động bằng nhiều loại phương ô-tô, xe máy, xuồng máy, chủ lực nhất là đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến vùng đất thuộc thượng nguồn sông Krông Nô, đoạn giáp ranh giữa hai Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup Núi Bà, cũng là ranh giới của hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, nơi mà người dân địa phương vẫn gọi là Trường đấu Ghi-am. Cảm giác như, đó là vùng đất của tận cùng hoang dã, không có gì ngoài... vắt! Đây cũng là nơi hoạt động của loài ruồi vàng và ve bét chuyên hút máu động vật máu nóng. Nhưng sự tồn tại tập trung các loài hút máu đó cũng chính là dấu hiệu rõ nét rằng đây là nơi sinh sống của những quần thể thú lớn. Anh T. là một trong những kiểm lâm viên người đồng bào dân tộc địa phương đi cùng đoàn khảo sát gọi khu Trường đấu Ghi-am là rốn thú, bởi hầu như tất cả các loài thú lớn hiện nay còn tồn tại ở Tây Nguyên đều tập trung tại đây. Việc bắt gặp các loài thú chưa bao giờ dễ dàng đến thế: một cá thể mang đỏ hốt hoảng tìm cách lẩn trốn bên kia bờ suối ngay khi chúng tôi đặt chân đến bờ bên này, hay ánh mắt hoảng sợ phản quang trong đêm tối của một con thú khi chúng tôi rọi đèn pin tại lán trại dừng chân... Những dấu chân để lại bên bờ suối vào sáng sớm sau một đêm mưa đã giúp chúng tôi hình dung phần nào quy mô của số lượng thú tại đây.

Những ánh mắt giữa rừng già Chư Yang Sin ảnh 1

Chốn nương náu không bình yên

Nhiệm vụ chính của tôi suốt hành trình là khảo sát mật độ bẫy thú. Tôi sử dụng GPS để xác định vị trí đánh dấu tọa độ, tìm kiếm, ghi nhận thông tin về các loại bẫy mà thợ săn đã gài, sau đó hỗ trợ kiểm lâm viên tháo gỡ chúng. Đây vốn là công việc tôi thường xuyên đảm nhận. Vì tiếp xúc nhiều, tôi dễ dàng phán đoán đúng vị trí thợ săn thường đặt bẫy các loại thú.

Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, có khoảng hơn 12 triệu bẫy thú được thợ săn dựng trái phép trên các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, Lào và Campuchia. Tính riêng Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Trung tâm Hành động Vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) phát hiện cứ mỗi km vuông thì có trung bình gần 4 loại bẫy thú to, nhỏ được lập trái phép. Các nhà bảo tồn thiên nhiên gọi đây là cuộc khủng hoảng bẫy thú, cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc săn bắn, bẫy bắt đẩy các loài thú đến bờ vực tuyệt chủng, biến những cánh rừng già trở thành rừng chết.

Bẫy thú và dấu hiệu bẫy thú được phát hiện rất nhiều tại các con đường dẫn xuống các khe suối. Tại các điểm cao trên sườn đồi, thợ săn tiến hành lập các chướng ngại vật tạo thành hành lang nhằm ngăn cản các loài thú di chuyển qua. Để xuống suối uống nước và kiếm thức ăn, thú không còn cách nào khác phải thận trọng và chấp nhận rủi ro đi qua các lối mòn gài đủ loại bẫy, mắc phải thì chỉ có chết vì vết thương và đói khát, hoặc chết vì phát súng chí tử kết liễu của thợ săn, rồi không lâu sau đó có mặt trên bàn ăn của thực khách nơi phố thị...

Báo động đỏ

Trở lại câu chuyện của tôi cùng đoàn khảo sát, đồng thời với những phút giây tận hưởng điều tuyệt vời nhất của thiên nhiên hoang dã, chúng tôi đối mặt với sự thật: đoàn khảo sát không phải duy nhất có mặt ở đây!

Ngay khi đặt chân đến vùng rốn thú, kiểm lâm viên địa phương đã cảnh báo về dấu hiệu của một nhóm thợ săn đang theo dõi chúng tôi. Họ để lại những dấu chân rất mới tại những con đường mòn chung quanh nơi chúng tôi dựng lán trại. Phát hiện ra điều đó, không còn những tiếng cười đùa, hát hò khích lệ, động viên nhau vượt qua dốc, hẻm núi hay con suối. Sự lo lắng, căng thẳng lộ rõ trên mỗi gương mặt, đeo bám theo chúng tôi đến tận lúc kết thúc chuyến khảo sát. Mọi người lặng lẽ truyền tai nhau một điều, rằng chúng tôi đang ở vùng đất của họ, tất cả họ đều có súng, còn chúng tôi thì không!...

Các kiểm lâm viên liên tục cảnh báo với cả đoàn về khả năng cao đụng độ với thợ săn. Chúng tôi trao đổi nhanh về các tình huống đối phó. Đã có liên tục các dấu hiệu đe dọa manh động, quá khích được phát ra từ phía đối thủ!

Đó là một buổi tối khi mọi người sinh hoạt quần tụ với nhau sau một ngày mệt nhoài và căng thẳng. Mơ hồ cảm nhận có điều gì khác thường, tôi bất giác bật đèn pin soi vào một gốc cổ thụ cách lán dừng chân của tôi không xa. Ngay lập tức, một ánh đèn pin rọi ngược trở lại chiếu trực diện vào tôi. Đó là khoảnh khắc mà tôi nhận ra họ, những kẻ săn trộm đã theo sát chúng tôi ngay từ lúc đặt chân vào đây. Ánh đèn rọi thẳng như sự đáp trả, rằng họ không hề e dè kiêng nén gì trước sự có mặt của chúng tôi. Ngay sáng hôm sau, khi chúng tôi đang tháo gỡ một chiếc bẫy lò xo loại lớn được tìm thấy bên cạnh bờ suối cạn, tiếng súng chát chúa bắn thẳng vào đoàn khảo sát, một loạt đạn bay về phía chúng tôi, găm mảnh tung tóe vào tán cây bụi chung quanh. May mắn thay, cả đoàn vẫn lành lặn. Để đảm bảo sự an toàn, đoàn khảo sát quyết định nhanh chóng rút khỏi Trường đấu Ghi-am.

Tôi là người cuối cùng đặt balo lên xuồng và rời đi cùng mọi người. Thời điểm xuồng nổ máy để đi về phía bên kia dòng Krông Nô, trời đã chạng vạng tối. Xa xa, ánh đèn của nhà máy thủy điện Krông Nô 3 đã được bật lên rọi sáng cả một vùng, bỏ lại sau lưng là một khoảng rừng nguyên sinh tăm tối mịt mù. Xuồng máy bắt đầu rẽ sóng để trở về nơi phố thị, nơi có cuộc sống hiện đại, mọi người trong đoàn khảo sát bắt đầu lấy điện thoại ra bật nguồn liên lạc với gia đình. Bất giác tôi quay lại nhìn về phía xa, nơi tôi vừa rời khỏi với biết bao trải nghiệm khó quên. Thật ngạc nhiên khi tôi vừa bật đèn pin rọi về phía dòng suối thì có cảm giác rõ, có vô số ánh mắt của các loài thú đang dõi theo chúng tôi. Những ánh mắt thú rừng lấp lóa, lấp lóa tạo thành cả một dải ánh sáng rực lên trong đêm. Chúng vẫn ở đó với những mối nguy hiểm luôn rình rập. Những ánh mắt dõi theo trong đêm đó dường như muốn nói với chúng tôi thật nhiều điều... Trong tôi bỗng tự hứa với mình, với những ánh mắt trong đêm: Hãy đợi nhé, chúng tôi sẽ sớm quay lại... Chư Yang Sin!