Nhận diện chính mình

Làm thế nào để bản thân "hòa nhập chứ không hòa tan" về văn hóa cũng là một thách thức, đối với du học sinh Việt Nam, trong quá trình xuất ngoại.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả (ngồi ngoài cùng, bên phải) cùng các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường đại học Tsukuba.
Tác giả (ngồi ngoài cùng, bên phải) cùng các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường đại học Tsukuba.

MAY mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của gia đình, thầy cô và bạn bè, tôi có cơ hội được theo học bốn năm bậc cử nhân tại Hoa Kỳ, và sau đó là hai năm bậc thạc sĩ tại Nhật Bản. Đó hoàn toàn không phải là một hành trình dễ dàng, mà bản thân tôi cũng tự cảm thấy chưa có thành tựu gì đặc biệt. Nhưng bên cạnh việc học, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với những sắc mầu văn hóa đa dạng, để ít nhiều "mở rộng tầm mắt".

Trước khi lên đường, tôi chỉ háo hức, tâm niệm mình sẽ cố gắng hết sức, để không phụ lòng mọi người đã tin tưởng, giúp đỡ. Thế rồi, những năm tháng xa nhà không chỉ giúp tôi thu nhận kiến thức, nâng cao trình độ, mà còn hé mở cho tôi hiểu rõ hơn "mình là ai, mình đến từ đâu, mình nên làm gì để sống có ích, có ý nghĩa". Trên những bước đường gian nan xứ người, đôi khi thất vọng với bản thân, nhưng rồi nghĩ đến mục đích trở về để phục vụ đất nước, đáp lại kỳ vọng và sự hỗ trợ của gia đình, tôi lại tiếp tục cố gắng. Và tôi cảm thấy hạnh phúc với con đường đã chọn, từ lĩnh vực công nghệ sinh học ở bậc đại học đến mảng nghiên cứu tế bào gốc ở bậc cao học.

Thời gian theo học tại Trường California State University San Marcos (Hoa Kỳ), nơi có nhiều sinh viên đa quốc tịch học tập cùng với sinh viên bản địa, tôi đã được các bạn mời dự Lễ Tạ ơn cùng gia đình họ, thưởng thức món gà tây, đón Giáng sinh với bạn bè đến từ khắp năm châu. Những lúc như vậy, tuy vui vẻ, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi lại nhớ quê hương, nhớ những cái Tết cùng gia đình mình da diết.

Khi học cao học ở Đại học Tsukuba, Nhật Bản, tôi có dịp tham gia những lễ hội của Nhật Bản, được nhìn ngắm những điệu múa dân gian rộn ràng trong tiếng sáo, tiếng trống taiko, tiếng đàn shamisen, được trải nghiệm trà đạo. Ở Nhật Bản, người ta mừng Tết Dương lịch thay vì Tết Nguyên đán như ở Việt Nam, và trong ngày Tết Dương lịch hằng năm họ vẫn đi viếng đền chùa, mừng tuổi các cháu nhỏ, khai bút đầu năm hay trang trí nhà cửa theo phong tục truyền thống, giống như người Việt vẫn làm trong ngày Tết Nguyên đán. Như vậy, tuy cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển, người Nhật vẫn gìn giữ những nét đẹp văn hóa lâu đời. Những điều này, cùng với việc được giao lưu với cộng đồng người Việt ở nước sở tại, được ăn phở, ăn bún bò, hay ăn bánh chưng ở xứ người càng làm cho tôi thêm yêu và thêm trân trọng cội nguồn dân tộc, thêm tự hào và hạnh phúc khi là người Việt Nam, và giúp cho hành trình du học của tôi thêm trọn vẹn.

KHI ở nước ngoài, mỗi khi có dịp giao lưu văn hóa với bạn bè các nước trong trường hay nơi tôi sống, hoặc tham gia các lễ hội văn hóa của người Việt, tôi hãnh diện mặc áo dài ngũ thân truyền thống, cùng các anh chị và các bạn sinh viên Việt Nam giới thiệu những nét văn hóa của quê hương. Nhìn thấy sự hào hứng, thích thú của các bạn sinh viên quốc tế khi được nghe chúng tôi giới thiệu về Việt Nam, được xem chúng tôi mặc áo dài biểu diễn dân ca hay những bài hát mang âm hưởng truyền thống, trong lòng tôi luôn dậy lên niềm xúc động và tự hào.

Cũng có lẽ vì vậy, dù chỉ là một sở thích, nhưng mỗi ngày, tôi lại hào hứng hơn với niềm vui tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử. Lịch sử đầy kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam mình, đặt trong bức tranh toàn cảnh là lịch sử của cả khối các nước bè bạn đồng văn Đông Á, cũng như cả thế giới...