Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Tôi nuôi tình yêu bằng nghèo khó”

Lần nào đến nhà cũng vậy, ông đứng đón tôi từ đầu ngõ. Ông bảo, ngõ nhà ông là “Ngõ không tên”, nằm trên con phố Khương Trung nhỏ hẹp nên khi nào có khách ông cũng ra ngõ đón. Nhưng lần này, dù đã hẹn trước, mở cửa cho tôi là vợ ông, người phụ nữ ngoài 70 nhưng vẫn giữ được nét minh khuê đài các. Bà bảo, ông vừa qua một cuộc phẫu thuật về…

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Tôi nuôi tình yêu bằng nghèo khó”

Vậy nhưng, khi bước lên căn gác nhỏ, thấy ông đang cặm cụi ngồi viết, trong tôi như trút tiếng thở phào. Trông ông có hơi gầy và xanh hơn những lần gặp trước, nhưng gương mặt, nụ cười vẫn thế: ôn tồn, nho nhã, vui tươi. Lần nào cũng vậy, hơn một nghệ sĩ tài năng và tràn đầy cảm hứng sáng tạo, ông là một bậc túc nho, lịch lãm, uyên thâm nhưng không hề thủ cựu…

Năm nay 78 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (ảnh) đang viết hồi ký. Những câu chuyện về âm nhạc, về cuộc đời, ông cứ thủ thỉ kể, sâu lắng từ trong ký ức...

Tựa vào dân ca mà đi

Ông sẽ viết những chuyện gì trong hồi ký vậy?

Chuyện cuộc đời của tôi, kể từ ngày là cậu bé học sinh cấp ba vừa tốt nghiệp, mang một cái ống quần đựng bảy kg gạo trên vai và đi bộ từ Thanh Chương (Nghệ An) ra Hà Nội để đi học Đại học Văn khoa. Rồi bỏ ngang dự định đi làm văn công. Bây giờ đang là lúc khó khăn, kể lại chuyện cũ cũng là để chung chia gánh vác, cái gì bỏ qua được thì nên bỏ qua, cái gì quý giá thì nhớ lại để mà tạo động lực tinh thần giúp vượt qua gian nan thử thách.

Vì sao mà đang định đi học Đại học Văn khoa ông lại rẽ ngang đi văn công?

À, chuyện này nó như là số phận. Tôi ra đến Hà Nội thì gặp Đại hội Văn công quân và dân toàn quốc. Đó là cuối năm 1954. Đến đầu năm 1955 tôi xin vào Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Vì tôi vốn sẵn có chất giọng tenor, lại có thêm niềm đam mê ca hát từ nhỏ, gặp được môi trường âm nhạc thì như cá gặp nước, thích thú vô cùng. Tôi làm diễn viên ba năm, hát đơn ca rồi hợp xướng, lĩnh xướng trong các chương trình lớn của Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương. Cho đến khi đoàn ca múa Lào- Hà –Yên (Lào Cai-Hà Giang-Yên Bái) thành lập gồm các con em dân tộc thiểu số, tôi được cử biệt phái sang đó giúp cho họ học nhạc lý, ký xướng âm, tổ chức và dàn dựng chương trình. Nhu cầu sáng tác cũng bắt đầu từ đó, thúc giục tôi mày mò tự đi học, rồi tôi cũng tự trang bị được cho mình kiến thức đầy đủ và chuyên sâu về âm nhạc.

Có khi nào ông cảm thấy ân hận vì đã từ bỏ ý định đi học đại học để theo đuổi âm nhạc không?

Hoàn toàn không. Âm nhạc có trong máu tôi từ nhỏ. Chỉ chờ có cơ hội là bật ra thôi. Tôi vốn sinh ra trong gia đình nho học, thuở nhỏ nghe nhiều hát ru, hát ví, rồi thơ ca, hò vè.. thành ra như máu thịt. Nếu có đi học đại học thì tôi cũng sẽ bỏ mà đi theo âm nhạc khi gặp cơ hội thôi. 60 năm gắn với âm nhạc, nhìn lại tôi vẫn thấy việc mình tự lựa chọn con đường cho mình là hoàn toàn đúng. Tôi đã tựa vào dân ca mà đi, nhưng mà thúc giục mình đi thật xa, mở ra những chân trời mới.

Xa khơi là không gian hư ảo

Vâng, tên tuổi của Nguyễn Tài Tuệ gần như gắn liền với ca khúc Xa khơi. Những người nghe nhạc chuyên nghiệp nói rằng, đó là tác phẩm “phát triển từ ví dặm Nghệ - Tĩnh”. Có người nhắc, ông viết ca khúc đó trong một chuyến đi thực tế tại Vĩnh Linh, ngồi bên biển Cửa Tùng?

Ồ không phải thế. Tôi đi thực tế ở Vĩnh Linh vào năm 1957. Có hai tháng trải nghiệm ở đó, đầy cảm xúc và suy nghĩ. Nhưng định hướng sáng tác của tôi là không viết những cái gì trước mắt, mà phải suy ngẫm rất lâu dài. Tôi “thai nghén” ca khúc Xa khơi trong năm năm, đến năm 1962 mới viết xong. Khi đó có cuộc thi sáng tác âm nhạc để phát trên sóng phát thanh do bốn cơ quan tổ chức, nhằm thúc giục phong trào đồng khởi ở miền nam và cổ vũ cho tăng gia sản xuất ở miền bắc. Tôi chỉnh sửa lời ca khúc trong sáu tháng liền và gửi cho hội đồng xét chọn tác phẩm của cuộc thi. Nhưng bài hát của tôi bị loại đầu tiên, bởi vì không đáp ứng tiêu chí của cuộc thi, mà chỉ là một bài tình ca ủy mị… Tuy nhiên, sau đó có một người nói rằng, đây là cuộc thi dành cho công chúng, vậy thì cứ thu âm tất cả và cho phát lên sóng rồi lấy ý kiến công chúng. Thế là tôi nhờ ca sĩ Tân Nhân hát để thu âm. Khi bài hát được phát sóng một thời gian, ban tổ chức cuộc thi nhận được rất nhiều thư yêu cầu của khán giả gửi về, muốn đài phát thanh phát lại bài Xa khơi. Bài hát trở nên nổi tiếng từ khi ấy. Cũng từ đó mà tên tôi, cùng với một số bài đã biết đến trước đó như Bài ca gửi Noọng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó… được giới thiệu.

“Kìa biển rộng con nục con măng/lướt sóng chìm đôi bờ tung tăng/Con chuồn còn bay nơi nơi/ con giang chiều gọi bạn đường khơi”… lời ca và khung cảnh đó, sao lại không có thể là từ thực tế?

Đúng là những ngày ở biển Cửa Tùng, nhìn sang bờ bên kia, thấy những người vợ ngóng chồng, mẹ ngóng con, rồi nhìn ra biển cá nục cá măng lượn từng đàn… Xa khơi viết vào thời gian đất nước hai miền chia cắt, về một không gian cụ thể là bờ bắc và bờ nam sông Bến Hải. Tuy vậy, Xa khơi là tác phẩm tôi hình thành, kết tinh từ rất lâu, từ cả vốn liếng dân ca tích tụ thuở nhỏ và những kiến thức âm nhạc sau này. Xa khơi mang âm hưởng ví dặm, nhưng tôi đã đầu tư tâm sức để hoàn thiện tác phẩm này đi xa về mặt học thuật, với đầy đủ cung bậc, cấu trúc của một tác phẩm hàn lâm. Tôi khi đó 26 tuổi nhưng đã rõ ràng về mục đích và quan điểm sáng tác. Chiến tranh rồi sẽ đi qua, điều đọng lại trong thi ca, âm nhạc, với tôi chỉ có hai điều to lớn: con người và tình yêu. Không gian và thời gian trong Xa khơi, thực đấy mà hư ảo đấy. Nó là khát vọng yêu thương, là tình yêu và mơ ước của con người. Nó quyến rũ vì không gian và thời gian vô định, là hư ảo. Tôi đặt tên Xa khơi cũng là vậy: là mơ ước, khát vọng của con người.

Vâng, với một đời nhạc sĩ sáng tác, chỉ cần một tác phẩm như Xa khơi là đủ…

Không phải thế. Người nghệ sĩ là không ngừng sáng tạo. Có thể tác phẩm về sau không bằng trước, nhưng mình không được dừng lại. Tôi viết bài Mơ quê trong 16 năm trời rất lâu sau khi Xa khơi đã nổi tiếng. Đó cũng là tác phẩm làm cho tôi vật vã sửa đi sửa lại, vợ tôi nhiều lần phải than phiền đau khổ vì sự vật vã của tôi (cười). Bây giờ thì nhiều người nói với tôi, họ thích bài hát đó không kém Xa khơi, có nhiều Việt kiều viết thư cho tôi, nói rằng khi nghe bài hát đó họ đã khóc.

Giữ tình yêu bằng âm nhạc

Vậy có khi nào việc miệt mài sáng tạo và gửi gắm tâm sức cho âm nhạc mà không chú tâm đời sống vật chất là nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình?

Không đâu. Cô thấy đấy, nhà tôi ở trong ngõ nhỏ này năm thế hệ. Căn phòng này tôi thường nói đùa với vợ tôi là “năm trong một”: tiếp khách, làm việc, ăn cơm, đọc sách nghe nhạc giải trí và ngủ. Tuy nhiên, lấy một người nhạc sĩ như tôi thì vợ tôi cũng phải hy sinh nhiều. Bà ấy vốn là một trí thức khoa học, kỹ sư, biết ba, bốn ngoại ngữ đấy, nhưng bỏ lại hết vì chồng vì con. Có lần tôi có đơn đặt hàng trị giá 50 triệu, nhưng vì phải hoàn thành tác phẩm trong ba tháng, nên tôi không nhận. Số tiền đó với nhà tôi là lớn lắm, bà ấy cứ tiếc mãi, nhưng rồi cũng biết tính tôi, không làm cái gì gấp gáp trước mắt như thế được, lại càng không thể vì tiền mà làm được. Nói đùa chứ, vợ tôi yêu âm nhạc lắm. Chúng tôi nuôi tình yêu bằng âm nhạc.

Vậy ông quan niệm thế nào về giàu nghèo?

Với tôi như thế này thì tôi thấy tôi giàu (cười). Những thứ bên ngoài thân với tôi là không quan trọng: tiền bạc, danh tiếng, địa vị, của cải… Tôi quan niệm, giàu là đóng góp được nhiều cho xã hội, làm được gì đó có ích cho mọi người, có tri thức, có văn hóa, biết lao động để cân bằng cuộc sống của mình. Đừng để mình và người thân của mình thiếu thốn đến mức không có cơm mà ăn, không có áo mà mặc. Nhưng tuyệt đối không bất chấp tất cả để làm giàu và không làm hại đến chung quanh.

Vâng xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe.

Chiến tranh rồi sẽ đi qua, điều đọng lại trong thi ca, âm nhạc, với tôi chỉ có hai điều to lớn: con người và tình yêu.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng Bài ca gửi Noọng (Mùa xuân gọi bạn), Suối Mường Hum còn chảy mãi, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó và Xa khơi, Mơ quê. Ông cũng viết nhiều tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật