Nguyễn Công Cơ - một bậc trung thần xuất chúng

Nhân kỷ niệm 283 năm ngày ông mất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, dòng họ Nguyễn Công ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã cho ra mắt cuốn sách “Quận Công Nguyễn Công Cơ, cuộc đời và sự nghiệp”.

Nguyễn Công Cơ - một bậc trung thần xuất chúng

Đây là một ấn phẩm đầu tiên đầy đủ nhất cho đến nay về một bậc trung thần thế kỷ 18, một tấm gương sáng để lại cho con cháu muôn đời.

Quận công Nguyễn Công Cơ hiệu là Cảo Hiên, thụy là Mẫn Trực. Ông sinh giờ Kỷ Mão, năm Ất Mão (1675), tại thôn Nhang, xã Xuân Đỉnh, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống khoa bảng. Thuở nhỏ, Nguyễn Công Cơ vốn là người thông minh đĩnh đạc, thông làu kinh sử. Khi lớn, văn của ông có nhiều bài cao siêu, nổi bật đạt đến độ xuất chúng. Tương truyền có lần cha của quan Tham tụng Lê Anh Tuấn đến chơi nhà ông, khi thấy Nguyễn Công Cơ vừa đi chơi ngoài đường về, ông cho gọi vào và ra một câu đối, rồi bảo Nguyễn Công Cơ ứng đáp. Không do dự, chỉ trong ít phút, Nguyễn Công Cơ ứng đáp trôi chảy, rõ ràng. Cha của quan Tham tụng Lê Anh Tuấn đã phải thốt lên khen là người có tư chất thông minh hiếm có.

Năm 13 tuổi, Nguyễn Công Cơ dự thi Hương lần đầu đỗ ngay Tam trường. Đến năm 19 tuổi, ông vào dự thi Hương khoa Quý Dậu và đỗ Hương cống. Mùa đông năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính hòa thứ 18 (1697), Nguyễn Công Cơ dự thi Hội, trúng Tứ trường rồi bước vào dự thi Đình. Năm 23 tuổi, sau khi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Công Cơ bắt đầu dấn thân vào chốn quan trường. Cũng từ đây, ông bỏ hết tâm huyết vào sự nghiệp phò vua giúp dân. Hiện nay, nhà thờ Quận Công Nguyễn Công Cơ còn lưu lại một hệ thống các sắc phong qua các thời đại khác nhau vinh danh ông, một bậc công thần của thế kỷ 17-18.

Trong lịch sử thời Lê Trung Hưng, có lẽ giai đoạn chúa Trịnh Cương phò vua Lê là thịnh trị nhất. Sự thịnh trị này có một phần không nhỏ tâm sức của Quận công Nguyễn Công Cơ. Ông là người đã góp phần đưa ra các chính sách cải cách kinh tế, xóa bỏ trang trại nhà giàu, phân định mốc giới ruộng đất tiến tới phân chia đất đai công bằng, hợp lý cho mọi người đều có ruộng cấy cày sinh sống; đổi mới giáo dục, thay đổi cách ra đề thi. Việc điều tra xem xét và chống tiêu cực trong trường ốc cũng nhờ ông mà có những thay đổi đáng kể. Việc xây dựng quân đội hùng mạnh có bài bản, có học vấn, giữ vững hòa khí với láng giềng để tạo thế trong ấm ngoài êm cũng nhờ một phần công lao của ông.

Dấu ấn đậm nét nhất của cuộc đời ông đối với lịch sử dân tộc Việt giai đoạn này có lẽ là lần đi sứ sang Trung Quốc năm 1715. Với tài ngoại giao khôn khéo, Nguyễn Công Cơ đã buộc triều đình nhà Thanh phải hủy bỏ nhiều quy định phiền hà, các lệ như cống nạp sừng tê, vàng giảm về số lượng. Lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê Sơ mà một số sử sách ghi chép, đến cuộc đi sứ này của Nguyễn Công Cơ, cũng bị hủy bỏ. Thành công này đã góp phần đưa quan hệ đối ngoại của nước ta và triều Thanh được cải thiện một cách đáng kể. Không chỉ vậy, chuyến đi sứ này, ông đã đi đến việc cắm mốc giới, xác định rõ chủ quyền bất di bất dịch giữa hai bên cho đến ngày nay. Quận công Nguyễn Công Cơ còn đấu tranh đòi lại mỏ đồng Tụ Long và vùng đất biên cương nhiều năm bị vua quan Trung Quốc lấn chiếm và giành thắng lợi.

Bên cạnh sự nghiệp quan trường, Nguyễn Công Cơ còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ để lại nhiều sáng tác có giá trị. Các áng văn chương của ông như các tập Hoàng Hoa thuật thực kí, Sứ trình nhật lục, Tương sơn hành quân thảo lục. Những bài thơ, bài văn của ông đều toát lên tinh thần đau đáu vì dân, vì nước và một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng.

Có thể nói, việc ra mắt cuốn sách: “Quận công Nguyễn Công Cơ, cuộc đời và sự nghiệp” là sự đánh giá toàn bộ công lao của vị Đại thần thế kỷ 17-18, đồng thời bổ khuyết cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Dẫu cuốn sách chỉ là nỗ lực lớn của gia đình và dòng tộc Nguyễn Công ở Từ Liêm, mong truyền lại cho mai sau công lao to lớn của các bậc tiền nhân; lấy đó làm tấm gương sáng giáo dục cho con cháu và lớp người trẻ tiếp nối truyền thống yêu nước, noi gương ông cha xây dựng, bảo vệ đất nước, nhưng rõ ràng cuốn sách đã gợi ra nhiều vấn đề. Đặc biệt, các hệ thống trước tác của ông trong lĩnh vực văn học hiện nay chưa được biên dịch một cách đầy đủ là một thiếu sót căn bản. Điều này rất cần đến sự hỗ trợ đắc lực về phía cơ quan nhà nước cũng như các nhà nghiên cứu, để các tác phẩm của Nguyễn Công Cơ nói riêng, các tác phẩm Hán - Nôm khác nói chung, được đầu tư dịch và công bố, đi đến xác định, phân loại chính xác. Làm được điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc gây dựng lòng tự hào dân tộc và sự hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử nước Việt, nhất là với thế hệ trẻ.