Người thầy thuốc trẻ giàu tình thương và trách nhiệm

Luôn tình nguyện có mặt ở tâm dịch trong những thời điểm cam go nhất, tham gia sáng lập và vận hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991), Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai đã cùng các đồng nghiệp giành lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh. Anh trở thành một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, truyền cảm hứng thanh niên sống đẹp, cống hiến sức trẻ vì cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Người thầy thuốc trẻ giàu tình thương và trách nhiệm

Trong buổi lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa người bệnh và một bác sĩ trẻ khiến khán phòng lặng đi vì xúc động.

Đó là chị Lê Phước Hồng Văn, bệnh nhân mắc Covid-19 rất nặng tại TP Hồ Chí Minh đã được điều trị khỏi bệnh ngay trong thời điểm đỉnh dịch năm 2021. Chị Văn kể lại với khán giả hành trình vượt qua lằn ranh sinh tử mà người đồng hành cùng chị là một bác sĩ tên Bách, người đã giúp chị kết nối với gia đình để củng cố tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho chị. “Khi đó ai cũng mặc đồ bảo hộ kín mít nên tôi không biết mặt bác sĩ Bách. Tôi chỉ mong được gặp lại bác sĩ Bách một lần để cảm ơn”.

Khi người dẫn chương trình cho biết, trong số các bác sĩ mặc đồ bảo hộ đang đứng trên sân khấu có bác sĩ Bách, chị Văn nhìn một lượt và nhận ra bác sĩ Bách qua ánh mắt thân quen. Hai người tiến lại ôm lấy nhau trong niềm xúc động của cả người trong cuộc và khán giả. “Cảm ơn bác sĩ cứu sống không chỉ tôi mà còn rất nhiều bệnh nhân khác nữa”, chị Văn nghẹn ngào nói.

Đã gần một năm trôi qua, nhắc lại câu chuyện này, bác sĩ Đỗ Doãn Bách vẫn bồi hồi xúc động. Anh chia sẻ, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía nam, anh công tác tại Bệnh viện dã chiến 16 TP Hồ Chí Minh, nơi điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Chị Văn là ca bệnh hiểm nghèo, bị hôn mê sâu, phải thở máy, tưởng chừng không qua khỏi. “Bệnh nhân vừa đẻ xong và phải lọc máu. Sau khi được cai thở máy và giảm liều thuốc an thần, bệnh nhân rất hoảng loạn. Tôi biết lúc này tinh thần là liều thuốc quý giá cho bệnh nhân nên đã động viên chị qua những mẩu giấy và giúp chị kết nối với gia đình. Sau đó, chị đã thoát khỏi cửa tử”.

Vào thời điểm đó, bác sĩ Bách là một trong số nhiều bác sĩ trẻ đã viết đơn tình nguyện lên đường vào nam “chia lửa” với các đồng nghiệp và người dân trong làn sóng dịch Covid-19 bùng phát chưa từng có trong lịch sử dịch bệnh khiến hàng nghìn người mắc Covid-19 mỗi ngày. Anh cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai đã vận hành Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến 16 (quận 7, TP Hồ Chí Minh), điều trị cho hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. “Thời điểm đó, các bệnh nhân nặng được chuyển đến bệnh viện rất đông, trong khi số lượng bác sĩ, nhân viên y tế lại hạn chế, thiết bị y tế thiếu thốn, nhiều lúc chúng tôi thật sự căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức, bằng mọi cách chữa trị cho người bệnh”, bác sĩ Bách nhớ lại.

Từ những chuyến đi thực tế tại các vùng tâm dịch ở Hải Dương, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng quá tải y tế là do người dân thiếu hiểu biết về Covid-19. Rất nhiều người vào viện kể cả khi không có triệu chứng, dẫn đến hệ thống y tế quá tải, những bệnh nhân nặng không có điều kiện chăm sóc kịp thời. Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ Bách cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 thành lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Mục đích của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là hỗ trợ y tế, tiếp cận, tư vấn cho người bệnh F0 từ xa.

Người thầy thuốc trẻ giàu tình thương và trách nhiệm ảnh 1

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách đang thăm khám và điều trị bệnh nhân tại Việt Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.

Qua hệ thống công nghệ thông tin, các bác sĩ và tình nguyện viên trong mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tiếp nhận thông tin bệnh nhân Covid-19 từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương, sau đó gọi điện trực tiếp hướng dẫn và trấn an người bệnh, góp phần hạn chế các trường hợp tử vong do không được tiếp cận y tế kịp thời. Toàn mạng lưới có hơn 10.000 tình nguyện viên là y sĩ, bác sĩ, trong đó hơn 6.300 y sĩ, bác sĩ và tình nguyện viên trực tuyến thường xuyên.

Số liệu thống kê cho biết, tính đến trưa 10/10/2021 có gần 374.000 bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc và sàng lọc xác định nguy cơ, chiếm đến 42% số F0 cả nước. Để có thể tiếp cận với hàng trăm nghìn bệnh nhân F0; phát hiện được hàng nghìn người bệnh nguy cơ cao để hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện, tổ chức tập huấn về chăm sóc người bệnh cho các y sĩ, bác sĩ và tình nguyện viên... bác sĩ Bách cùng đội ngũ bác sĩ, tình nguyện viên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Từ ngày 1/8 đến 10/10/2021, riêng mạng lưới thầy thuốc đồng hành tại Bình Dương do bác sĩ Bách trực tiếp vận hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân với 200.000 cuộc gọi thành công. Đầu năm 2022, khi Hà Nội trở thành điểm nóng Covid-19 với hàng chục nghìn ca F0 mỗi ngày, bác sĩ Bách cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục xông pha trên tuyến đầu chống dịch, điều trị các F0, cứu chữa kịp thời các ca bệnh trở nặng.

Với vai trò là thành viên sáng lập, vận hành mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và thành tích chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã vinh dự được bầu chọn là gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021, nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2021” của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Tháng 3/2022, bác sĩ Đỗ Doãn Bách được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Tháng 9/2022, trong Chương trình Vinh quang Việt Nam do Báo Lao động tổ chức, anh tiếp tục được vinh danh là 1 trong 6 cá nhân điển hình tiên tiến, thể hiện khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, dũng cảm hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, ông nội là GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người đã định hướng nghề nghiệp cho anh, người đã chỉ dạy anh rằng: Để làm được nghề y, điều đầu tiên là phải có lòng thương yêu con người. Khi thương yêu con người, cháu sẽ có cách để giúp đỡ được người khác.

“Thủa còn học sinh, tôi yêu thích môn học kỹ thuật-công nghệ, đam mê lắp đặt, sửa chữa các loại máy móc, thiết bị và mong muốn trở thành kỹ sư. Tôi dự định thi vào Đại học Giao thông vận tải nhưng ông nội muốn tôi trở thành một bác sĩ”, anh chia sẻ.

Từng học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Quảng Tây, Trung Quốc, trở về nước, anh tiếp tục theo học chuyên sâu ngành tim mạch tại Đại học Y Hà Nội, rồi trở thành bác sĩ công tác tại phòng C3, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai. Làm việc ở một bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam, là tuyến cao nhất trong bậc thang điều trị của ngành y tế, thường xuyên tiếp xúc, điều trị các ca bệnh phức tạp, hiểm nghèo, nhiều lần chứng kiến bệnh nhân không thể qua khỏi, chính môi trường làm việc áp lực đã tạo động lực cho bác sĩ Bách không ngừng học hỏi, tìm tòi các phương pháp điều trị tiên tiến, hiệu quả để cứu sống được nhiều người bệnh.

Để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm, ngoài thời gian làm việc tại bệnh viện, anh thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo chuyên môn, các chuyến đi tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. “Hai trong những chuyến đi ý nghĩa nhất của tôi trong năm vừa qua là chuyến tình nguyện khám bệnh cho bà con ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và bà con vùng cao xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Tiếp đón đoàn chúng tôi là những người dân thật thà, chất phác. Ở Cô Tô, ngày nào cũng hơn 200 bệnh nhân đến khám. Ở xã Tả Lủng nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn là đá, dân cư thưa thớt, người dân rất thiếu thốn nước sạch, nhân lực y tế cũng thiếu. Nhưng rất mừng là bà con đã tin thầy thuốc hơn thầy mo”, bác sĩ Bách hào hứng kể.

Nhớ lời ông dạy, bác sĩ Đỗ Doãn Bách luôn tâm niệm, với một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề và cống hiến hết mình cho cộng đồng.