Người mang ánh sáng của Đảng đến với miền biên cương

Bước sang mùa xuân thứ 87 của đời mình, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng (ảnh bên), nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam vẫn luôn tự hào vì tuổi đảng của ông vừa đúng bằng quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2023).
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng tặng sổ tiết kiệm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Hoa.
Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng tặng sổ tiết kiệm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Hoa.

Với những cống hiến đáng tự hào cho cách mạng, ông thật sự là một đảng viên mẫu mực, trọn vẹn thủy chung. Dẫu tuổi đã cao và vết thương thường xuyên tái phát, song ông hết sức tâm huyết, tham gia ý kiến nhiệt thành, trách nhiệm đối với nhiều vấn đề lớn của quân đội nói chung và BĐBP nói riêng.

Từ cậu thiếu niên dân công đến người lính biên phòng

Sinh ra và lớn lên từ miền quê nghèo Nông Cống, Thanh Hóa, ngay khi còn là một thiếu niên, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng đã xung phong theo cha lên đường làm dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ trong giai đoạn ác liệt nhất.

Một lần làm nhiệm vụ, hầm trú ẩn bị pháo địch tập kích khiến hai đồng chí hy sinh và nhiều người bị thương, Phạm Hữu Bồng bị mảnh pháo sượt qua đầu, một mảnh găm vào cánh tay phải đưa về hậu cứ chữa trị. Ngay khi vết thương vừa khép miệng, chàng thanh niên can trường ấy đã xung phong quay trở lại đơn vị, song lại được điều chuyển về Đại đội 2, Cục Cảnh vệ Trung ương.

Khi đó, để theo kịp đồng chí, đồng đội, Phạm Hữu Bồng đã nén đau để rèn luyện sức khỏe và hoàn thành xuất sắc các khóa mục huấn luyện. Năm 1959, khi thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và các mục tiêu quan trọng ở nội địa, Phạm Hữu Bồng đã vinh dự trở thành một trong những người lính đầu tiên của lực lượng, được cấp trên tuyển chọn đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân khóa 12. Và đó cũng là năm Phạm Hữu Bồng vinh dự được kết nạp Đảng.

Những cống hiến, sáng kiến của Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thật sự khiến tôi nể phục. Khi là một giảng viên, rồi Phó hiệu trưởng phụ trách huấn luyện của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay Học viện Biên phòng), ông là người đi đầu trong cải cách giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành bởi quan niệm, đó chính là một thể hiện đặc trưng của nhà trường quân sự, giúp sinh viên nhanh chóng trưởng thành khi chuyển từ nhà trường sang thực tiễn chiến đấu, công tác.

Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, ông rời giảng đường lên biên giới Tây Bắc, đảm nhiệm cương vị Chỉ huy trưởng Biên phòng Lai Châu, kiêm Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (địa bàn bao gồm hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu hiện nay). Đây là thời điểm các thế lực phản động lợi dụng tình hình biên giới còn bất ổn, kinh tế-xã hội khó khăn đã cấu kết với nhau tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

Cùng với Đảng ủy, Ban Chỉ huy BĐBP Lai Châu, ông chủ trương ổn định tình hình kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng thời đẩy mạnh công tác dân vận để tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ về tình hình đất nước và địa phương, vạch mặt âm mưu thù địch và các thế lực phản động. Một luồng gió mới đã đến với biên giới Lai Châu khi ông đã đề nghị Bộ Tư lệnh thay thế cấp hiện vật bằng cấp tiền mặt để giao thương tại chỗ, tạo ra sức mua ở vùng biên giới, khuyến khích đồng bào dân tộc sản xuất hàng hóa để có thêm thu nhập, phát động phong trào tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ...

Giai đoạn này, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ biên giới, Chỉ thị của Quân ủy Trung ương yêu cầu phải triển khai ở mỗi xã biên giới một đồn biên phòng. Địa bàn Lai Châu lúc đó giao thông chưa phát triển, việc bảo đảm xây dựng đồn trạm và điều chuyển cán bộ vào những khu vực khuất xa không bóng người, không điện nước và khí hậu vô cùng khắc nghiệt thật sự là một thử thách. Đích thân ông đi bộ ròng rã dọc hàng trăm km đường biên suốt gần 1 năm để xác định vị trí đóng đồn, lập trạm.

Và rồi nhờ có người dân yêu thương, che chở đã giúp bộ đội tìm khe nước, hướng gió và giúp vận chuyển, khai thác vật liệu. Xóm bản sâu hút giữa rừng sâu núi thẳm đã ấm bản, ấm mường theo bước chân người lính biên phòng. Nhân dân yên tâm không còn sợ kẻ xấu đe dọa phá hoại, trâu bò, thảo quả không bị trộm mang sang bên kia biên giới, trẻ con được học chữ, người ốm được chữa bệnh. Và những đảng viên đầu tiên được kết nạp, những chi bộ đảng đầu tiên đã ra đời trên những đỉnh núi cao gió lộng hay những vùng rừng sâu chỉ có tiếng nai tác, hổ gầm...

Người mang ánh sáng của Đảng đến với miền biên cương ảnh 1

Nghe ông tâm sự những ngày gắn bó với Lai Châu, như ông nói là toàn chuyện “vui”, nhưng tôi sao thấy lòng rưng rưng khi thấm thía thêm về những gian truân mà các thế hệ cha anh đã trải qua để biên cương vẹn toàn một dải như hôm nay. Trước Tết năm 1990, thời tiết lạnh giá, hàng hóa do ngựa thồ đến cho bộ đội chết dọc đường khiến các đồn thiếu thốn lương thực nghiêm trọng. Đặc biệt là lịch, báo chí, pin để nghe đài không đến được với bộ đội, nên anh em đành căn ngày để tổ chức vui Tết cho bà con.

Nhân dân thương bộ đội mang lâm sản, gà lợn nhà nuôi được đến cho. Khi hàng lên đến nơi thì quân dân đã bắt đầu xuống đồng, lên nương sản xuất. Nhưng có lịch, có nhu yếu phẩm cho Tết, quân dân ta ăn Tết thêm lần nữa để đáp lại ân tình của bà con. “Đó là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên về nghĩa tình nơi phên dậu”, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng trải lòng.

Vị tướng gắn với nhiều quyết sách quan trọng

Đầu năm 1990, ông rời Tây Bắc để trở về đảm nhiệm cương vị Tham mưu phó BĐBP, sau đó tiếp tục gánh vác các trọng trách Phó Tư lệnh và Tư lệnh BĐBP vào năm 1996. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng với lực lượng của những người lính “trấn biên” sau nhiều lần chuyển đổi cơ quan chủ quản. Do tình hình nhiệm vụ có sự thay đổi nên công tác tổ chức, quản lý chỉ huy và xây dựng BĐBP gặp nhiều khó khăn và lúng túng, thậm chí chi phối lớn đến việc tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị từ Bộ Tư lệnh đến các đơn vị cơ sở.

Ông đã mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP kiến nghị lên Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định để ổn định tổ chức của lực lượng. Trong đó đặc biệt phải kể đến Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 8/8/1995 về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”.

Ông Bồng tâm sự: “Khi đó tôi thật sự rất trăn trở, bởi trải qua kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rồi hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, Bộ Chính trị đã có 5 nghị quyết về BĐBP và công tác biên phòng vậy mà vẫn chuyển đi chuyển lại nhiều lần. Nên trong Hội nghị, tôi đã mạnh dạn phát biểu, làm rõ đặc điểm, tình hình của lực lượng từ biên chế, trang bị, đến phương thức hoạt động trên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại cùng định hướng về tổ chức xây dựng lực lượng để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới...”.

Phần trình bày của ông đã cung cấp thêm thông tin giúp cho hoạt động thảo luận của hội nghị trở nên sôi nổi hơn và đồng thuận cao. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã kết luận và Nghị quyết được thông qua. Đồng chí còn nói thêm rằng, cần ghi vào Nghị quyết là từ nay cần giữ ổn định tổ chức BĐBP khiến tôi rất mừng, ông nhớ lại.

Sau khi có các Nghị quyết của Đảng về công tác biên phòng, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng đã đề xuất cần thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho BĐBP hoạt động. Ông chỉ đạo và trực tiếp tham gia biên soạn Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền, Pháp lệnh xuất nhập cảnh và đặc biệt là Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng...

Những văn bản pháp lý đó đã trở thành “kim chỉ nam”, là hành lang pháp lý quan trọng cho công tác biên phòng và xây dựng BĐBP theo các quan điểm và nghị quyết của Đảng. Đồng thời sâu sát chỉ đạo các đơn vị đưa những chủ trương lớn của Đảng xuống từng bản làng, xóm ấp trên các tuyến biên giới. Ngoài ra, vị tướng này còn để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như “Nghệ thuật tác chiến BĐBP”; “Ổn định lâu dài biên giới quốc gia”; “Thực tiễn là cơ sở để thống nhất nhận thức về công tác biên phòng và xây dựng BĐBP trong tình hình mới”...

Năm 2002, sau khi rời vị trí Tư lệnh BĐBP, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa 3, tiếp đó là khóa 4 trên cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội. Mười năm đóng góp sức lực, trí tuệ cho Hội Cựu chiến binh, ông vẫn hăng hái, nhiệt tình, tận tụy với công việc.

Trong giai đoạn này, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng cũng đã góp phần xây dựng thành công Pháp lệnh Cựu chiến binh Việt Nam, tạo tiền đề cần thiết cho những người lính rời quân ngũ tiếp tục được cống hiến cũng như cho hoạt động Hội. Ông tâm sự: “Điều này cũng quan trọng lắm. Những người lính rời quân ngũ trước đây đóng góp nhiều công sức, xương máu cho công cuộc kháng chiến, khi về hưu tham gia công tác Hội Cựu chiến binh về chính sách đãi ngộ còn có điều chưa thật sự hợp lý, nay kinh tế đất nước có điều kiện, chia sẻ được gì với họ, ta nên làm”.

Tạm biệt vị tướng già trong ngày đầu xuân mới, khi toàn lực lượng BĐBP sôi nổi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống, tôi như được tiếp thêm động lực về trách nhiệm của người đảng viên và tình yêu biên giới từ ông. Gió xuân luồn qua cửa sổ, lật giở những trang viết nghiêm ngắn còn thơm mùi mực. Ở đó, dòng chữ: “Vai trò của người đảng viên Biên phòng trong thực hiện Nghị quyết 33 về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” tươi đỏ, nổi bật trên giấy trắng.