Trên đỉnh vinh quang
Năm 1865, thiếu tá Pem-bớc-tơn giải ngũ, mang trên mình một vết thương nặng ở bả vai. Giống như nhiều thương binh thời đó, ông bị phụ thuộc vào moóc-phin (morphine) - thứ có khả năng làm giảm đi những cơn đau. Nhận ra một thị trường đầy lợi nhuận, với chuyên môn là một dược sĩ, Pem-bớc-tơn tự chế ra một thứ rượu gọi là "Rượu Pháp của Pembớc-tơn". Trong đó, ông pha lá cây coca và quả cây kola. Theo một nghĩa nào đó, rượu của Pem-bớc-tơn là cô-ca-in (cocaine, từ cây coca) trộn với ca-phê-in (caffeine, từ hạt kola) và cồn.
Nhưng tới năm 1886, khi nhiều địa phương trên nước Mỹ bắt đầu thắt chặt việc kiểm soát rượu trước tình trạng nghiện ngập lan tràn, Pem-bớc-tơn quyết định rằng ông sẽ phải làm ra một phiên bản không có cồn cho thứ đồ uống của mình. Và đúng vào những ngày này của 128 năm trước, Coca-Colara đời, theo tên các thành phần làm nên nó. Đó là một thứ đồ uống được tạo ra từ đường, nước có ga, và tất nhiên, vẫn có cocaine.
Việc Coca-Colachứa một hàm lượng ma túy nhất định, thời đó, đã trở thành tâm điểm của tranh cãi. Nhưng, Pembớc-tơn đã thành công trong chiến dịch tiếp thị của ông, khi mô tả Coca-Colalà một thứ "thuốc bổ não", chữa được đau đầu, giảm căng thẳng mệt mỏi.
Số phận của thương hiệu nước uống này, hẳn bây giờ ai cũng đã biết: chữ Coca-Cola mầu trắng uốn lượn trên nền đỏ, đã trở thành một trong những thương hiệu đắt giá nhất thế giới. Cũng giống như công thức đầu tiên của Pem-bớc-tơn, lá cây coca và hạt kola vẫn được sử dụng. Chỉ có một khác biệt hiển nhiên là không ai cho phép Coca-Cola chứa cocaine nữa: hãng này hiện nay sử dụng nguyên liệu là lá coca đã tách xuất cocaine.
Coca-Cola lừng danh đến mức nó trở thành một đại diện cho sức mạnh mềm của nước Mỹ. Có một khái niệm nổi tiếng gọi là "Cocacolonization"- lai giữa tên đồ uống và chữ "colonization" (nghĩa là "xâm lấn thuộc địa"), ý rằng bây giờ người Mỹ xâm lấn thế giới bằng Coca-Cola.
![]() |
Coca-Cola từng thay thế điếu thuốc và ly rượu mạnh vốn gắn liền với nhân vật truyện tranh lừng danh Lucky Luke.
Và ở tận cùng tủi nhục
Giôn Pem-bớc-tơn nhìn ra điều đó từ hơn một thế kỷ trước. Song, ông không thể tận hưởng thành công của Coca-Cola. Ông ốm yếu, khánh kiệt vì nghiện morphine, vì cậu quý tử Sác-lây Pem-bớc-tơn (Charley Pemberton) chỉ biết đắm mình trong rượu và gái đẹp mà không quan tâm đến công việc kinh doanh của gia đình.
Tháng 7-1887, Giôn Pem-bớc-tơn gọi Gioóc-giơ Lao-đét (George Lowndes), một người bạn lâu năm đến bên giường bệnh của mình. "Bạn ơi, tôi yếu quá!" - ông bắt đầu trăng trối - "Tôi không tin mình có thể ra khỏi chiếc giường này một lần nào nữa. Thứ duy nhất mà tôi có là Coca-Cola". Pem-bớc-tơn thuyết phục Lao-đét mua lại hai phần ba cổ phần của hãng, để có tiền mua morphinevà chu cấp cho gia đình, nhưng vì biết rằng "rồi thứ này sẽ là một thứ đồ uống quốc gia", ông muốn giữ lại một phần ba cổ phần, công thức pha chế và thương hiệu Coca-Cola cho cậu con trai.
Pem-bớc-tơn rất đau đớn vì quyết định ấy. Ở tuổi ngoài 50, trong đầu ông vẫn còn đầy hoài bão. "Giá mà tôi có 25 nghìn USD, tôi sẽ tiêu 24 nghìn cho quảng cáo và phần còn lại để sản xuất Coca-Cola. Thế là tất cả chúng ta đều sẽ trở nên giàu có!" - ông tâm sự với người em họ Lê-uýt (Lewis), không lâu sau khi bán cổ phần - "Và với lợi nhuận có được, tôi sẽ xây một bệnh viện lớn cho con cái của những cựu chiến binh nghèo".
Bi kịch được đẩy lên đến tận cùng, khi bốn tháng trước lúc Giôn Pem-bớc-tơn qua đời, tháng 4-1888, cậu ấm Sác-lây đã ép cha mẹ mình bán nốt tất cả những gì thuộc về Coca-Cola mà gia đình đang nắm giữ. Nhiều người, trong đó có các chuyên gia chữ viết hàng đầu, tin rằng Sác-lây chưa bao giờ ép được cha mình. Theo họ, "cậu ấm" đã giả mạo chữ ký của Giôn. Cậu công tử nhà Pem-bớc-tơn đã bán đi thương hiệu đắt nhất thế giới, chỉ để đổi lấy 550 USD! Theo thời giá, món tiền ấy tương đương với hơn 10.000 USD ngày nay. Còn giá trị thương hiệu của Coca-Cola hiện tại là gần 80 tỷ USD.
Sác-lây Pem-bớc-tơn nhanh chóng "đốt sạch" khoản thừa kế ấy vào rượu và ma túy. Tháng 7-1894, người ta tìm thấy người con trai độc nhất của nhà Pem-bớc-tơn nằm sấp trong một căn phòng trọ chật chội, bên cạnh là tẩu hút á phiện. Anh ta chết vài ngày sau, trong bệnh viện.
Giôn Pem-bớc-tơn không bao giờ bị lãng quên trong lịch sử của Coca-Cola. Ông vẫn được hãng này thường xuyên vinh danh trong các chiến dịch quảng cáo, và hiện thực đã vượt xa giấc mơ của ông về một thứ "đồ uống quốc gia". Nhưng ông đã mang theo cùng với cái chết của mình quá nhiều nuối tiếc. Biết đâu đấy, nếu Giôn Pem-bớc-tơn có thể sống lâu hơn, kiếm được nhiều tiền hơn để tái đầu tư, thế giới đã không chỉ có một Coca-Cola?
Rất nhiều người đã nghĩ như vậy. Tuy nhiên, thực ra, ánh hào quang hôm nay của Coca-Cola trong vai trò là một biểu tượng toàn cầu, cũng như đoạn cuối đời thảm hại của Sác-lây Pem-bớc-tơn, sẽ không chỉ gợi lên những rung động mang âm hưởng tiếc nuối. Giôn Pem-bớctơn đã đi đúng hướng khi tạo dựng một sản phẩm, một sự nghiệp, một gia tài..., nhưng ngay từ đầu đã lại chọn sai con đường để bảo toàn tất cả những di sản đó cho gia tộc của mình. Đứa con trai mà ông mặc kệ trong những vũng lầy đã trở thành một thứ "hố đen" ghê gớm hủy hoại tất cả những giấc mơ chinh phục, và biến cha mình từ một thương gia phi thường thành một kẻ thất bại đúng nghĩa. Lẽ ra, điều đó đã có thể tránh được, chỉ cần thêm một chút để tâm.