An toàn giao thông

Ngang nhiên đi vào đường cấm

Hiện tượng xe máy, xe ba gác, thậm chí cả xe đạp và người đi bộ vi phạm đi vào các tuyến đường giao thông chỉ dành riêng cho ô-tô diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
0:00 / 0:00
0:00
Khi bị phát hiện, nhiều trường hợp quay ngược chiều xe trên đường Vành đai 2, gây nguy hiểm cho hàng loạt phương tiện khác. Ảnh | TRẦN THANH
Khi bị phát hiện, nhiều trường hợp quay ngược chiều xe trên đường Vành đai 2, gây nguy hiểm cho hàng loạt phương tiện khác. Ảnh | TRẦN THANH

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng ô-tô đâm xe máy đã xảy ra do lỗi đi vào đường cấm. Không ít vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy và ô-tô trên cao tốc, nhưng hằng ngày, vẫn có nhiều người điều khiển xe máy vi phạm, bất chấp nguy hiểm “đồng hành” cùng ô-tô ở làn cao tốc. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất vào khung giờ cao điểm.

Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra dẫn đến người điều khiển xe máy tử vong. Khoảng 7 giờ sáng ngày 5/5 vừa qua, tại Km4 trên Đại lộ Thăng Long hướng Hòa Lạc - Trần Duy Hưng, xe khách va chạm với xe máy do chị N.T.T.V. (SN 2000, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển khiến chị V tử vong tại chỗ.

Mới đây nhất, ngày 2/9, một nhóm thanh thiếu niên từ 16 đến 22 tuổi đi xe máy tốc độ cao trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ hướng từ trung tâm thành phố Hà Nội về huyện Thường Tín. Theo cơ quan công an xác định ban đầu, các thanh thiếu niên vi phạm nhiều lỗi: điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy chở 3 - 4 người...

Không chỉ trên cao tốc, ở những tuyến đường dành riêng cho ô-tô trong nội đô, vào giờ cao điểm với lý do vội, bận, nhiều người sẵn sàng đánh cược tính mạng “tranh cướp” đường với ô-tô. Trên các tuyến đường trên cao vành đai 2, vành đai 3 và một số cầu vượt cấm xe máy theo giờ ở Hà Nội, tình trạng này diễn ra nhan nhản, thậm chí nhiều xe máy, xe ba gác tạt đầu, chèn ép ô-tô để lên cầu bằng được. Nhiều tài xế xe ôm phóng nhanh, luồn lách trên đường vành đai vào giờ cao điểm để kịp đơn chở hàng, chở khách gây mất an toàn không chỉ cho bản thân mà cả những người điểu khiển ô-tô.

Để người dân chấp hành nghiêm cần phải có biện pháp mạnh và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng. Hải Phòng là một trong những địa phương điển hình trong việc người điều khiển xe máy chấp hành nghiêm quy định về làn đường. Đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm là trục đường dài và có mật độ phương tiện lưu thông lớn bậc nhất thành phố Hải Phòng. Thế nhưng, dù làn đường bên ngoài (dành riêng cho ô-tô) có vắng đến mấy thì những người điều khiển xe máy, xe đạp cũng chỉ di chuyển trên phần đường của mình, không ai lấn qua vạch kẻ đường. Anh Quốc Tuấn (trú tại đường Nguyễn Văn Linh) cho biết: “Đường này được gọi là cung đường tử thần. Xe container, xe khách chạy ngày đêm. Nhiều tai nạn lắm rồi. Xe máy, xe đạp phải đi đúng làn may ra mới bảo đảm an toàn”. Đồng thời nhờ sự tuần tra của lực lượng chức năng xử lý nghiêm phương tiện vi phạm mà tình trạng này đã có nhiều chuyển biến. “Ngày nào cũng có cảnh sát đi tuần bắt xe hoặc đứng chốt. Các điểm chốt lại không cố định nên tốt nhất người dân cứ chấp hành”, anh Lê Văn Tiến (quận Lê Chân) cho biết.

Các lỗi vi phạm nêu trên đã được quy định rõ mức xử phạt tại Nghị định 100/2019. Theo đó, người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng nếu đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; nếu đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Mới đây, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) đã ra quân xử lý hàng loạt các trường hợp xe máy “liều mạng” đi vào đường cấm Vành đai 2 trên cao (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở). Đại úy Nguyễn Hữu Mừng, Tổ trưởng tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết: “Qua công tác nắm tình hình, đơn vị đã bố trí cán bộ tại các nút lên xuống của tuyến đường Vành đai 2, nhằm ngăn chặn tình trạng người dân đi xe máy vào đường cấm. Tuy nhiên khi vắng bóng lực lượng chức năng, các hành vi này lại tái diễn”.

Sự nguy hiểm của việc không chấp hành biển báo, hiệu lệnh giao thông, đi vào đường cấm của người điểu khiển xe hai bánh, ba bánh đã đến mức báo động. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng mức xử phạt gấp nhiều lần với lỗi vi phạm này, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.