Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa:

Ngạc nhiên về "tài nguyên" tranh dân gian

Với ấn phẩm "Tranh dân gian đồ thế Việt Nam" vừa ra mắt, nhà sưu tập-nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã sở hữu tới năm cuốn sách về tranh dân gian. Mỗi cuốn, đều là một công trình nghiên cứu công phu, không chỉ để hiểu, để khôi phục, mà còn để khai thác, ứng dụng vào cuộc sống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa (bên trái) giới thiệu một mẫu tranh đồ thế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa (bên trái) giới thiệu một mẫu tranh đồ thế.

10 năm cho một đam mê

- Với năm cuốn sách ra đời trong vài năm, chị đã gây ngạc nhiên lớn đối với giới nghiên cứu và công chúng. Bởi đây là lĩnh vực mà ngay cả giới nghiên cứu chuyên nghiệp, không phải ai cũng sở hữu lượng tác phẩm dày dặn như thế...

- Bản thân tôi cũng ngạc nhiên khi nhìn lại chặng đường của mình. Tôi vốn là người mê gốm sứ. Trong một lần đi mua đồ gốm sứ, tôi được biết đến tranh dân gian và nhận ra đó là một thế giới vô cùng rộng lớn. Thí dụ ở miền bắc người ta chỉ hay nói đến tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống. Nhưng ngay cả những dòng tranh này, nghiên cứu vẫn còn chưa đầy đủ. Đi xa hơn vào khu vực miền trung, Nam Trung Bộ rồi Nam Bộ, còn nhiều dòng tranh khác chưa được biết đến rộng rãi, nhất là tranh gói vải, tranh gương kính...

Những dòng tranh nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống đều đang phải loay hoay tồn tại, thì việc nhiều dòng tranh khác đứng trước nguy cơ thất truyền là điều đương nhiên. Mười năm tôi bước vào lĩnh vực sưu tập, nghiên cứu tranh dân gian là một khoảng thời gian gấp gáp. Gấp vì nếu không nhanh thì các cụ nghệ nhân lại đi về với tiên tổ mất mà không kịp lưu lại tri thức. Tôi không hiểu tại sao mảng tranh dân gian ít được giới nghiên cứu quan tâm. Điều này khiến tôi gặp nhiều khó khăn vì ít tư liệu để tham khảo, đối chiếu.

- Chị nói nhiều dòng tranh đứng trước nguy cơ thất truyền, hay nghệ nhân không còn làm. Vậy làm thế nào để chị khai thác được những tư liệu về kỹ thuật đó để đưa vào sách?

- Từ đam mê ban đầu, tôi trở thành người làm tranh, nghiên cứu, khôi phục tranh Kim Hoàng trước khi nghiên cứu sâu hơn về tranh dân gian nói chung nên tôi thường có cái nhìn "từ trong ra".

Có những mẫu tranh các nghệ nhân không làm nữa. Tôi đặt các nghệ nhân làm, vừa khai thác kiến thức của các nghệ nhân, vừa trực tiếp quan sát quá trình làm tranh. Hành trình này rất mệt mỏi. Có những mẫu rất tốn công, nghệ nhân ngại làm, nên phải thuyết phục để họ phục dựng. Có những dòng tranh liên quan đến tâm linh, gọi là tranh đồ thế, khi kết thúc nghi lễ tâm linh thì người ta sẽ đốt đi hay thả trôi sông... Muốn hiểu tranh thì phải hiểu về sinh hoạt văn hóa tâm linh ấy. Việc này cũng không dễ tiếp cận.

Dư địa còn rất lớn

- Tranh dân gian thường được biết đến là nghệ thuật trang trí, nhưng chị lại nói đến dòng tranh được sử dụng như đồ mã. Vậy liệu những bức tranh đó có mang giá trị nghệ thuật?

- Rất nhiều dòng tranh, kể cả tranh Đông Hồ, Kim Hoàng đều có tranh đồ thế. Riêng tranh làng Sình ở Huế vốn chuyên về đồ thế. Con người luôn có nhu cầu "giao tiếp" với thần linh, linh hồn người đã khuất thông qua các vật phẩm dâng cúng, đó là đồ hiến tế. Khi xã hội văn minh, cộng với điều kiện kinh tế không cho phép, người ta sử dụng các vật phẩm thay thế đồ thật, vật thật, gọi là đồ thế. Trong các loại đồ thế thì nhiều nhất là tranh in mộc bản. Nếu hàng mã là đồ "3D" thì tranh đồ thế là dạng "2D", giá thành rẻ, dễ làm.

Tuy là tranh đồ thế nhưng nhiều mẫu giá trị nghệ thuật cao, chứa nhiều câu chuyện văn hóa. Tranh đồ thế ở làng Sình là thí dụ điển hình, phản ánh thế giới tâm linh của người Huế - nơi giao thoa văn hóa Việt-Chăm, nơi xảy ra nạn binh đao kéo dài trong quá khứ. Miền duyên hải Nam Trung Bộ thờ những vị thần biển, thì lại có nhiều tranh đồ thế liên quan đến biển. Tranh đồ thế phản ánh văn hóa vùng miền. Nhiều bức có thể ứng dụng vào các sản phẩm mỹ thuật hiện đại như đồ họa các con vật, người, hay thuyền bè... nếu được nghiên cứu một cách đầy đủ.

Tôi cho rằng nhiều hoa văn, họa tiết và kỹ thuật truyền thống trong tranh đồ thế có khả năng ứng dụng rất cao.

Với hàng nghìn mẫu mã, thuộc nhiều dòng tranh, tiềm năng ứng dụng vào công nghiệp văn hóa, nhất là trong tạo mẫu bao bì sản phẩm, khai thác chất liệu để ứng dụng trong mỹ thuật, trong trang trí... của tranh đồ thế là rất lớn.

- Chị đánh giá thế nào về việc khai thác các tài nguyên ấy, và chị có định đặt chân vào lĩnh vực này?

- Rất nhiều bạn trẻ đã thành công trong khai thác những yếu tố tranh dân gian vào mỹ thuật ứng dụng, trang trí đồ họa. Có những họa sĩ khai thác tranh dân gian để sáng tác và bán được nhiều tranh với giá cao, không chỉ cho Việt Nam mà còn đi ra thế giới. Đấy là bản sắc văn hóa Việt trong công nghiệp văn hóa. Song, so với tiềm năng hiện có thì việc khai thác mới ở dạng khởi đầu. Tôi và các cộng sự cũng đã phát triển một số mẫu tranh Kim Hoàng mới, trên nền tảng truyền thống. Tuy nhiên, với tôi đấy chưa phải là mục đích chính. Trong giai đoạn này, tôi mong muốn lưu lại những kỹ thuật làm tranh, đem những giá trị đặc sắc của tranh dân gian đến cộng đồng. Tôi chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách thứ hai riêng về tranh Kim Hoàng. Điều tôi khá ngạc nhiên, sách chỉ ra một thời gian ngắn là bán hết.

- Chị có định làm một "tổng tập" nghiên cứu về tranh dân gian?

- Tôi sợ mình không làm được. Nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ đến điều đó như một động lực. Việc ít người nghiên cứu tranh dân gian, là bất lợi trong khảo cứu, nhưng cũng nhờ vậy, mỗi chuyến đi, tôi được khám phá những điều "mới tinh" chưa có trong sách vở. Và thực tế đó cũng cho thấy, dư địa để nghiên cứu tranh dân gian còn rất lớn.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!