Quyền im lặng hút thuốc, mắt đờ đẫn bởi bấy nay không thể tìm được cảm hứng sáng tác, dù vẫn viết đều đều. Hoàng nheo mắt ra điều hiểu ý: “Muốn cảm hứng cứ phải có nàng thơ, nói mãi rồi”. Cả nhóm ồ lên, Lam vỗ tay đồm độp: “Lại chả đúng! Nào, cạn”. Quyền gặp gỡ nhiều phụ nữ, nhưng không cảm giác cháy bỏng nào nhen nhóm. Tác phẩm nào cũng thấp thoáng bóng hồng, sau những lần gặp gỡ, nhưng cũng rặt vần điệu thừa thãi, thiếu chiều sâu và mờ nhạt. Hoàng hay Lam thì khác. Lúc nào cũng hấp ha hấp háy, yêu như lần đầu.
Quyền thường về nhà buổi tối, công việc bận hay không vẫn thế. Anh chỉ kịp nhìn bóng Thụy lúi húi dọn dẹp bên bếp, tóc búi đằng gáy đã xõa dần. Quyền đắm mình trong căn phòng nhỏ, ánh sáng mờ ảo bên cạnh chồng sách, chén trà. Từng trang viết mở con đường chiêm nghiệm, suy tư, nhiều khi mông lung không đích đến. Mỗi khi Thụy lách cửa vào, sắp xếp đồ đạc gì đó, dáng vẻ tất tưởi của cô bỗng chốc làm nhòe đi không gian sáng tạo đầy thao thức của Quyền. “Bao giờ em mới hiểu, điều gì thật sự là quan trọng? Mệt mỏi để đổi lại gì? Đôi khi, người ta cần phải có cái nhìn khác về đời sống từ trên cao, từ những điều người khác không nhìn thấy”, trước kia, Quyền vẫn phân bua với vợ, Thụy lặng im, hơi cúi đầu, đôi bàn tay thô ráp siết chặt một chút. Nhưng lâu rồi, họ càng xa cách, nói cũng chẳng để làm gì.
***
Trời chiều dìu dịu, trong buổi ra mắt sách của một nhà xuất bản nhỏ, Quyền vừa phát biểu xong, đang xem qua cuốn sách mới bỗng có cô gái bước tới, nụ cười nhẹ nhàng nhưng đầy tò mò: “Anh Quyền phải không ạ?”; - “Vâng… là tôi”; “Em Bích Hạ đây, anh nhớ em không? Em hâm mộ tác phẩm anh lâu lắm rồi, từng gửi anh tập bản thảo bình thơ anh nữa, hồi ấy cũng ở buổi ra mắt sách…”, cô gái như sợ văn sĩ không nhận ra, liên tục bồi vào ký ức. Thật ra thì Quyền chưa thể nhớ, nhưng tình huống này quen lắm, anh ngước lên, vẻ rất chân thành: “Làm sao tôi có thể quên những người luôn đọc và cảm nhận thơ mình”; - “Vâng, em đọc nhiều lắm! cả các đoản khúc anh đánh số, viết về những trăn trở, dằn vặt… đọc đi đọc lại nhiều lần, cảm giác như mình cũng đang sống trọn trong bầu cảm xúc ấy”, giọng ngọt ngào, nói êm như hát tiếp tục rót khe khẽ. “Thật vậy sao, tôi may mắn biết nhường nào”, Quyền thổ lộ trong bối rối.
Từ bấy, họ liên lạc thường xuyên hơn. Nàng vừa là độc giả, vừa xích lại gần Quyền một cách thật tự nhiên, như tri âm, tri kỷ. Thậm chí, các cuộc gặp nhóm bạn, Hoàng và Lam có rủ theo ai không thì Quyền vẫn đi cùng Bích Hạ. Mà lạ lắm, bao điều anh còn chưa kịp nói, cô có vẻ hiểu ngay rồi. Như khi ánh mắt Quyền lướt qua làn sóng hồ cuối thu, cô biết anh đang nhớ về ký ức, những kỷ niệm chưa xa mà đã vuột khỏi tầm tay. Cũng có lúc, Hạ không nắm bắt nổi, có điều cô biết im lặng, trả về cho Quyền khoảng trống, nên trong anh, cô tựa cơn gió mỏng manh, trong lành, khuây khỏa. “Anh vừa viết ngay lúc này đó ạ?”, cô tròn mắt ngạc nhiên. “Em sẽ mãi giữ như một kỷ niệm đẹp, rất đẹp”, giọng Hạ rưng rưng, hòa vào từng đợt sóng hồ.
***
Thụy quá quen với công việc nặng nhọc, chát chúa ở chợ đầu mối. Chiếc xe đẩy đã cũ kỹ, bánh mòn vẹt, kêu cót két mỗi lúc bị kéo đi. Cô vẫn lần lữa chưa thay cái mới. Không hẳn tiếc tiền, mà Thụy quen với nó quá rồi, hai tay kéo bằng sắt nhưng mòn dấu tay người. Bao nhiêu mồ hôi, mưa nắng, nặng nhẹ gì đều hằn in. Đặt tay lên, nắm chắc lại, cô cảm giác sự vững chãi, như thể hai tay kéo ấy đang ấm lên bằng hơi ấm chính nó chứ không phải mình truyền sang. Sạp hoa quả của Thụy nườm nượp khách, luôn được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt giữa không gian chợ búa lộn xộn, ẩm ướt. Cô không chèo kéo, giành giật khách bao giờ. Khách không mua, vẫn cười tươi, xếp lại hàng ngay ngắn. Vậy nên sạp hàng toàn khách lâu năm. Thụy đánh dấu từng quả bưởi đẹp, còn nguyên cuống và cành lá nhà vườn vừa hái để dành cho cụ ông quắc thước. Thụy hướng dẫn mấy cô bé mới lớn được mẹ nhờ đi chợ: Cam canh đầu mùa chưa xuống nước, chớ ham quả to, chỉ cần nho nhỏ mà tròn đầy, lọt lòng tay, múi hằn qua lớp vỏ là ngọt mát lắm rồi các con ạ!”. Cẩn thận, có tâm là thế, Thụy vẫn bị bắt nạt, chèn ép. Chẳng những từ chủ sạp lớn, đôi khi còn cánh đàn ông, cả gièm pha: Hàng tồn, hàng loại...
Cuối thu, mưa ào đến bất ngờ, Thụy vội che chắn sạp hàng bằng vải bạt dày cộm. Mưa tạt khắp người, từng giọt lạnh buốt khiến cô không kìm nổi cơn run rẩy. Khoảnh khắc ấy, Thụy bất giác lo các con tan trường có kịp mặc áo mưa hay tíu tít theo chúng bạn phong phanh ướt hết rồi ốm sốt. Không biết giờ này Quyền đã về chưa, anh cũng như lũ trẻ, không mấy khi chịu trú mưa hay che chắn. Cô thương cả chiếc xe đẩy, bánh xe đang lún dần vào bùn đất.
***
Đêm ấy, mưa tạnh, gió rít qua mái tôn, từng tấm bạt che dập dờn trong gió lạnh. Thụy mệt nhoài vẫn cố gò lưng đẩy nốt xe hoa quả vừa bốc dỡ từ xe tải. “Cháy! Cháy…”, tiếng kêu thất thanh vang lên góc cuối chợ. Thụy bỏ cả xe cả dép lao đến. Dãy người bên này hàng rào đang la hét cho bên kia. Khói dày đặc, không khí ngột ngạt. Tiếng kêu cứu yếu ớt vọng từ tầng bốn ngôi nhà bên kia rào. Hai đứa trẻ bên trong huơ tay, nhoài về phía cửa kính. Trong chớp nhoáng, Thụy leo qua tường rào sắt, băng vào con ngõ hẹp rồi leo tiếp vào căn nhà khóa cửa bên ngoài. Trên đường đi, Thụy vơ hết mọi thứ trong tầm tay, mảnh vải phủ hàng ướt nhẹp, thanh sắt, khúc gỗ. Cố hết sức bám níu lan-can, cột kèo, cô đập mạnh cửa kính. Một đứa trẻ ngã quỵ góc phòng, mặt mày tái nhợt, ngực phập phồng gần như kiệt sức. Đứa lớn hơn hốt hoảng tìm đường thoát. Thụy phá toang khoảng vỡ, chui vào bên trong, chạy tới đứa bé đầu tiên, ôm chặt vào lòng, giục giã đứa lớn vượt thoát. Bấy giờ, mọi người đã tiếp cận được căn nhà, hỗ trợ Thụy và người gặp nạn. Thụy nhanh nhẹn nhưng đầy cẩn thận, quyết đoán, cởi cả áo khoác ẩm ướt của mình che mặt, bảo vệ cho hai đứa trẻ khỏi ngạt khói. Đội cứu hỏa đã có mặt, đưa trẻ em đi hồi sức. “Cô ổn không? Chúng tôi hỗ trợ được gì không?”, câu hỏi khiến Thụy quay về thực tại, còn lúc trước, chẳng hiểu sức mạnh nào đã nhấc bổng cô lên, làm những điều cô chưa từng nghĩ. Sau cuối, một sự bình yên lạ thường dâng ngập khi trống ngực vẫn đập dồn. Khi đám đông vẫn chưa tản ra, một nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế trước đó đang đi dạo chợ đêm đã kịp hướng ống kính về phía Thụy. Người phụ nữ bé nhỏ, đôi mắt đen láy, làn da rám nắng toát lên sức mạnh không thể diễn tả bằng lời. “Cô vừa làm một việc rất dũng cảm. Khi ấy, cô nghĩ gì?”, Thụy hơi bất ngờ trước câu hỏi. “Tôi... tôi không nghĩ gì cả”, Thụy đáp, nước mắt trào ra. Không gian chung quanh lóe từng chớp sáng từ máy ảnh. “Cô có thể vui lòng cho chúng tôi biết tên?”, - “Không… không… tôi… không làm điều gì to lớn”, Thụy khẽ xua tay, nở một nụ cười và cố lách khỏi đám đông.
***
Thông tin Thụy dũng cảm giải cứu hai đứa trẻ tràn khắp các mặt báo, những bức ảnh chụp cô cũng xuất hiện ở triển lãm quốc tế. Dường như, Thụy là người sau cùng biết được, bởi vẫn còn cặm cụi sạp hàng, xe kéo. “Này, xem đi, cô Thụy đẹp quá!”, bà con khắp chợ xôn xao. Đó là lần đầu tiên mọi người nhìn kỹ Thụy, nhưng là qua từng bức ảnh trên mặt báo. Đôi mắt khiến người ta phải dừng lại thật lâu. Đôi mắt thăm thẳm, ánh lên nỗi niềm mưu sinh mà cũng đầy bí ẩn như chứa đựng cả thế giới tinh thần lấp lánh và khắc khoải. Làn da Thụy rám nắng, lấm chấm tàn nhang trong ánh sáng hắt lên của lửa căng giòn. Gò má cô hơi cao mà thật hài hòa với từng đường nét trên khuôn mặt, như biểu tượng của sức mạnh nội tâm. Mỗi bức ảnh như một bức tranh toát lên vẻ kiên cường mà thẳm sâu, nồng ấm.
Vẫn quán quen, Quyền im lặng. Trong đầu anh từng dòng chữ như chậm trôi, khắc khoải. Mắt anh xoáy vào khoảng trống. Hình ảnh Thụy lam lũ chưa bao giờ trở thành nguồn cảm hứng cho anh. Quyền nhớ từng lời mình nói, thời đôi lứa yêu nhau: “Anh sáng tác để tìm cái đẹp trong nỗi đau, trong cái bình thường người ta không thấy hoặc không chạm đến”. Lúc ấy, ánh mắt Thụy ngời lên niềm tự hào âm ỉ về Quyền. Thụy cũng học đại học, tuy khác ngành nhưng đầy đồng cảm. Cuộc sống đôi vợ chồng gốc gác quê nghèo lập nghiệp phố thị thật không đơn giản. Thụy chọn con đường ra với tất bật ngoài kia. Sổ nhật ký, dòng gần nhất, cách đây cũng bao nhiêu năm, cô nắn nót chép thơ: “Ta không thể nuôi nhau bằng những ánh sao trời”. Thụy chưa bao giờ oán trách. Cô cũng hiểu rõ giới hạn của Quyền để không chen vào.
Bích Hạ đã rời đi từ lúc nào. Trên mặt bàn là bản thảo mới tập hợp các bài bình thơ Quyền viết tặng cô. Hoàng và Lam đều khen nức nở. Nhưng bây giờ, tận sâu lòng Quyền dâng lên toàn chua chát. Mặt hồ cuối thu tím thẫm, từng lớp sóng cuộn lên như bản thảo dở dang. Phút chốc, Quyền thấy cả hồ nước mênh mông dâng ngập thành biển lửa. Thụy ở đó, mắt lóng lánh ước mơ, bàn tay gầy hao vẫy vẫy, thuở đôi mươi bỏng cháy bên hồ.