Ai chẳng nhớ một thời

Năm 1997, tôi rớt đại học, về rút học bạ để đợi xét tuyển vào một trường bán công. Thuở ấy, học bán công hay dân lập là một sự thất bại, chứ chẳng phải như bây giờ, chỉ những ai “nhà không có gì ngoài điều kiện” mới dám lựa chọn ngoài công lập.

Mùa hè năm đó dài lê thê, trong nỗi thắc thỏm muộn phiền, tự ti, mặc cảm. Đặc biệt là khi chung quanh cứ ồn ã mãi những thông tin rạng ngời: bạn A đậu Y Sài Gòn, bạn B vào Kinh tế, bạn nọ vô ngành Bưu điện… Lớp chúng tôi ngày đó hầu hết đều tìm được cho mình một lối đi. Chỉ có riêng tôi, loay hoay với ngành học chỉ nghe tên thôi đã thấy loàng xoàng. Tôi nhìn phía trước mịt mờ, chẳng thấy tương lai, nên trốn biệt ở nhà, tránh mặt bạn bè, chẳng muốn ghé thăm thầy cô nào. Nửa tủi thân nửa giận hờn. Cảm giác, mình thật sự vô dụng.

Phải rất lâu sau đó, tôi mới đủ dũng khí đối diện với cái sự “thiếu điểm vô Ngoại thương” của mình. Chẳng ai chê cười hay trách cứ tôi “làm mất mặt lớp chọn” cả. Chính tôi, trên dòng chảy cuộc đời, mới hiểu, cái bằng cấp ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình trưởng thành của một người.

Năm 2017, chúng tôi họp lớp lần đầu tiên, kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Có thể tạm gọi là đông đúc, đủ đầy, rưng rưng và vui sướng. Chúng tôi khóc đó rồi cười đó, ăn uống, hú hét, tỉ tê, cấu ngắt nhau… Thời gian làm quá tốt công việc của nó, khiến người ta đi về phía trước, với rất nhiều nỗi bận tâm thường nhật. Cơm áo gạo tiền khiến cho có bạn tóc đã điểm sợi bạc, có bạn mắt hằn chân chim, có bạn “xổ sữa” khác hẳn ngày thơ bé… Thế nhưng, niềm vui ngày gặp lại bật lên đầy xúc động. Chúng tôi ngắm nhau, hỏi han về cuộc sống hiện tại, mừng khi biết bạn bè đa phần có cuộc sống ổn định, no ấm, công việc tươm tất. Chia sẻ khi biết bạn còn nhiều vất vả khổ tâm chưa trọn vẹn. Động viên và hàn huyên. Những cung bậc yêu ghét năm xưa tha hồ bộc bạch, chẳng còn sợ ai chê cười hay hiểu lầm gì nữa cả. Lớn hết rồi mà!

Cá nhân tôi, đó cũng là lần đầu tự mình bước ra khỏi cái vỏ bọc “phiên bản lỗi của lớp của trường”. Để ngoảnh lại nhìn hai thập niên dài, mình từng có lúc muốn quay lưng với nơi đã dạy dỗ cô bé mười bảy, mười tám nhiều mơ mộng năm đó. Tới nỗi, ngỡ rằng bản thân không còn có chốn để về…

Năm rồi, lớp chúng tôi lại gặp gỡ nhau ở trên mảnh đất quê hương. Đã có chút thưa thớt vắng. Đã là thời cao trào của mạng xã hội, của những bi hài sớm đến sớm đi, của thức ăn nhanh, của những mối quan hệ xã giao “phải có lợi lộc gì chứ”. Thế nên, để có thể ngồi bên nhau, hát lại bản nhạc niên thiếu, nhắc về thời hoa phượng, về cuốn lưu bút sến sẩm, về ngôi trường nằm bên kia sông, cách nhau bởi một con đò… thì đều cần sự cố gắng. Sắp xếp cả về thời gian, kinh phí, phương tiện, rồi quan trọng nhất chính là lòng người.

Chợt thấy thèm được mặc lại chiếc áo đồng phục học trò, thèm ôm cặp sách, thèm ngồi ở sân trong một buổi nắng rất nhẹ, ngắm cảnh tan học áo dài trắng bay rợp trời… Chỉ là, mọi nỗi khao khát chỉ có thể gói gọn trong một câu “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này”. Thế thôi.

Thanh xuân của chúng tôi ở đấy. Hoài niệm về quê hương xứ sở, về gia đình, về dấu chân tuổi trẻ cũng ở đấy. Về ánh mắt đầu tiên, cái chạm tay đầu tiên, bài học vấp váp đầu tiên, cũng là ở đấy.

Ai chẳng nhớ nhung mái nhà chung yêu dấu một thời…