Mùa rêu đỏ

“Em tên gì? bao nhiêu tuổi?”, vừa hỏi, tôi vừa nhìn gương mặt trong veo sau làn khói mỏng bốc lên từ cái chậu gỗ ngào ngạt hương dược liệu. Cô gái im lặng, khẽ cười. Mãi tới khi những đầu ngón tay cô bắt đầu bấm sâu huyệt thái dương, cô mới rủ rỉ: “Em tên Lan, hai mươi ba rồi…”.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Giọng nói buồn, mờ dần như sương. Mỗi tối, khi lên khu sinh thái làm ca đêm, cô thường mang theo con. Đứa bé gái chừng ba tuổi, bi bô chơi với bà chủ ở mé hiên, khu nhà sao chè. Lan cũng như bao cô gái làm công ở đây, ngày thu hái dược liệu, chè, rau sạch…, tối xoa bóp dưỡng sinh. Ngày của họ dằng dặc từ lúc mặt trời chưa chui khỏi màn sương tới khi gà rừng eo óc gáy.

Lan kể, đứa bé là con thứ hai, đứa đầu lớn bổng, trông nom nhà cửa được rồi. Cả bản này, mỗi chồng cô học đại học. Mà học gì sáu, bảy năm chưa xong. Vẫn ở dưới thành phố ấy, năm ghé nhà đôi lần. “Nhưng không sao cả, em quen rồi”, giọng người mẹ trẻ đều đều. Đôi bàn tay cô gợn mầu chàm. Cuối thu, đang mùa nhuộm vải, Lan vẫn băng băng xe máy từ khu sinh thái về nhà, lúc vườn tược cám bã, khi se lanh, nhuộm vải. Con gái miền này sớm biết đã thêu thùa may vá, siêng năng khéo léo, lúc về nhà chồng mới đủ váy áo, chăn đệm. Giờ thì lại dành cho con. Dưới mấy gốc mận già sần sùi lúc nào cũng tăm tắp sào tre bắc ngang cành nọ, nhánh kia hong vải. Từng mảnh chàm thẫm xanh phấp phới trên cả những nong sắn, vạt ngô. “Nếu chỉ ở bản đi nương, nhuộm vải, lấy chồng, sắc chàm trên tay sẽ càng đậm hơn, như bàn tay bà cụ chiều nay chào chị”, giọng Lan nhè nhẹ.

*

Rừng núi sau mưa lũ, sương bay mù trời. Các vụ sạt lở đất nghiêm trọng thường xảy lúc đêm về sáng. Bao nhiêu cuộc đời đã bị vùi lấp, bao nhiêu thương tích vẫn chập chờn và những cuộc kiếm tìm, chờ mong chưa bao giờ chấm dứt. Người của khu nghỉ dưỡng báo với tôi, sẽ có xe ôm đón từ dốc núi. Lái xe đội mũ bảo hiểm, trùm khăn kín mặt, liên tục bẻ lái, uốn lượn gấp khúc, rồ ga. Hai bên đường, càng hút sâu, cây rừng càng thẫm lại.

- Anh chạy xe chậm chút, tôi thấy chóng mặt - tôi nói như hét thi cùng gió.

- Cô sợ gì? Vùng này, người âm đón thì còn. Người dương đón thì… - từng lời của lái xe, không có vẻ gì là bông đùa, đóng đinh vào gió.

- Nói vậy thôi, cô làm gì giữa chốn rừng rú này? Cô cứu hộ ai? - người đàn ông tiếp tục hỏi. Có vẻ đang phán đoán tôi hội nhóm từ thiện nào đó. Anh ta tên Mạc Văn. Gốc gác không phải người ở bản.

Những ngày lưu trú ở đây, tôi mới biết nhà Mạc Văn lọt thỏm dưới thung lũng Cấm, dân trong vùng gọi là Nhà Đòm. Đó từng là một gia tộc quyền uy, nườm nượp kẻ ăn người ở, mọi bức tường, kể cả hàng rào quanh vườn đều được chồng xếp bằng đá nguyên khối. Bây giờ, đá lên rêu, mà lại là rêu đỏ. Và người ta gọi chệch Đòm thành Đỏ. Căn nhà thênh thang, lành lạnh giờ chỉ còn Mạc Văn với mẹ già.

*

Tôi thường nằm trong nhà sàn, nhìn ra ô cửa. Chạc cây gần đấy có cái tổ chim trống rỗng. Mỏi mệt, ủ ê ngập đầy dần. Thiên nhiên vẫn mở bàn tay, ngay cả khi ta hờ hững quay gót. Tôi cố nhấc người dậy, men theo con đường dốc, nghe được tiếng chim, tiếng lá cành khẽ chạm nhau. Thỉnh thoảng một chú chim từ lùm cây bụi đập cánh chập chờn. Rồi kia nữa, cứ đi tới một khúc quanh lại gặp lũ gà rừng dạn dĩ kiếm ăn, dáng vẻ thật ung dung, thong thả.

“Chị đói chưa, em làm chút mì nhé! À mà món này cứ phải Mạc Văn”, Lan vừa gùi chè về khu sao ướp, vừa không quên ý tứ chăm chút, chào hỏi khách. Lan đẹp đến căng nhức. Đôi gò má ửng hồng, hơi lấm chấm tàn nhang, dấu vết nhọc nhằn nhưng cũng điểm tô cho nét duyên thêm mặn mà, sâu thẳm. Trên đầu, tóc búi gọn đằng gáy, phía trên vầng trán là vạt khăn quấn khéo léo, buông lơi những tua rua chấp chới.

Có một bí mật trong ngôi nhà ắng lặng của Mạc Văn. Là bức ảnh Lan thời thiếu nữ. Tôi không thôi nghĩ ngợi: Liệu rằng Lan có biết sự có mặt của bức ảnh này? À mà có khi cô cũng chưa bao giờ đặt chân vào ngôi nhà phủ đầy rêu đỏ ấy. Mẹ Mạc Văn giải thích, rêu chỉ đỏ theo mùa, theo con trăng nữa. Xuân và hạ rêu xanh, nhưng sắc xanh nhạt nhòa, èo uột, xanh như chẳng để làm gì. Chỉ quãng cuối thu đầu đông, lúc úa tàn, rêu mới rực lên sắc đỏ đầy ma mị. Trước sau gì thì Mạc Văn cũng chỉ yêu cô gái ấy. Nhưng cảnh nhà sa sút kiệt cùng, anh co cụm như con sâu trong kén. Ngày Lan được gả cho nhà khác, áo chàm nâng bạc trắng rung reng, anh tựa lưng vào mảng tường rêu đỏ bong dần mà bất lực.

*

Thực ra, bí mật đâu chỉ mỗi bức ảnh trong căn nhà rêu đỏ. Tôi không biết cách mở lời cùng Lan về câu chuyện liên quan đến Thào - chồng cô. Có nên nói cho Lan biết, Thào chung sống với Vy - một phụ nữ nhiều hơn tuổi anh và đó là bạn thân của tôi? Vy là mẹ đơn thân, nhà nuôi rất nhiều mèo. Lạ thay, bốn bức tường Vy cũng sơn mầu đỏ. Đỏ như rêu úa chứ không phải sắc son, sắc thẫm thân quen. Giữa phòng khách là bức chân dung tự họa. Vy chỉ vẽ cặp mắt trong chân dung mình, mái tóc buông xõa hai bên thành vệt đen như đôi rắn chụm đầu. Vy không kể tôi nghe gặp Thào trong hoàn cảnh nào, nhưng con riêng Vy, hơn tuổi con Thào đã gọi anh ta là bố. Vy muốn tôi gặp gỡ, dàn xếp sao cho Lan đồng ý chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, để Vy chắc chắn về những gì mình đang có được. Tính Vy, đã muốn là phải được.

- Em chưa bao giờ xuống phố à? Nếu em muốn thì đi cùng tôi chuyến này, hoặc tôi có thể hỏi han tung tích chồng em… - tôi gợi chuyện với Lan lúc cô đang lom khom cắt vạt ngải cứu già đã đơm hoa vàng hung.

- Để làm gì hở chị? Rồi em sẽ vẫn thế này, con em vẫn chơi thế kia, nhưng em nghe chị, có khi chúng không còn bố… - giọng Lan nhẹ như gió, mà sắc như dao, đường đột cứa vào tôi nỗi bàng hoàng, sửng sốt. Cô đã biết những chuyện gì? Hay chỉ là nhất thời buột miệng? Lan có biết Vy không? Có biết tôi là bạn Vy và đã cất công lên đây làm một việc thừa thãi?

Ánh mắt cô thăm thẳm mà bình thản nhìn từng bông hoa già đang tách mình, cuộn bay theo gió. Cơn gió màu hung thổi từ đỉnh núi cao xuống thung lũng Nhà Đòm. Đang mùa rêu chín. Ấy là cách nói của Lan. Còn Mạc Văn hay mọi người, gọi là mùa tàn lụi.

- Nếu không phải là rêu chín, thì gọi thế nào cho hợp mầu đỏ kia? - tôi hỏi như cách lảng tránh.

- Không chín thì gọi là cháy, chị à! - giọng Lan lần này như đóng đinh vào gió, giống cách Mạc Văn nói với tôi khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ.

*

Mẹ con Mạc Văn lúi húi trong bếp, đãi tôi bữa ăn trước khi về. Mì tráng bằng bột gạo nguyên chất, không tẩy mầu, từng bánh trắng nõn vắt vẻo trên sào trúc đang bốc hơi nóng hổi được anh dỡ xuống thái đều tay. Bà cụ chan nước dùng, xếp thịt gà bóng vàng và cải xanh nõn lên. Món ăn nồng nã, ngọt mềm mà cũng nhân nhẩn đắng cay đẩy lên từ sâu xa như thang thuốc hữu hiệu vỗ về cảm giác hoang mang, vô định trong tôi. “Cô uống chút rượu nhé!” - vừa chào mời, Mạc Văn vừa vào gian trong, bưng ra hai hũ rượu, rót đầy hai bát. Một loại mầu hổ phách non, trong veo như nắng rẻo cao. Nó khiến tôi nhớ Lan, nhớ nụ cười hồn hậu và và đôi tay thật dịu dàng.

- Cô đoán ra rượu gì không? - bà cụ nheo mắt hỏi.

- Sơn tra?

- Đúng rồi! Cô thật tinh tường.

“Dệt bộ váy áo đẹp thế này thì mất bao lâu?” - tôi hỏi Lan. Cô nở nụ cười ấm áp: “Chẳng ai tính tháng tính ngày, nhưng người hiểu chuyện, nhìn tay người làm là đoán được”. Khung cửi Lan vừa dệt mới được chừng vài gang tay thổ cẩm, nhấp nháy hoa văn. Cô thủ thỉ, muốn có sắc đỏ như mộc miên thắp lửa giữa rừng thì phải chiết từ loại cỏ thuộc họ nhà dương xỉ, lá nhỏ, mọc ra từ các hốc cây mục ruỗng. Đi rừng cả ngày cả buổi, không khéo cũng chẳng đủ một gùi, về giã nát, ngâm nước suối rồi cho vôi bột vào tạo mầu. “Bằng không, thì…” - lửng lơ câu nói của Lan, treo vào khoảng trống.

Điện thoại chợt reo, tôi mở máy, giọng Vy đầy sốt sắng: “Sao rồi? Xong chưa? Dứt điểm được không?”. Tôi im lặng. Khó để nói cùng Vy, lời dịu êm của cô gái bản: “Nhà là nơi được trở về, nếu Thào chối, thì thôi...”.

*

Mạc Văn không đưa tôi xuống núi mà chính Lan chủ động nhận phần việc ấy với ông bà chủ. “Cũng tốt, mấy ngày qua một tay nó chăm sóc cho cô ấy”, lời bà chủ đầy hồ hởi, hài lòng.

- Hôm trước, nói chuyện tạo mầu cho vải, ngoài cây trong rừng, còn gì nữa? - tôi tò mò hỏi Lan.

- Thế chị có biết, hũ rượu mầu hồng ủ từ gì không? Thứ ủ rượu cũng dùng nhuộm vải. Là rêu chín đấy. Mà thôi, chị gọi rêu cháy cũng được! - cô từ tốn đáp lời tôi.

Cuối thu, chặng đường từ khu sinh thái tít đỉnh núi cao xuống dốc toàn hoa trắng nở. Hoa như thể những đám mây, lửng lơ kéo từ khoảnh rừng này qua chân đèo nọ. Trên vai áo chàm của Lan cũng thêu hoa. Một bông hoa đang rút mình trong gió. Ngước lên trời, nhìn quanh núi, đâu đâu cũng chỉ mầu xanh của cây, mầu trắng của mây, của hoa và sương chùng chình vây bủa. Nhưng tận sâu trong lòng xứ sở này lại là sắc đỏ. Và rồi, khoảnh khắc ấy, khi Lan nói, lòng tôi se thắt, vụn vỡ ra, bởi một ánh mắt buồn mà đẹp đến nao lòng.

Ai ngờ được, rượu cũng từ rêu mà thổ cẩm cũng từ rêu. Người ta nghĩ đến úa tàn, riêng Lan nhìn vào mắt con mà thấy mùa đang rưng rưng chín.