Trốn mọi ồn ã, trốn mọi đua chen, trốn mọi lo toan, giót một tách trà độc ẩm nghe tâm tư mình vọng về tiếng trống trường, âm thanh khi thì rộn rã giục bước chân nhanh đến trường, khi thì hồ hởi báo giờ ra chơi đã đến, khi thì khoan thai thong thả tiễn những “thiên thần bé nhỏ rời lớp về nhà”. Còn đây bảng đen phấn trắng bao đời. Đời phấn mòn đi cho đời học trò đầy thêm tri thức. Bảng đen có lúc bạc đi nhưng biết hiến cả đời mình để cho bao thứ viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, để rồi bao lớp học trò buổi ban đầu lóng ngóng chữ a, chữ b, số 0, số 1 lớn lên tới mọi miền Tổ quốc biết chung sức chung lòng viết lên những bản anh hùng ca bất diệt.
Đầu năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi, gia tài tất cả trong ba-lô lộn ngược lên vùng cao Sơn Động làm anh giáo. Khu lẻ có 5 thầy cô ở 5 huyện khác nhau, người thì Gia Lương, Thuận Thành, người thì Yên Thế, thị xã Bắc Giang của tỉnh Hà Bắc ngày ấy, tưởng mình út ít nhưng có cô giáo chưa đầy hai mươi tuổi. Bài học đầu tiên là học tiếng dân tộc để vào bản tìm trò mở lớp. Cái khổ đầu tiên vượt qua là nỗi nhớ nhà. Một nỗi nhớ giằng xé thao thức bao đêm mất ngủ. Khu có 5 thầy cô thì bao giờ cũng chỉ có 4 thầy cô ở lại làm công việc của 5 người thì mới tạm đủ... gạo ăn. Bao năm trôi qua. Đằng đẵng thời gian, bao thầy cô đồng nghiệp, bao nhiêu trò tôi không hề gặp lại. Các em giờ đang ở nơi đâu?
Thầy dạy tôi từ ngày tôi còn học cấp 1, nay thầy đã 90 tuổi, tuy vẫn còn minh mẫn nhưng quy luật của tuổi tác cũng đã dần xóa tên của các trò trong trí nhớ của thầy. Chúng tôi tới thăm ngồi xúm xít quanh thầy, tóc thầy, tóc trò cũng bạc như nhau. Thầy nắm tay từng người, có trò quên thì thầy hỏi tên. Thầy hỏi thăm cửa nhà gia sự, biết tin có trò hư hỏng sa ngã, thầy dừng lại hồi lâu lấy khăn chấm nước mắt. Đến tôi vẫn câu hỏi mà thầy đã hỏi tôi những lần thăm trước: “Lần ấy, anh không học bài, thầy dùng thước đánh, anh có đau lắm không?”.
Thú thực thầy không hỏi thì tôi cũng quên, ngày đấy mải chăn trâu tối về mỏi quá tôi đi ngủ không học bài, sáng hôm sau thầy kiểm tra không thuộc bài, sẵn thước lim thầy vụt cho một cái đau điếng người. Từ đó cứ nghĩ đến cái thước của thầy là tôi phát khiếp kiểu gì cũng phải thuộc bài.
Đã có sự so sánh nghề dạy học như người lái đò. Vâng đúng vậy, những chuyến đò ngang chở bao lớp trò cập bến thầy quay lại đón những lớp trò sau. Nhưng thầy cũng là người chở đò dọc. Những chuyến đò vô hình nhưng đầy ám ảnh. Những chuyến đò thổn thức trong tim thầy, những chuyến đò theo thầy suốt cuộc đời, thầy vui khi thấy trò thành đạt và buồn và thấy như mình cũng có lỗi khi có trò sa ngã trước bão táp cuộc đời. Có thể các em không đến thăm thầy được, khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian thầy làm sao có thể gặp lại được bao trò nhưng các em là công dân tốt là hơn mọi lời hỏi thăm chúc tụng.
Ngày mai, ai là kỹ sư, ai là bác sĩ? Ai sớm hôm vui với ruộng đồng? Những anh hùng vĩ nhân lịch sử. Lớn lên từ mái trường này. Thầy cho em chữ Tài chữ Đức, chữ Tâm đã theo em suốt cả cuộc đời để cho em khôn lớn thành người.