Câu hỏi ấy cứ văng vào tôi trong khoảnh khắc cuối thu kỳ diệu này, tôi thích cái ánh sáng vàng mờ như bảng mầu của anh họa sĩ nào đó đang lòa xuống lòng đường kia, đó là thứ ánh sáng hắt ra từ đèn cao áp đã khiến cho hình hài của tôi liêu xiêu, nghiêng ngả, to cao rồi lại dí dị... Buồn cười thế chứ khi đã bao nhiêu lần tôi ước giá mình có được cái dáng vẻ bề ngoài như cái bóng cao cao kia.
Đã vậy, con đường ắng hẳn trái ngược với ban ngày này, giờ chỉ còn nồng lên hương sữa. Chao ôi, rất thu!
Đây là Tôn Đản, phố như đang mặc niệm mình sau những lộn xộn của vòng bi, nhông xích, của phụ tùng, của tiếng mua và bán khi mặt trời tỉnh ngủ. Thì bây giờ chỉ còn lại âm thanh này, âm thanh của yên ắng. Đâu đó cũng có một vài tiếng rao lạc lõng sót lại tan vào đêm, lao xao trong tiếng heo may như một bản tình ca giao mùa ngân nga cho thêm phần lãng đãng.
Hay là bây giờ Tôn Đản cũng đang như tôi, trầm ngâm bới tung ký ức để tìm phút nào quen thuộc? Bỗng thấy mình nhẩn nha rong chơi nơi này của những năm mười lăm, mười sáu, phố tôi rất trẻ như cái thời tôi rất trẻ. Con phố toàn người Hoa sinh sống qua lời kể của bác Thúy những lúc thơi thả vãn hàng, con phố sầm uất bán buôn phụ kiện tàu xe và hàng hóa, con phố đã từng hứng trọn tôi giữa cái lạnh te tái Phòng những sớm tinh mơ, hiu hắt không nhà. Con phố ấy cũng đầy hoài cổ với những bậc cầu thang buồn tênh cũ kỹ, những mái ngói mặc rêu trên nóc khu tập thể vàng nâu im lìm, giờ có lẽ đang trầm ngâm sau cây si già nua trăm năm đứng đây làm chứng. Ôi con phố ấy từng đầy oặp tiếng rao, tiếng í ới mặc cả, tiếng máy nổ lẫn cả tiếng tôi.
Tôi đi chầm chậm dưới lòng đường ngửi mùi hoa sữa, cái mùi đặc trưng không thể nào thiếu được của mùa thu. Hai bên đường bây giờ các cửa xếp đã kéo lại, nhưng ánh đèn chưa ngái ngủ nên buồn bã hắt ra qua những lỗ thủng hoen rỉ kia, như muốn phác họa lên một bức tranh trừu tượng, quả thật tôi đã tha hồ đẵm mình trong bức tranh vô hình ấy dưới một đêm cuối thu như thế. Ở đó có bữa cơm sum vầy trong căn nhà muộn, ở đó họ đang cùng nhau uống trà và nói về một nhân vật nào đó của cuốn tiểu thuyết, ở đó hơi khói bốc lên làm ly cà-phê đượm mùi hôn đôi tình nhân trẻ, ở đó có màu sung sướng lóe lên nơi con mắt mẹ tôi khi đã kịp bán hết chõ xôi khúc khuya về.
Bất giác tôi thấy mình vui vẻ, chợt cười trong vô thức khi có một ý nghĩ dịu dàng vừa băng qua.
Chợ Sắt đây rồi, nơi ấy từng tồn tại một quán bún cá vô cùng đặc biệt. Cô chủ cũng là một người đàn bà đặc biệt với tôi, bát bún ngon hơn bởi thức khuya dậy sớm, viên chả cá thơm lừng lẫn với dọc mùng, tôi sẽ xui ai đó sẽ thêm chút chí chương cho ấm lòng mấy vị lơ xe vội vàng của bến xe Tam Bạc. Bát bún cá đã khiến tôi nhớ đến người đàn ông tên Dũng, một gã xích lô có dáng người mảnh khảnh mang một khối đời bất hạnh. Không biết khi tôi ngồi gõ những phím này, người đàn ông tên Dũng ấy giờ ở đâu...
Càng khuya, mùi hương đêm cuối thu càng nồng lên rõ rệt. Có những thứ đã trôi qua để bây giờ thấy khối tài sản ấy quả là đáng giá vô cùng.
Mỗi mùa thu đến rồi đi như vòng tròn định mệnh, nhưng không một mùa thu nào giống mùa thu nào cả, không một nỗi buồn, không một niềm vui nào giống nhau cả.
Như lúc này, tiếng xôi khúc rao ập vào đêm, chiếc cadigan bay theo chiều gió.