Từng mùa đi qua

1/Con trai lớn của chị dạo này hay nói xa nói gần về việc giá như nhà mình tròn vẹn hơn chút nữa, thì có lẽ sẽ vui hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Chị hỏi: Vậy nhà mình gần mười năm nay không đủ vui à? Mẹ khỏe mạnh, làm ăn phát triển. Các con thông minh ngoan ngoãn, học đâu đạt đó. Vui quá còn gì? Con trai lấp lửng: Nhà bạn gái con vui hơn vì đủ cha mẹ… Họ muốn đến nhà chúng ta thăm chơi đó mẹ.

Thì ra là cậu chàng đã có bạn gái. Ừ dù sao cũng hai lăm tuổi rồi, có bạn gái là hợp lý. Nhưng chị đào đâu ra người đàn ông của gia đình khi mà gần mười năm trước chính anh ta đã tự mình vứt bỏ vợ con? Chị bảo con trai rằng, mẹ hiểu con muốn nói gì, nhưng có thể việc đó mẹ con ta đều không làm được. Chàng trai trẻ reo vui: Nếu con làm được, thì mẹ chấp nhận nha mẹ? Để con có đủ ba mẹ mà… đi hỏi vợ cho xôm tụ?

Chị ậm ừ.

2/ Ngày đó chia tay, chồng cũ của chị để lại lời nguyền rằng “Em sẽ là người mẹ thất bại vì không giữ được cha cho con. Nếu em thương con thật sự thì khi ba nó giận dỗi ly hôn, em phải năn nỉ thậm chí lạy lục van xin cho ba nó quay về cho con có cha, đó mới là người mẹ tốt. Đàng này em chấp nhận mất chồng. Em ơi… dù em có thành công ngoài xã hội, có làm quan, làm sếp, có tiền muôn bạc vạn gì gì nhưng trong gia đình không giữ được cha cho con thì cũng là người thất bại thôi em à!”.

Cha của con chị giận dỗi ly hôn vì cho rằng chị không quý chồng. Cái thửa đất cha mẹ chị cho thừa kế làm tài sản riêng chỉ ba trăm mét vuông với hai mặt tiền ấy, hơn tỷ bạc chứ bao nhiêu mà chị không cho anh đứng tên chung trong giấy đỏ? Vậy nên anh phải ly hôn cái con người quý của hơn quý chồng ấy!

Mười lăm năm chồng vợ với bao nhọc nhằn gian khó, ngọt ngào khổ đau cùng chia sớt, mà bây giờ chỉ vì chút tài sản được chia thừa kế ấy mà vợ chồng phải mất nhau sao? Chị khuyên anh từ từ, dù cha mẹ không chia phần thừa kế đó, thì chúng ta vẫn có nhà để ở kia mà. Vả chăng sự việc mới mẻ quá, đâu riêng gì mình em, tất cả các con của cha mẹ đều được chia thừa kế, chỉ là “chỉ cho con ruột, không cho con dâu, con rể”. Của là của cha mẹ, ông bà cho ai làm sao em dám có ý kiến. Anh hãy từ từ, chừng vài năm sau sự việc “nguội” rồi, chúng ta sẽ âm thầm ra Phòng Tài nguyên và Môi trường để em sang tên cho anh làm chủ tài sản, em thừa kế.

Chồng chị không đồng ý, rằng nhà chúng ta đang ở chỉ là nhà thuê tháng. Anh chán ngán cảnh chưa lãnh lương đã tới tiền nhà rồi! Em nhận đất thừa kế rồi, sang tên ngay cho anh làm chủ sở hữu đi! Anh đem giấy đỏ vào ngân hàng vay một cục tiền vài trăm triệu về cất cái nhà to đẹp cho mọi người “lác mắt”. An cư mới lạc nghiệp vợ à!

Chị bảo chồng rằng, sao mà phải chạy đi sang tên rồi vay tiền, cất nhà chi mệt vậy? Nhà chúng ta thuê còn hai năm nữa mới hết hạn. Mình cứ ở nhà thuê như bao năm nay, tiền tiết kiệm hằng tháng vẫn có. Khi hết hạn thuê nhà thì ta cũng đủ tiền cất nhà trên đất của mình mà không phải vay mượn nợ nần gì cả. Còn thửa đất vừa nhận thừa kế đó, bây giờ cứ để trồng cây lấy trái cho vui.

Nhưng chồng không đồng ý, nói chị đàn bà tầm nhìn hạn hẹp, không có gan sao làm giàu? Cái nhà mấy trăm triệu định xây đó thì anh thế chấp để lấy vốn làm ăn lớn đấy! Kinh doanh dịch vụ xe du lịch-đưa rước sân bay-đám tiệc là một vốn bốn lời.

Chị hốt hoảng: vậy là nhà đất gì cũng thế chấp hết hả chồng? Rồi hằng tháng làm ăn dư dả bao nhiêu không biết, nhưng tiền lãi ngân hàng là phải đóng? Trong khi anh chỉ là tài xế ăn lương tháng, em kinh doanh thực phẩm “nhà làm”. Thì làm sao đủ tiền đóng lãi ngân hàng?

Chồng bảo chị “ngu”, “đàn bà não ngắn” nên mới tính toán chi li như vậy. Tiền bạc phải xài nhiều thì nó mới về nhiều. Bao năm nay em bán từng hũ mắm chua, từng kg đậu phộng rang muối, từng bịch chà bông… em phải cân đo tính toán từng đồng, chưa đủ ngán sao?

Nói thì nói, nhưng chị không dám sang tên thửa đất vừa nhận thừa kế ấy cho anh đứng tên, vì sự việc còn mới quá. Anh thì đùng đùng nói vợ không ủng hộ chồng làm ăn, vợ quý đất hơn quý chồng. Thì anh ra đi coi chị làm sao nuôi dạy được hai con. Coi có lột da sống đời mà giữ thửa đất ấy không cho biết!

3/Chị mang mặc cảm “thất bại” nên lao động bằng năm bằng mười để tạo ra của cải vật chất cho con cái đủ điều kiện ăn học. May hai con trai ngoan, biết phụ mẹ bào vỏ từng quả đu đủ để làm món “mắm chua đu đủ-tôm ớt”; biết rang từng chảo đậu phộng để làm món “đậu phộng chiên nước mắm”; biết làm thịt chà bông, cá chà bông, khô gà lá chanh… Trời thương nên sản phẩm nhà làm của mẹ con chị ra mẻ nào đều bán hết mẻ đó. Bán tại nhà, bán qua app, bán qua bè bạn… Chị và hai con trừ lúc đi giao hàng, đi học thì còn lại những lúc cuối tuần đi siêu thị, đi xem phim, đi nhà sách, đi học thêm, đi chợ mua nguyên liệu… đều kè kè nhau trên chiếc xe máy cà tàng để đưa bé đầu cấp đến trường, bé cuối cấp đến lớp học thêm…

Chị sợ mình thành người mẹ “thất bại” nên ngoài việc cố gắng lo cho con đủ ăn đủ mặc, đủ học hành mà còn phải theo con rất “sát sườn”. Để cập nhật thông tin nhóm nhạc con thích, để trao đổi với con mỗi khi con tâm sự; cố gắng nghe giai điệu bài hát mà con cho là đang “hot” dù những giai điệu đó chị chẳng hiểu gì, mà cũng không nghe được gì. Rồi con cần mua chiếc áo khoác mà Ai-đồ của con đang mặc dù nó thùng thình hay họa tiết rất lạ lẫm nhưng có giá bằng hai kg thịt chà bông. Chị cũng cố gắng mua để “làm bạn cùng con”. Người mẹ còn phải học vài ngôn ngữ tuổi teen để nói chuyện với con; khơi gợi tìm hiểu về cô bạn gái mà con đang có “rung động đầu đời”…

Chị sợ mình thành người mẹ “thất bại” nên đã tìm hiểu trường lớp khi con nhỏ sắp hết cấp 2, con lớn sắp vào cấp 3. Cùng con tìm hiểu môn học mà con yêu thích chứ không áp đặt con phải nghe theo mình… Cả những hình xăm nho nhỏ mà con muốn, chị cũng phải tìm hiểu ý nghĩa và thỏa thuận với con nên xăm hình nào cho hợp lứa tuổi…

Nói thì ngắn vậy thôi nhưng từng mùa, từng mùa đi qua. Xuân, hạ, thu rồi đông năm này qua năm khác… Những lúc con ốm bệnh, nhiễm siêu vi hay trúng thực hoặc thằng trai lớn phẫu ruột thừa… Người làm mẹ đều phải một mình đương đầu với sóng gió.

Từng mùa đi qua, chị phát hiện mình mắc chứng “tóc bạc sớm”, mới đầu là ngứa ran ran vùng đỉnh đầu, sau lan ra mang tai rồi cả đầu thì thằng con nhỏ hô hoán “Trời ơi…sao tóc mẹ bạc dữ vậy? Như bà già sáu chục luôn!”.

Sáu chục gì, lúc đó chị còn chưa bốn lăm nữa là.

4/Hơn mười tám tháng xây dựng, kiểu có tiền đến đâu xây đến đó. Thì chị đã hoàn thành ngôi nhà khá to trên thửa đất cha mẹ cho dạo ấy.

Giã từ nhà trọ, tạm biệt vuông sân bé teo nhưng đầy nắng để mẹ con chị phơi dưa mắm, phơi thịt chà bông, phơi mứt gừng, phơi mứt dừa… mùa nào thức ấy. Ba mẹ con về ngôi nhà hai tầng khang trang, cái sân bốn mươi mét vuông có giàn phơi cao ráo sạch đẹp. Chị còn tạo việc làm cho hai chị em trong khu phố để hằng ngày phụ mình làm các món của “bếp mẹ Châu”.

Gần mười năm làm mẹ đơn thân mà xây dựng được nhà cửa đàng hoàng và “độ” các con vào được trường lớp đúng học lực và sở thích của nó thì quả thật là đoạn đường ai có qua cầu mới hay những gian nan khổ nhọc đó. Từng mùa đi qua của bao năm tháng ấy, cha của con chị không cấp dưỡng một đồng nào. Ngay cả sinh nhật con, Tết Nguyên đán, đầu năm học mới, Tết thiếu nhi… đều không có một lời hỏi thăm. Bây giờ đứa lớn sắp tốt nghiệp đại học và đã được một doanh nghiệp mời về làm việc. Đứa nhỏ vừa vào lớp 12 và biết nghe lời anh để học hành đàng hoàng.

Chồng cũ của chị, chẳng nghe thành công gì sau khi ly hôn. Chỉ thấy bỗng nhiên anh xuất hiện ở cổng nhà chị sau bao năm “lặn không sủi tăm”. Anh lớn tiếng đòi vào nhà vì “Hai đứa nhỏ là con tôi, cô mở giấy khai sinh ra xem phải họ tên cha chúng nó là tôi không?”.

Nụ cười người phụ nữ “thất bại” nở tươi. Còn đôi môi người đàn ông “suýt thành công” thì bạnh ra như chuẩn bị tranh luận vấn đề lớn lắm. Chị từ tốn bảo chồng cũ hãy chờ chị mời công an đến giải quyết vì anh không là người cư trú ở địa chỉ này. Còn mời anh vào nhà làm khách, thì chị không có nhu cầu châm trà rót nước vì chị bận lắm.

Anh lớn giọng: hết tình còn nghĩa, bà độc ác đến nỗi không cho cha gặp con à? Nghĩa ư? Là nghĩa gì mà gần mười năm không hề thăm nom hay quan tâm con cái. Biết chừng chúng nó còn tồn tại không?

Hàng xóm vây quanh hỏi han chỉ trỏ. Rồi ai đó đã gọi cho thằng trai lớn của chị. Tiếng xe thắng gấp, nó nhìn ra người đàn ông chân đất, quần áo xuề xòa, tay cầm chiếc túi xách cũ kỹ kia là cha của mình. Vì hồi ông bỏ đi, nó cũng mười bốn tuổi rồi mà.

Nó chở cha trên xe máy rời khỏi “hiện trường”.

Người mẹ ở lại đếm từng mùa ấm lạnh đi qua đời mình suốt quãng thời gian đơn thân của gần mười năm qua mà nghe lòng mềm quá. Nhưng không sao, từng mùa nhằn nhọc đời người đi qua và chị đã trụ được tới bây giờ thì tất nhiên chị sẽ ổn thôi mà.