Nâng tầm Việt Nam tại các diễn đàn đa phương

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) nhằm khẳng định vai trò và sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong WEF cũng như các diễn đàn đa phương khác. Là một trong những diễn đàn uy tín hàng đầu thế giới, WEF đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách kinh tế phù hợp kỷ nguyên mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và WEF về thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nguồn: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và WEF về thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nguồn: TTXVN

1 Thành lập năm 1971, WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện diễn đàn thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, hay Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.

Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF, với chủ đề "Tái thiết lòng tin", tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp về thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội. Khoảng 3.000 đại biểu, trong đó gồm 70 nhà lãnh đạo quốc gia, 250 bộ trưởng, 2.500 lãnh đạo các tập đoàn, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, học giả uy tín tới tham dự hội nghị lần này.

Từ khi thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã bốn lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, gần đây nhất là cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng 6/2023.

2 Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, như Đối thoại Chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất trong năm 2021 với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo". Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức. Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ hai với chủ đề "Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước". Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018, Hội nghị WEF-Mê Công lần đầu năm 2016 và Hội nghị WEF Đông Á năm 2010.

Dựa trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và WEF, tại Hội nghị WEF Thiên Tân diễn ra tháng 6/2023, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026, tập trung vào hợp tác trong sáu lĩnh vực gồm: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa; Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Một số dự án hợp tác cụ thể đang được thúc đẩy gồm: Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, hai bên đang thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào "Sáng kiến Mạng lưới toàn cầu tăng tốc thu hẹp khoảng cách kỹ năng", nhằm phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Sáng kiến nhằm tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác về giảm tối đa và chấm dứt ô nhiễm nhựa, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn tiến tới phát triển bền vững.

Một trong những hợp tác cụ thể và quan trọng giữa hai bên là dự án Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực-thực phẩm Việt Nam, nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống thực phẩm và nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, xanh, bền vững và ít phát thải. Hiện nay, dự án tập trung vào đầu tư và phát triển giống gạo ít phát thải, dự kiến sẽ tác động đến 1,5 triệu hộ canh tác. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy sáng kiến này.

3 Giới chuyên gia Thụy Sĩ đặt kỳ vọng vào chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Davos. Theo ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức và Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Sĩ, Việt Nam có những đóng góp rõ rệt tại các diễn đàn đa phương thời gian qua. Ông nhấn mạnh: "Hoạt động của đoàn sẽ là một thành công nữa trong chuỗi những sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Bằng những hoạt động như này, Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng mình là một quốc gia có thế mạnh trong các kế hoạch kinh tế định hướng tương lai, tập trung mạnh vào tăng trưởng bền vững và số hóa, trong tất cả các ngành từ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất đến các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số".

Ở Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của Hội nghị, bao gồm phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề "Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam"; phiên Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu" và phiên thảo luận với một số lãnh đạo ASEAN về "Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN". Ông Ivo Sieber, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, chia sẻ: "Tôi hy vọng rằng chuyến công tác của đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế".

Tại lễ ra mắt Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sĩ ở thành phố Zurich trước thềm Hội nghị, Tổng Biên tập tờ Die Weltwoche, ông Roger Köppel, cho rằng Việt Nam nên tận dụng những nền tảng thúc đẩy hợp tác đa phương như Hội nghị tại Davos để cho thế giới thấy các thành tựu mà Đảng Cộng sản cùng Chính phủ làm được trong những năm qua. Ông nhấn mạnh: "Các bạn đã trải qua những đau thương của chiến tranh trong thế kỷ 20 nhưng tôi thấy, Việt Nam gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và nỗ lực gìn giữ hòa bình. Với tôi, Việt Nam là hình mẫu của hợp tác và duy trì cân bằng".