BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Nâng bước trẻ nghèo nơi biên ải đến trường

Những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Chương trình đã kịp thời giúp cho hàng trăm học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được tới trường.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới 2022-2023.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới 2022-2023.

Một chương trình nhân văn

Trong hàng trăm học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng ở khu vực biên giới Đắk Lắk, em Hồ Thị Thu Thảo ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp là một trong những em được “nâng bước tới trường” kịp thời. Thảo đã trở thành sinh viên năm thứ ba Trường đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh.

Thảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Vùng biên giới Ia R’vê khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, dù gia đình em đã xoay xở mọi cách nhưng vẫn không đủ chu cấp cho em và em trai đến trường. Hai chị em đang đứng trước nguy cơ bỏ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ thì may mắn đã đến. Vào năm Thảo học

lớp 8, các chú bộ đội biên phòng nhận đỡ đầu, giúp đỡ để em có điều kiện tiếp tục đến trường. “Từ khi được các chú giúp, hằng tháng em được trợ cấp 500 nghìn đồng. Ngoài ra còn được tặng quần áo, xe đạp, sách vở, yên tâm học tập. Khi lên đại học, xa nhà, các chú thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên. Không phụ công ơn của các bác, các chú, em sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện để có kết quả tốt nhất, sớm có nghề nghiệp ổn định giúp đỡ gia đình, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, cùng với các chú bộ đội biên phòng xây dựng vùng biên cương ngày càng giàu đẹp”, em Thảo bộc bạch.

Còn em H’Vina Knul ở xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gia đình em có hai chị em, mẹ bị tai biến nhiều năm nay, gánh nặng kinh tế đè lên vai người bố. Năm 2021, mẹ em bệnh nặng qua đời. Việc học tập của em tưởng chừng phải dừng lại ở đây để bươn chải với cuộc sống cơ cực nhưng may mắn em được Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu nên tiếp tục được đi học. H’Vina Knul tâm sự: “Khi mẹ qua đời, em cảm thấy chông chênh, tưởng chừng con đường học tập phải dừng lại để ở nhà phụ giúp bố. Nhưng nhờ các chú bộ đội và sự vượt khó vươn lên trong học tập nên em đã vượt qua tất cả. Em sẽ cố gắng rèn luyện, học tập tốt hơn nữa”. Đến nay, H’Vina đã là nữ sinh lớp 11 của Trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk với thành tích học tập đáng khen ngợi.

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Từ khi triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động đến nay, được sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đỡ đầu 247 em. Đến cuối năm học 2021-2022, có 11 em tốt nghiệp THPT; trong đó có hai em thi đỗ đại học; một em thi đỗ cao đẳng, các em còn lại đang theo học chương trình phổ thông các cấp. Đây là chương trình hết sức nhân văn, cao cả, thể hiện được bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình hiện nay, sưởi ấm trái tim, thổi bùng lên khát vọng về một tương lai tốt đẹp cho nhiều đứa trẻ thiếu may mắn nơi vùng biên ải của Tổ quốc.

Nâng bước trẻ nghèo nơi biên ải đến trường ảnh 1

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk hướng dẫn “con nuôi” của đồn học tập.

Tiếp tục nâng bước các em

Tỉnh Đắk Lắk có bốn xã biên giới thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp với dân số 6.720 hộ, 23.419 khẩu, gồm 26 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 39,3%. Do địa bàn rộng, điều kiện về khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ, nhận thức của nhân dân còn hạn chế... nên đến nay khu vực biên giới của tỉnh vẫn chậm phát triển so các khu vực khác; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 55,7% dân số. Do đó, việc học tập của các em học sinh bị ảnh hưởng, nhiều em rất hiếu học, học khá nhưng không có khả năng đến trường, phải bỏ học giữa chừng, ở nhà lao động phụ giúp gia đình.

Theo Đại tá Đào Viết Hùng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia ngày càng thêm nặng nề, tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bộ đội biên phòng vẫn tiếp tục hành trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Để chương trình lan tỏa sâu rộng hơn, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia, đồng hành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về mục đích, ý nghĩa của chương trình nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân ở khu vực biên giới thấy được mục đích, ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực của chương trình. Từ đó nhân rộng chương trình, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng...

Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai từ năm 2014, với tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự chia sẻ với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tự nguyện ủng hộ kinh phí hỗ trợ mỗi em mỗi tháng 500 nghìn đồng. Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” được triển khai từ năm 2019 đến nay, các đơn vị không trực tiếp nuôi dưỡng đóng góp 200 nghìn đồng/tháng bằng nguồn kinh phí tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ. Sau đó phân bổ về các đơn vị trực tiếp nuôi dưỡng để hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học tập, nuôi dưỡng các cháu.

Em Đinh Tiến Lợi, xã Ia R’vê là một trong những con nuôi đợt đầu của chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Lợi là con út trong gia đình có năm anh, chị em, bố mất khi em mới tròn 1 tuổi, mẹ bị bệnh tim, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ khi được nhận về nuôi dưỡng tại Đồn Biên phòng Ia R’vê, Lợi được chăm sóc chu đáo, kèm cặp trong học tập và được tham gia một số hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, tăng gia sản xuất, chan hòa cùng những người lính trẻ tại đồn biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê ai cũng yêu thương Lợi như con đẻ, chăm sóc em bằng tình cảm của người cha, người chú, người anh. Đồn cử hai cán bộ trẻ gần gũi, hằng ngày lo việc ăn uống, dạy học bài, đưa đón đến trường và tập cho em làm quen với mọi sinh hoạt trong cuộc sống, rèn tính tự lập.

Bà Nông Thị Cần, mẹ của Đinh Tiến Lợi chia sẻ: “Từ khi Lợi được nhận vào làm con nuôi ở Đồn Biên phòng Ia R’vê, cháu học tập tiến bộ hơn và tính tự lập cũng cao hơn. Gia đình rất yên tâm khi Lợi được chăm sóc, dạy dỗ, rèn luyện cùng các chú bộ đội. Tôi cảm ơn Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình để cháu Lợi cũng như nhiều con em có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở khu vực biên giới tiếp tục được đến trường học tập để sau này góp sức xây dựng khu vực biên giới bình yên, no ấm”.