Mùa quýt hồng Lai Vung

Đồng Tháp là một trong những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng cây ăn trái lớn, có nhiều loại trái cây nức tiếng như bưởi da xanh, quýt, xoài... Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quýt hồng, một thứ đặc sản quý hiếm của huyện Lai Vung ở tỉnh này.

Mùa quýt hồng Lai Vung

Thăm “Vương quốc quýt hồng”

Nằm ven sông Hậu, được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ cộng với khí hậu mưa thuận gió hòa, Lai Vung là vùng đất thích hợp để chuyên canh quýt đường, quýt hồng, đặc biệt là giống quýt hồng trái vàng cam láng lẩy, mọng nước, thơm ngon. Quýt đường ra trái, thu hoạch quanh năm, riêng “công chúa” quýt hồng chỉ cho thu hoạch một mùa trong năm, mùa Tết. Quýt hồng được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu. Với diện tích canh tác gần 2.000 ha, mỗi năm Lai Vung cung cấp cho thị trường Tết từ 35 đến 40 nghìn tấn quýt. Trái quýt hồng Lai Vung có mặt ở nhiều tỉnh, thành, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nổi tiếng nhất “Vương quốc quýt hồng” Lai Vung là các nông dân nhiều năm làm vườn, trồng quýt hồng như ông Trần Văn Nhỏ, Lưu Văn Tín ở xã Long Hậu; ông Lê Văn Ràng ở xã Tân Thành... Mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ, nhưng công việc chăm sóc quýt hồng diễn ra gần trọn năm, bắt đầu từ tháng Hai âm lịch, sau thu hoạch. Cách huyện lộ không xa, con đường nhỏ ngoằn ngoèo bắc qua kinh rạch ấp Long Thuận là những vườn quýt rộng lớn liền kề. Vườn quýt nhà bà Nghiêm Xuân Mai, tại ấp Long Thuận, xã Long Hậu chi chít trái. Gia đình bà Mai có hai công (2.000 m2) đất trồng quýt đường và quýt hồng, tiền thu hoạch từ quýt đủ sống cho cả gia đình. Canh tác diện tích lớn hơn, dày công chăm sóc và có bí quyết riêng thì hoàn toàn có thể làm giàu bằng nghề trồng quýt, như hàng xóm của bà Mai, gia đình ông Trần Văn Nhỏ, một trong những “đại gia quýt hồng” có tiếng ở Lai Vung.

Ông Nhỏ đang lúi húi ngoài vườn tỉa bớt những trái quýt hồng èo uột, không đẹp mắt. Với 30 năm trong nghề làm vườn, trải qua bao mùa cây trái, nay gia đình ông Nhỏ chỉ chuyên canh giống quýt đường và quýt hồng trên diện tích 7 công đất. Hai loại trái đặc sản này mỗi năm đem lại cho gia đình ông doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Theo ông Nhỏ, trồng quýt đường hai năm cho thu hoạch, quýt hồng phải mất ba năm. Cứ 10 năm một đời cây. Người nông dân Lai Vung không đợi cây già, cây chết hay chặt bỏ đồng loạt để gây vườn quýt mới mà thường trồng giặm cây mới xen cây cũ, thay thế dần cây già yếu, cho trái kém chất lượng. Nhà vườn thường chiết cành, làm bầu trên cây hai tháng, sau đó cắt cành giâm xuống đất đắp mô từ trước, một tháng rưỡi sau mới bứng trồng riêng. Quýt đường cho trái quanh năm, trồng xen kẽ quýt hồng, lấy huê lợi trái ngắn hạn trang trải đời sống, chi tiêu cho giống, phân bón, công thợ chăm bẵm, đợi chờ mùa quýt hồng dịp Tết. Dẫn chúng tôi đi một vòng vườn quýt hồng nhà mình, ông Trần Văn Nhỏ vừa kiểm tra bầu cây chiết, cây giâm đất mô và kêu vợ con ra tỉa bớt những trái quýt kém chất lượng để dồn dưỡng chất cho cây, trái đẹp phát triển. Thường, trước khi thu hoạch một, hai tháng, các thương lái đi coi, ngã giá mua mão cả vườn quýt, đặt cọc và hẹn ngày thu hoạch. Trên 15 năm chuyên trồng quýt hồng, ông Nhỏ thương đất, quý nghề. Tình yêu đất và sự cần cù đã cho gia đình ông no ấm, con cái ăn học thành tài.

Giá quýt hồng dao động từ 20.000đ đến 25.000đ/kg, có năm giá tăng đến 30.000đ/kg vẫn hút hàng. Điều kỳ lạ, cũng giống quýt hồng Lai Vung được đưa về trồng ở vùng khác với cùng kỹ thuật canh tác nhưng cho năng suất không cao, trái quýt cũng không ngon ngọt, đẹp như quýt trồng ở “đất tổ”. Mới thấy giá trị, tầm quan trọng của khí hậu, thổ nhưỡng, sông nước ngọt lành, một sương hai nắng truyền đời của người làm vườn, có ý nghĩa quyết định thế nào đến sản vật nói chung, hoa trái nói riêng.

Du lịch vườn quýt hồng

Tháng 12, khi quýt đường trái xanh lúc lỉu oằn cành thì quýt hồng bắt đầu ửng vỏ. Hai, ba tuần trước Tết Nguyên đán, nhiều vườn quýt ở Lai Vung rạng rỡ sắc vàng cam quyến rũ. Đi một vòng các xã Long Hậu, Long Thành, Tân Phước... đã thấy không khí khẩn trương vào vụ. Hai bên đường liên xã là các vườn quýt hồng ửng sắc, cũng là dịp các nhà vườn bắt đầu đón thương lái coi, đặt hàng và du khách đến tham quan. Giá “vé” vào thăm vườn quýt khoảng 10.000đ/người. Khách được tự do tham quan, chụp ảnh, hái trái và cân ký trả tiền theo thời giá. Vài nhà vườn không tính tiền vé mà tính vào giá quýt (theo giá bán lẻ của thị trường) cho khách tham quan. Không gì thú vị hơn được dạo vườn quýt, đi giữa tàng cây trái rợp mát, chụp ảnh kỷ niệm, hái trái và thưởng thức tại chỗ. Nhiều bạn trẻ còn lấy vườn quýt hồng làm bối cảnh chụp album thời trang hay ảnh cưới với váy áo xúng xính trong không gian, sắc mầu đẹp lạ.

Mùa quýt hồng Lai Vung ảnh 1

Vườn quýt hồng ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung).

Những vườn quýt hồng rực sắc cam vàng, trĩu quả, phải dùng cây chống cho cành không oằn, gãy cành, rộn rã tiếng nói cười. Từ 25 đến 28 Tết, các vườn quýt hồng được khẩn trương thu hoạch để phục vụ thị trường. Sân nhà nào cũng ngổn ngang hàng trăm thùng xốp đựng trái cây, xe tải, thuyền ghe ra vào chuyển hàng đi khắp nẻo. Những trái quýt hồng no mọng, láng lẩy, 1 kg khoảng năm, sáu trái, nhìn thật bắt mắt. Theo ông Trần Văn Nhỏ và ông Lưu Văn Tín (xã Long Hậu), một héc-ta trồng quýt hồng trừ hết chi phí, nông dân lời trung bình 150 - 200 triệu đồng. Vườn quýt hồng nhà ông Nhỏ, ông Tín (cùng diện tích khoảng 7.000m2) thu hoạch từ 40 đến 50 tấn quýt/năm. Năng suất quýt hồng trung bình tại bốn xã “điểm” đạt từ 35 đến 40 tấn/ha. Mùa “thất” cũng đạt trung bình 25 tấn/ha. Ngoài trái quýt hồng thành phẩm, các nhà vườn còn thu nhập thêm từ tiền bán “phụ phẩm” quýt trái kém chất lượng tỉa bỏ, như vỏ quýt phơi khô làm dược liệu, quýt tách múi ngâm muối, đường làm mứt hay nước giải khát... Chưa kể, có nhà vườn còn kinh doanh quýt kiểng trồng trong chậu như mai kiểng, giá bán vài triệu đồng một chậu.

Điều làm nên thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung ngoài chất lượng ngon ngọt, đẹp mắt, là những năm gần đây các nhà vườn ở Lai Vung còn trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân theo quy trình khiến cây trái ít bệnh, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, khiến quýt hồng Lai Vung càng là trái cây đặc sản được ưa chuộng.

Cuối tháng 11-2015 vừa qua, hai nhà vườn ở huyện Lai Vung đã chính thức khai trương điểm tham quan vườn quýt hồng, thu hút nhiều du khách. Đó là nhà vườn Phương Nghi của gia đình ông Đặng Văn Khanh (ấp Tân Quý, xã Tân Phước) và nhà vườn Út Tường của gia đình ông Nguyễn Văn Tường (ấp Tân Khánh, xã Tân Thành). Giá vé tham quan vườn là 50.000 đồng/người lớn, 25.000 đồng/trẻ em. Tại các điểm tham quan này, du khách có thể quay phim, chụp ảnh lưu niệm, được phục vụ giải khát, thưởng thức quýt, đặc sản nem Lai Vung và đờn ca tài tử... Được biết, dịp Tết Bính Thân này, Lai Vung sẽ có thêm hai nhà vườn nữa mở cửa đón khách tham quan vườn quýt hồng tại xã Tân Thành và Vĩnh Thới.

Trên bàn thờ của người Việt nói chung, của các gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, mâm cúng trái cây ngày Tết luôn có quýt, nhất là quýt hồng Lai Vung, để cầu may mắn, hạnh phúc. Ai đó có dịp, hãy về với Lai Vung vào mùa Tết, để thưởng thức cảnh sắc miệt vườn, hương vị quýt hồng đặc sản của vùng đất ngọt lành bên bờ sông Hậu.

Giá trị, tầm quan trọng của khí hậu, thổ nhưỡng, sông nước ngọt lành, một sương hai nắng truyền đời của người làm vườn, có ý nghĩa quyết định thế nào đến sản vật nói chung, hoa trái nói riêng.