Con đường cách mạng đó, luôn vì sự tiến bộ, luôn vì sự phát triển, luôn đặt mục tiêu tiến đến văn minh.
Mài giũa vũ khí báo chí sắc bén để phục vụ cách mạng và kiến thiết tương lai
Muốn làm cách mạng, phải có tờ báo cách mạng trong tay. Điều đó lý giải vì sao ngay từ những năm 1922-1923 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm coi trọng báo chí và trở thành linh hồn của những tờ báo sục sôi tính cách mạng như Le’Paria, Hồn nước… Với mục tiêu tuyên truyền, cổ động và tập hợp đội ngũ trong hành trình cứu nước, ngày 21/6/1925, Người chính thức sáng lập và trực tiếp điều hành, dẫn dắt Thanh niên - tờ báo khai phá nền báo chí cách mạng của nước ta.
Tờ Thanh Niên xuất bản tại Trung Quốc. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Ngay từ những số đầu Thanh Niên đã thực thi cách mạng tư tưởng và nêu cao khái niệm “cách mệnh”: “Cách mệnh là sự biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức được giải phóng, trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mệnh thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn” (Thanh Niên, số 2, ra ngày 28/6/1925) và vạch rõ: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam” (Thanh Niên, số 61, ra ngày 19/7/1926).
Lịch sử đã chứng minh, cách mạng - sự nghiệp của quần chúng “không phải một vài người làm nổi được mà cũng không phải mấy ngày mấy tháng làm ngay được” mà Thanh Niên công khai trên mặt báo lúc đó, với vai trò quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến và giành chính quyền. Những năm 1925-1945, thời kỳ tranh đấu quyết liệt của báo chí cách mạng, những câu chuyện làm báo kỳ bí mật và công khai, những bản án, xiềng xích và lao tù, thậm chí cả cái chết, vẫn không bẻ gãy được ý chí của thế hệ nhà báo - chiến sĩ đầu tiên của dân tộc. Những tên tuổi của các lãnh tụ cách mạng, đồng thời là những nhà báo xuất sắc của chúng ta ngày đó, đã trở thành những biểu tượng lớn của quyết chiến, xung kích trên từng bài báo, trang báo và từng số báo: Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Ngọc Cảnh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy…
Tờ Dân Chúng xuất bản tại Sài Gòn. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, từ năm 1946 đến 1975, báo chí cách mạng vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc vai trò thông tin, tuyên truyền, trưởng thành vượt bậc trong khói lửa; 30 năm đối mặt với bom đạn và máy chém của kẻ thù, những nhà báo vẫn “vững tay bút, chắc tay súng” ngay giữa ranh giới sống chết cùng từng dòng tin, từng bức ảnh, từng trang viết, từng thước phim...
Máu xương hơn 500 nhà báo liệt sĩ đã đổ xuống khắp các chiến trường, thắm đỏ từng thước đất Tổ quốc, từng bài học làm nghề của sinh viên báo chí, của những nhà báo trẻ và từng con chữ của những cây bút, những tác giả báo chí hiện đại. Những trang bản thảo thấm máu, những chiếc máy ghi âm, máy quay “sống sót” giữa chiến trường, những tác phẩm báo chí nóng bỏng từ trận địa chống tham nhũng đặt tại Bảo tàng Báo chí hôm nay, vẫn đang kể về những chặng đường làm báo cách mạng gian lao. Di sản để lại của các thế hệ nhà báo lớp trước sống và chiến đấu với ngòi bút trong tay, với sứ mệnh xung kích trên mặt trận công tác tư tưởng, gắn bó và hy sinh vì nhân dân, vì đất nước và sự vươn lên trong kỷ nguyên đổi mới và hội nhập.
Còn nhớ, những năm đất nước bước vào đổi mới, báo chí thật sự là ngọn cờ đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân không chỉ định danh một phong cách lãnh đạo “Nói và làm” mà còn tạo ra một phong cách làm báo mới mẻ, đầy trách nhiệm, đầy tính chiến đấu, góp phần đắc lực tháo gỡ nhiều rào cản, khó khăn, vướng mắc trong nhiều thập niên qua.
Từ báo chí - vũ khí sơ khai đến báo chí hiện đại và vũ khí công nghệ
Những tờ báo khổ nhỏ, viết tay, chữ ngược in trên đá, những trang báo thô sơ in bằng giấy nứa, giấy dó; tòa soạn tre nứa dưới hầm, trong rừng; đôi chân là phương tiện khai thác thông tin; đôi vai của người, quang gánh, xe đạp và thuyền nan trong kháng chiến chống Pháp hay làn đi chợ, bánh tét… được ngụy trang để đưa được báo vào nội thành Sài Gòn những năm chống Mỹ, đó là cả một câu chuyện dài của người làm báo cách mạng các thế hệ cha anh, những nhà báo chiến sĩ đã thật sự góp phần viết nên những trang vệ quốc oanh liệt của lịch sử báo chí cách mạng.
Hòa bình, người làm báo có nhiều cơ hội để rèn giũa và khẳng định tài năng cá nhân, hoạt động báo chí được chắp cánh bằng nhiều điều kiện pháp lý, vật chất và tinh thần cùng những phương tiện và công nghệ làm báo hiện đại. Báo điện tử ra đời năm 1997 tại Việt Nam đã khiến nghề báo cuối thế kỷ 20 ở nước ta đầy sức sống với những cơ hội phát triển mới mang tính thời cuộc.
Những thách thức nảy sinh từ thực tế đời sống với các nền tảng mạng xã hội phát triển như vũ bão, khiến thị phần báo chí truyền thống bị thu hẹp, các loại hình báo chí phát thanh, truyền hình và báo điện tử hụt hẫng nguồn thu. Để bước tiếp trước nguy cơ sống còn, báo chí phải nỗ lực rất nhiều để làm mới mình, theo kịp và tạo được những giá trị mới, tạo ảnh hưởng tích cực trong đời sống. Yêu cầu đổi mới công nghệ càng trở nên cấp thiết. Báo chí - “đội quân cách mạng” như lời đánh giá của cố nhà báo Hoàng Tùng nửa thế kỷ trước, càng phải nỗ lực sáng tạo, xông xáo, dám đổi mới và hy sinh vì sự thật, vì chân lý bền vững, vì lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia.
Lễ khai giảng Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Thế giới phẳng, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng cao, cạnh tranh thông tin ngày càng quyết liệt, những thông tin xấu, độc, các thế lực và luận điệu thù địch cũng như những thách thức khó lường luôn đòi hỏi các nhà báo hôm nay một hành trình chiến đấu không ngừng nghỉ, chuyên nghiệp, hiện đại với “vũ khí” là ngòi bút trong tay…
Xây dựng đội ngũ, phát huy truyền thống và vượt lên chính mình
Đây chính là vấn đề của thế hệ nhà báo thế kỷ 21. Phát huy truyền thống nhà báo chiến sĩ, đáp ứng niềm tin và mong đợi của công chúng đương đại, mỗi người làm báo với những nỗ lực tự thân, chủ động bồi đắp kiến thức và năng lực sáng tạo. Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì, những câu hỏi từng luôn thôi thúc các nhà báo lớp trước trong mọi hoàn cảnh, khi ở hậu phương lúc trên tiền tuyến; tiếp tục giục giã các thế hệ nhà báo hôm nay kiên cường, mạnh mẽ trước mọi tình huống khó khăn, thách thức mới.
Vai trò cá nhân và tài năng, trách nhiệm công dân của nhà báo là không thể thay thế; vai trò tập thể của các cơ quan báo chí, của cả đội ngũ báo chí càng không thể phai nhòa. Những bản sắc riêng, những thành tựu mới, tiếp tục kiến tạo sức mạnh mới cho cả đội ngũ.
Từng thông điệp được gửi gắm, được truyền tải trên mỗi tác phẩm báo chí như những viên gạch bền bỉ, cẩn trọng, tâm huyết để xây nên tòa nhà vững chắc, tự hào với cánh cửa mở rộng chủ động đón các luồng gió thập phương.
Việc sáp nhập, tinh giản nhiều cơ quan báo chí trên khắp cả nước là một phần chủ trương đổi mới hệ thống chính trị theo hướng thực chất, tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ hội để báo chí tự mình làm cách mạng vượt lên chính mình.
Biên chế cồng kềnh, nặng về hành chính chắc chắn sẽ không hiệu quả, năng động, tinh gọn. Số lượng không đi cùng với chất lượng càng làm cho mâu thuẫn bộ máy tăng lên, ảnh hưởng vai trò xung kích, chủ lực của báo chí trên mặt trận tư tưởng, là “điểm nghẽn” gây cản trở phát triển và về đích.
Cuộc cách mạng lớn nhất của báo chí hôm nay là kiến tạo sự đổi mới. Tinh thần đó phải thấm đẫm trên từng trang viết, từng tác phẩm báo chí, nhằm xây đắp, củng cố niềm tin và sức sống cho thế hệ trẻ, cho cả dân tộc. Để có thể tự tin, vững vàng, bản lĩnh mở ra trang mới về nghề báo trên những chặng đường mới…
Báo chí cách mạng Việt Nam - một nền báo chí luôn ở tuyến đầu, luôn trong tư thế xung trận, mỗi nhà báo với những hy sinh và sáng tạo cá nhân đều đã góp phần khắc họa một “Dáng đứng Việt Nam” đẹp nhất trong các công cuộc vệ quốc và kiến quốc.