Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc cải cách thể chế. Nhiều quy định, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tinh gọn. Cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được phát huy mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục.
Xuất phát từ đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, và để bảo đảm thành tựu trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, nhiều ý kiến chuyên gia đã phân tích, cải cách thể chế phát triển là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Thực tế đã cho thấy, nhiều quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm hiệu quả đầu tư. Cải cách thể chế sẽ giúp loại bỏ những rào cản này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, một hệ thống thể chế hiện đại, minh bạch, hiệu quả là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể cạnh tranh thành công với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
“Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết của mình.
Ngay sau những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp, các địa phương đã vào cuộc với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Trong đó, đã có không ít cán bộ, đảng viên nghĩ đến tinh thần phụng sự mà tự nguyện xin nghỉ hưu sớm, nhường chỗ cho lớp trẻ.
Những ngày đầu năm 2025, sau khi lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân, ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, làm ngày làm đêm, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Báo cáo số 219/BC-BNV ngày 11/1 gửi Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, tính đến thời điểm này, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 22 đầu mối (giảm 8 đầu mối) gồm: 14 bộ (thành lập mới Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ), 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Muốn tinh gọn và làm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, một trong những giải pháp là ứng dụng khoa học, công nghệ. Với tầm nhìn chiến lược về định hướng phát triển, cũng với tinh thần khẩn trương, ngày 13/1, Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tổ chức tại Nhà Quốc hội và nhiều điểm cầu trên cả nước.
Quan tâm đến vai trò đột phá đối với khoa học, công nghệ, trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi cho rằng, vấn đề quan trọng cần làm ngay theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” là việc tinh gọn bộ máy sao cho hiệu lực, hiệu quả nhằm giảm “gánh nặng” chi tiêu bao cấp ngân sách Nhà nước. Chúng ta hiện nay mới bắt đầu chủ trương và đang triển khai thí điểm. Từ đó, sẽ có hướng dẫn cụ thể. Chúng ta đang ở trong thế giới phẳng, do vậy Nhà nước cần chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, bao gồm hạ tầng số, để mở ra không gian điều hành lớn hơn. Phân cấp là một cấu trúc dọc, trong đó, Trung ương sẽ không “ôm việc” và sẽ chỉ làm công tác quản lý Nhà nước là ban hành, hỗ trợ, kiểm soát, đánh giá và điều chỉnh.
Cải cách thể chế là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và sự đồng lòng của toàn xã hội. Tuy nhiên, đây là con đường tất yếu để đất nước ta phát triển bền vững. Thông qua các bài viết, bài nói, phát biểu chỉ đạo thời gian gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.
Với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp đúng đắn, nhân dân cả nước tin tưởng rằng công cuộc cải cách thể chế sẽ đạt được những kết quả tích cực. Và, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đóng góp vào công cuộc cải cách thể chế phát triển, chung tay phụng sự xây dựng một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, văn minh.