Những chuỗi liên kết lỏng lẻo
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam đã đón lượng khách du lịch quốc tế rất đông, nhưng các làng nghề vẫn chưa khiến nhiều du khách phải mở hầu bao để mua sắm. Đó là chưa kể, chuỗi liên kết giá trị của nhiều làng nghề còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ hoạt động tại làng nghề còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, đưa sản phẩm làng nghề đến tay người tiêu dùng. Việc tiêu thụ sản phẩm không tốt sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề.
Nhằm tạo dựng một “kênh” để sản phẩm làng nghề vươn xa, ngày 28/12/2023, Sở Công thương Hà Nội đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-SCT về việc Công nhận mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã năm 2023 cho 10 địa điểm, bao gồm: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, xã Bát Tràng và làng nghề gốm sứ Kim Lan, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm); làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín); làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, xã Vân Hà (huyện Đông Anh); làng nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa); làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông); làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); làng nghề bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); làng nghề Sơn Đồng, xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức).
Làng khảm trai Chuyên Mỹ may mắn có một địa chỉ để giới thiệu sản phẩm tới du khách. |
Tuy nhiên, việc bố trí địa điểm để các trung tâm hoạt động vẫn đang vướng mắc vì không phải làng nghề nào cũng sẵn sàng bố trí địa điểm, xây trụ sở. Tại huyện Phú Xuyên đến nay cũng chỉ có một mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Chuyên Mỹ được triển khai thực hiện, còn lại các hộ gia đình tự bày bán, giới thiệu trong khuôn viên của các gia đình. Ông Vũ Văn Đình, Giám đốc Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Chuyên Mỹ cho biết: “Chúng tôi được giao tận dụng lại một trường tiểu học để cải tạo, sử dụng, trưng bày và giới thiệu sản phẩm của làng nghề truyền thống, phát triển thành Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch”.
Cũng theo ông Đình, mặc dù làng nghề đã cố gắng, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. “Chúng tôi rất muốn mở rộng Trung tâm. Hiện nay đã có quy hoạch và quỹ đất, chỉ cần cơ quan chức năng tạo điều kiện, bằng nguồn xã hội hóa sẽ mở rộng, cải tạo để trung tâm khang trang hơn, có thêm điều kiện đón du khách trong nước và quốc tế. Khi lực lượng lao động trẻ thấy trung tâm hoạt động hiệu quả, cũng sẽ gắn bó hơn với làng, với nghề”, ông Đình nhấn mạnh.
Huyện Thường Tín (Hà Nội) có tới 49 làng nghề được công nhận, trong đó nhiều làng hàng trăm năm tuổi, nhưng đến nay vẫn chưa có khu trưng bày sản phẩm đúng nghĩa. Mặc dù mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Thái đã được công nhận, nhưng địa điểm xây dựng vẫn chỉ… nằm trên giấy. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hồi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn mài Hạ Thái, chia sẻ, Ủy ban nhân dân xã Duyên Thái chưa bố trí được địa điểm và hiện nay, các hộ gia đình sản xuất quy mô lớn tự tổ chức gian trưng bày, giới thiệu, phục vụ du khách tham quan theo mô hình gia đình.
Có điều đáng lưu tâm, những nơi chưa có địa điểm trưng bày sản phẩm làng nghề thì khao khát, còn ở một số địa phương đã đầu tư xây dựng lại bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn như: Khu trưng bày các sản phẩm làng nghề ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên); trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống Huế, phường Phường Đúc (thành phố Huế), nhà trưng bày sản phẩm làng rèn Tây Phương Danh, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định)… Bởi thế, việc triển khai xây dựng các địa điểm trưng bày hay Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch là rất quan trọng, nhưng việc duy trì hoạt động thế nào để đạt hiệu quả cao cũng cần được tính toán hợp lý, tránh đầu tư xây dựng rồi không khai thác hiệu quả được, gây lãng phí.
Phong tặng nghệ nhân: nhiều ngại ngần, thiếu chính sách thiết thực
Từ nhiều năm qua, công tác phong tặng danh hiệu nghệ nhân được Nhà nước rất quan tâm, mang đến nguồn động viên tinh thần đáng kể cho nhiều nghệ nhân. Tuy vậy, việc thực hiện xây dựng hồ sơ nghệ nhân còn bất cập, chồng chéo. Thí dụ, các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hoặc đề nghị xét tặng danh hiệu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương chủ trì. Hay quy định người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân phải có sản phẩm, tác phẩm đoạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức nhà nước, hoặc ít nhất có hai tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, phục chế di tích lịch sử hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam, chia sẻ, có nhiều người giỏi nghề nhưng không đủ điều kiện để mang sản phẩm tham gia các cuộc thi hoặc làm hồ sơ, thủ tục để được công nhận. Hay quy định phải có minh chứng hình ảnh, video mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, các giấy tờ liên quan tới giải thưởng... cũng “làm khó” cho không ít nghệ nhân.
Trong thực tế, đang tồn tại nhiều cấp độ danh hiệu nghệ nhân. Nhà nước sẽ trao tặng danh hiệu cho các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; ở cấp tỉnh, thành phố cũng trao tặng danh hiệu Nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng tổ chức cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” nhằm động viên, khuyến khích nghệ nhân và mỗi người nộp ba triệu đồng để làm một số thủ tục nhận danh hiệu. Rất nhiều nghệ nhân vì ngại va chạm nên chủ động khép mình, không muốn làm hồ sơ vì sợ bị người khác nghĩ mình lo lót để được phong danh hiệu.
Hầu hết nghệ nhân là người đã lớn tuổi, nắm giữ những kỹ thuật, bí quyết làm nghề đặc sắc, có những kỹ thuật đang đối diện nguy cơ mai một, thất truyền. Thực tế, có những nghệ nhân đã mất khi hồ sơ phong tặng danh hiệu vẫn ở… trong tay cơ quan xét duyệt.
Theo ông Lưu Duy Dần, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân chưa hợp lý là điều khiến nhiều người vẫn băn khoăn, trăn trở. Chiểu theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định này rất hẹp, chỉ áp dụng với nghệ nhân thuộc gia đình có thu nhập thấp, bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn lương cơ sở, người từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ, 60 tuổi trở lên đối với nam không có người phụng dưỡng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày. “Hướng đến việc hỗ trợ, khích lệ tốt hơn cho nghệ nhân, cần tạo sự thông thoáng trong xét duyệt hồ sơ, nhằm tôn vinh tốt hơn những báu vật sống tại các làng nghề. Việc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh các nghệ nhân, cũng là một hình thức khích lệ các nghệ nhân”, ông Dần nhấn mạnh.