Giáp Tết, về làng hương nghe chuyện làm thương hiệu

Thắp hương trầm ngày Tết là một phong tục đẹp trong văn hóa của người Việt từ xa xưa. Nói đến hương trầm, không thể không nhắc đến hương trầm Quỳ Châu, huyện miền tây của tỉnh Nghệ An. Quanh năm, nơi đây luôn sôi động không khí sản xuất, kinh doanh, song nhộn nhịp nhất vẫn là vụ Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ sở chuẩn bị lượng hàng lớn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Các cơ sở chuẩn bị lượng hàng lớn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Thu nhập ổn định, nghề phụ thành nghề chính

Ở huyện Quỳ Châu, có nhiều bản, làng sản xuất hương trầm. Trong đó, thị trấn Tân Lạc là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất hơn cả. Về Tân Lạc những ngày này, khắp các con đường thoang thoảng mùi hương, xen lẫn âm thanh rộn ràng từ các xưởng sản xuất.

Gia đình bà Trần Thị Loan (khối 2, thị trấn Tân Lạc), là một trong những cơ sở sản xuất hương trầm nổi tiếng. Hai tháng nay, ngày nào ở xưởng hương của bà Loan cũng có khoảng 20 nhân công làm việc liên tục. Thoăn thoắt cuốn từ que hương này đến que hương khác, bà Loan cho biết: Nguyên liệu chính để làm hương trầm là rễ cây hương bài, có mùi thơm dịu, mọc nhiều ở vùng núi Nghệ An. Sau khi lấy về, đem rửa sạch, phơi khô, rồi nghiền nát thành bột mịn để trộn làm bột hương. Ngoài rễ cây hương bài, nguyên liệu làm hương trầm còn bao gồm các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ làm bí quyết.

Hương trầm Quỳ Châu có nhiều kích cỡ, nhưng một điểm chung là có vẻ bề ngoài mộc mạc. Khi đốt lên, hương cháy đượm, mùi hương thoang thoảng, dễ chịu, mang lại cảm giác ấm cúng, an nhiên. Để cây hương cháy đều, ngay từ đầu mùa hè, khi thời tiết nắng ráo, các cơ sở đã mua nứa về, sơ chế qua nhiều công đoạn (ngâm, phơi khô...) để làm chân hương.

Trước đây, nghề làm hương trầm ở thị trấn Tân Lạc nói riêng, huyện Quỳ Châu nói chung được xem như một nghề phụ của bà con nông dân trong lúc nông nhàn. Nhưng nay, nghề làm hương đã trở thành nghề chính, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Nhờ thu nhập khá, nghề đang “giữ chân” nhiều lao động, trong đó có lao động trẻ.

Với tâm niệm, làm hương không chỉ vì thu nhập, mà còn mang giá trị truyền thống, tâm linh tốt đẹp, người dân nơi đây rất cẩn thận trong từng công đoạn, từ lúc chuẩn bị nguyên liệu cho đến lúc đóng gói thành phẩm, dán nhãn mác… Chị Hà Thị Tuyết, công nhân xưởng sản xuất hương trầm Hà Loan cho hay, trung bình mỗi ngày, chị cuốn được khoảng 3.000 cây hương loại dài 40cm và 60cm, khoảng 300 cây thuộc loại dài 150cm, mang lại thu nhập dao động từ 280.000-350.000 đồng.

Sinh ra trong một gia đình gắn bó với nghề làm hương đã gần 40 năm, chị Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Bình Minh chia sẻ: Giờ đây, nhiều công đoạn được làm bằng máy móc nên rút ngắn thời gian, nhưng để bảo đảm chất lượng, khâu cuốn hương vẫn phải được thực hiện bằng tay. Chị Vân luôn tâm niệm cần phải giữ gìn thương hiệu, không đánh đổi chất lượng, uy tín hương trầm Quỳ Châu vì những lợi ích trước mắt. Có những năm giá chi phí đầu vào tăng cao, nhưng không vì thế mà gia đình chị cắt giảm bớt số lượng hay chất lượng nguyên liệu.

Ông Võ Thái Tịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Lạc, cho biết: Những năm gần đây, sản phẩm hương trầm truyền thống của địa phương phải cạnh tranh gay gắt với các loại hương khác, được sản xuất theo thị hiếu thị trường, như hương cuốn tàn hay đậu tàn. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt bí quyết gia truyền, hương trầm Quỳ Châu vẫn giữ được chỗ đứng vững chắc. Nhiều tháng nay, hoạt động sản xuất hương rất sôi động. Ngoài các sản phẩm truyền thống như hương thẻ, làng nghề còn sản xuất các sản phẩm mới như hương nụ, hương vòng… Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất hương đã sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… để quảng bá, giao dịch sản phẩm hương của gia đình mình.

Để thương hiệu vươn xa

Không chỉ thị trấn Tân Lạc, mà các làng nghề sản xuất hương trầm khác trên địa bàn huyện Quỳ Châu cũng đang hết sức nhộn nhịp. Trên nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện, dễ dàng bắt gặp đủ loại phương tiện vận chuyển hương, từ xe ô-tô tải, đến xe máy, xe ba gác…

Ông Lương Văn Hoành, bản Hạnh Tiến (xã Châu Hạnh) cho hay: “Tết này, cơ sở của tôi dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 1.000 thùng hương. Để kịp giao hàng, 15 lao động đang làm cả ngày, cả đêm”. Cạnh xưởng của ông Hoành, cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Uyên cũng đang “chạy đua” với Tết, 12 lao động đang miệt mài cuốn hương, đóng gói…

Theo ông Sầm Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Hạnh, làng nghề Hạnh Tiến có hơn 20 hộ làm nghề hương trầm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động địa phương. Để phát triển nghề truyền thống quý báu này, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân từng bước đổi mới trang thiết bị sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. “Đặc biệt, có một thứ bất di bất dịch từ bao đời nay, là người dân luôn ý thức gìn giữ thương hiệu của làng nghề”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hương trầm được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Trên địa bàn huyện có nhiều thôn, bản sản xuất hương trầm, nhưng đến nay, có hai địa phương được công nhận là làng nghề truyền thống, gồm: bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh và thị trấn Tân Lạc. Huyện Quỳ Châu đã xây dựng kế hoạch để giúp nhiều hộ dân có điều kiện làm giàu tại địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Quỳ Châu chia sẻ: Sản phẩm hương trầm của huyện được phân phối rộng khắp cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dịp Tết năm nay, các cơ sở dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 99 triệu cây hương. Để phát triển hơn nữa nghề truyền thống, địa phương đang tập trung quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, phấn đấu trong khoảng 5 năm nữa, sẽ chủ động được 70% nguyên liệu tại địa phương.