Những yếu tố sống còn

Làng nghề không chỉ là một khu vực sản xuất, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn mà còn chứa đựng những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, các làng nghề trên cả nước đang đối mặt tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đòi hỏi những chiến lược đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp đào tạo ngắn hạn nghề truyền thống đậu bạc do Ủy ban nhân dân phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, tổ chức. Ảnh: Hoa Thành
Một lớp đào tạo ngắn hạn nghề truyền thống đậu bạc do Ủy ban nhân dân phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, tổ chức. Ảnh: Hoa Thành

Thách thức lớn về nhân lực

Theo thống kê, cả nước có hơn năm nghìn làng có nghề và làng nghề đã được công nhận. Điều đáng nói, phần lớn lượng hàng thủ công-mỹ nghệ xuất khẩu là từ các làng nghề, với 813 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 2,3 triệu lao động. Ngành hàng này đang phấn đấu đạt kim ngạch bốn tỷ USD vào năm 2025.

Làng nghề có ưu điểm đặc biệt so các hoạt động kinh tế khác, đó là: Khơi dậy được tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương; tạo ra nhiều việc làm, phát huy và khai thác tốt lao động có tay nghề, các nghệ nhân và các vùng nguyên liệu tại chỗ; góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giảm bớt áp lực di cư ra thành thị; việc phát triển ngành nghề, làng nghề phù hợp quy mô sản xuất nhỏ tại nông thôn, các sản phẩm ngành nghề, làng nghề có giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, mang lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương.

Tuy nhiên, đang có một thực tế, hơn 80% số lao động của làng nghề là người già, quá tuổi lao động. Nguyên nhân khiến thanh niên không gắn bó với làng nghề là vì công việc bấp bênh, thu nhập chưa cao trong khi công việc này lại đòi hỏi tính kiên trì, sự khéo léo. Người trẻ lại thường thích bay nhảy, thử thách, tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân nên càng không mặn mà với nghề truyền thống. Điều đó dẫn đến chuỗi đào tạo nối nghiệp gia đình bị gián đoạn, những “bí quyết gia truyền” dần bị thất truyền, làm giảm nhiều giá trị văn hóa, di sản…

Đơn cử, tại làng dệt Lũng Niêm, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), từng có hàng nghìn lao động tham gia sản xuất nhưng giờ đây, chỉ còn chừng 200 người, trong đó, chỉ có hơn 20 lao động trẻ. Làng Giàng, phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, có nghề truyền thống là đan lát, đặc biệt là đan cót; trước kia, có khoảng 70% số người làng làm nghề nhưng nay, con số này chỉ còn lại 10%.Một địa phương khác, làng Đỗ Xá, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) từng nổi tiếng với nghề làm mành, có tới khoảng 1.000 hộ theo nghề, đến nay chỉ còn vài hộ và tất cả người làm đều đã lớn tuổi.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những điểm yếu của hàng thủ công-mỹ nghệ Việt Nam là sự chậm thay đổi của các loại mẫu mã, làm cho sản phẩm mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một phần nguyên nhân được cho là do thiếu lao động trẻ có tay nghề cao, giàu tính sáng tạo. Trong khi đó, nghệ nhân lớn tuổi với tính bảo thủ cố hữu rất khó khăn khi phải tìm hiểu để tiếp nhận những yêu cầu mới của khách hàng.

Nhìn nhận sâu hơn, những năm qua, công tác đào tạo, truyền nghề chưa đạt hiệu quả cao, việc phong tặng, tôn vinh nghệ nhân chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi trong đào tạo, truyền nghề. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, một chuyên gia nghiên cứu lao động làng nghề, chỉ ra: Việc dạy nghề tại các làng nghề chủ yếu là theo lối cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp tập huấn ngắn ngày. Trong khi đó, cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề ở các gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ, còn đơn sơ. Việc dạy nghề truyền thống ở một số trường đào tạo nghề cũng chưa gắn với nhu cầu.

Cần chính sách đột phá

Trước thực trạng này, công tác đào tạo nhân lực tại các làng nghề đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển cũng như bảo tồn làng nghề.

Muốn có nguồn lao động chất lượng cao, cần tổ chức lại và nâng cao năng lực hệ thống trường dạy nghề tại các địa phương, đặc biệt chú trọng những hoạt động liên kết đào tạo nghề giữa các trường dạy nghề và cơ sở sản xuất ở làng nghề. Mặt khác, cần có những chính sách đột phá khuyến khích hoạt động truyền nghề trong nội bộ các gia tộc, làng nghề, khuyến khích những lao động trẻ gắn bó với nghề nhằm bảo tồn và phát huy tốt các bí quyết sản xuất, lưu giữ đầy đủ giá trị sản phẩm của mỗi nghề và làng nghề. Những hoạt động xúc tiến thương mại cũng cần được quan tâm, hỗ trợ thông qua hệ thống chính sách thích hợp, dễ tiếp cận, nhằm tăng thêm thu nhập, bảo đảm đời sống của thợ thủ công, tăng cường tích lũy để phát triển sản xuất bền vững.

Chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn nêu giải pháp, nghệ nhân là nhân vật chủ yếu viết nên lịch sử của mỗi ngành nghề thủ công-mỹ nghệ, mỗi làng nghề. Vì vậy, cần tạo điều kiện để họ tiếp tục nâng cao tay nghề, thành thục trong kết hợp phong cách chế tác truyền thống để tạo nên sản phẩm phù hợp nhu cầu của cuộc sống hiện đại, tiếp tục nghiên cứu những kiểu dáng, mẫu mã mới có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân tham gia hội chợ, triển lãm (kể cả tổ chức triển lãm cá nhân) ở trong và ngoài nước, để giới thiệu sản phẩm của họ; bồi dưỡng thêm kiến thức, nghiệp vụ để nghệ nhân có thể làm hướng dẫn viên du lịch.

Cũng theo chuyên gia Vũ Quốc Tuấn, cần tổ chức nhiều hình thức phù hợp từng ngành nghề để nghệ nhân trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ thợ giỏi, hình thành đội ngũ kế thừa có trình độ cho mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh; quan tâm thực hiện các hình thức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng thực chất, kịp thời, đồng thời chăm lo đời sống vật chất một cách thiết thực đối với nghệ nhân cao tuổi.

Còn theo ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, những năm qua, nhiều trung tâm dạy nghề truyền thống rải rác ở các địa phương được Nhà nước đầu tư, nhưng hoạt động chưa thật hiệu quả. Vì vậy, cần tổ chức chặt chẽ hơn để phục vụ đào tạo phát triển nghề nghiệp cho thanh niên các làng nghề, khuyến khích về các làng nghề đào tạo tại chỗ. “Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tổ chức đào tạo. Nghề thủ công-mỹ nghệ truyền thống đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu học một khóa ngắn ngày thì chỉ làm được công đoạn đơn giản. Vì vậy, cần có các chương trình đào tạo lại từng cấp độ để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và thu hút được thanh niên học tập”, ông Đạt kiến nghị.

Những “yếu tố sống còn” cũng nằm chính ở nội tại của các làng nghề. Mỗi làng nghề, mỗi nghệ nhân cần chủ động nắm bắt thời cơ từ thị trường và tận dụng tốt các chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, các nghệ nhân có uy tín cũng cần đề xuất với các cơ quan chức năng ở địa phương giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung nhân lực mới trong mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề truyền thống.

Hiện nay công tác quản lý nhà nước về làng nghề còn hạn chế, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu làng nghề thống nhất; chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể các làng nghề trên phạm vi cả nước.