Ấm áp làng quê

Muôn năm cũ mà lại “mới” là câu chuyện Tết sum vầy. Cha gặp con, vợ gặp chồng, người yêu gặp người yêu, thế là thành Tết. Những người nghỉ Tết đầu tiên về làng là cánh sinh viên. Lác đác sau đó vài hôm đến con em làm ăn xa lục tục kéo nhau về. Phải đến 28-29 Tết, thậm chí trước lúc Giao thừa, công nhân từ các doanh nghiệp, bộ đội, công an xin nghỉ tranh thủ mới ba-lô con cóc trên vai về làng. Có anh chiến sĩ biên phòng lỉnh kỉnh ba-lô, túi xách, không quên vác theo cành đào rừng chi chít nụ.
0:00 / 0:00
0:00
Dù đã có nhiều đổi thay, nhưng ở các làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ, không khí của một Tết xưa đầy náo nức vẫn luôn được gìn giữ. Ảnh: Lê Khiếu Minh
Dù đã có nhiều đổi thay, nhưng ở các làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ, không khí của một Tết xưa đầy náo nức vẫn luôn được gìn giữ. Ảnh: Lê Khiếu Minh

Lại nhớ mấy năm đại dịch Covid-19, làng ắng lặng. Quê tôi, cái làng nhỏ bên sông Châu, có hàng nghìn công nhân làm ăn xa tại các khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương. Họ làm đủ thứ nghề như chế tạo cơ khí, may mặc, chế biến đồ gỗ... Lương thưởng dịp Tết lúc bình thường cũng kha khá, có khi lên tới cả trăm triệu đồng. Nhưng phải khi dịch dã, các công ty đóng cửa vào ra. Ăn Tết tại nơi làm việc, đã đành. Khổ nhất là không có tiền gửi về quê. Không dám nói cả làng, nhưng nhiều nhà mất Tết.

Tết Ất Tỵ 2025 này xem ra đã có “không khí” lắm. Làng chộn rộn từ Rằm tháng Chạp. Chợ Vọc, chợ Đồn, chợ Chủ, chợ Mạng đều đông ngàn ngạt. Thêm nhiều quầy hàng tiêu dùng, may mặc, thực phẩm. Thêm mấy quán ăn mới mở. Hoa đào, hoa lan, quất cảnh tràn ra cả lòng đường. Bây giờ mới thấy cảnh tắc đường ở nông thôn còn ngao ngán hơn ở thành phố. Vì là nó bất thường, nó không có quy luật nào cả, không có cảnh sát giao thông vung gậy, thổi còi. Đành bấm bụng chờ và có lời ngọt nhạt với mấy bà đội nón sùm sụp, cúi chọn mấy con cá, mớ rau, nắm hành hoa, chùm bồ kết...

Nhưng đó là không khí của một cái Tết náo nức, không dám nói là Tết vui. Náo nức bởi lắm chuyện để bàn, có vui, có buồn. Vui từ chuyện quốc gia đại sự đến chuyện làng mình. Lạ, có những chuyện tưởng chỉ mấy bố cấp cao hưu trí ở Thủ đô mới tỏ, thế mà về làng nghe cánh trẻ kháo nhau cứ như đắp chung chăn. Chuyện về “ông lão” Donald Trump sắp ngồi ngôi cao nhất Nhà trắng bên Mỹ. Ông tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ. Rồi ông sẽ đánh thuế nặng lên tới trăm phần trăm các nước có nền kinh tế mới nổi. Phen này không khéo là choảng nhau to! Rồi chuyện Israel tiếp tục tấn công các nhóm Hồi giáo khủng bố, phía bên kia trả đũa lại ra sao. Trung Đông vẫn nóng như chảo lửa. Chuyện Bán đảo Triều Tiên ấm lạnh thất thường, mà cái năm vừa qua thì thật là nóng rẫy. Thế mới biết, trật tự thế giới phải được sắp xếp lại nhưng không hề đơn giản như ta kê lại nội thất trong nhà. Thế mới biết, có được sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh như ở Việt Nam thật là sung sướng. Khối anh nằm mơ. Đừng có nghe mạng nọ mạng kia nói linh tinh lang tang mà chao đảo.

Bác cán bộ Ban Tuyên giáo tỉnh về hưu bảo tôi: Ông nhà văn thấy tình hình sáp nhập các ban, bộ thế nào? Khó đấy! Nhưng Tổng Bí thư, Thủ tướng đã nói rồi, khó mấy cũng phải làm, không thể chậm trễ được hơn. Muốn bay cao, bay nhanh thì phải nhẹ. Ông bảo, bộ máy ở ta cứ phình to dần dần, chín-mười người dân lo cho một người hưởng lương ngân sách. Còn ở các nước khác, con số đó là hàng trăm, vài trăm người “nuôi” một ông trong bộ máy, ở Nhật Bản, con số cụ thể là 700 người lo cho một người. Thế cho nên cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy phải coi là một chiến dịch. Cấp cao hay cấp cơ sở đều có cái khó riêng. Vừa rồi ở ta mới chỉ sáp nhập mấy xã mà rối như canh hẹ. Tranh luận, phản bác, lý sự đủ đầy. Ai nói cũng hay, nhưng cứ đụng vào mình, vào làng mình, dòng họ mình là giãy nảy. Các làng xưa toàn tên nôm, tiếng một, những La, Đòng, Kếu, Sậy, Đông, Đoài, nay cứ vài thôn/xóm hợp thành một thôn/ khu phố mới, thống nhất cách gọi 1-2-3-4. Gọi thế là khoa học nhưng cứ thấy đắng đót thế nào, như gái đi lấy chồng phải gọi theo tên chồng. Ngày xưa, bao nhiêu học trò, giỏi văn, giỏi sử có khi là nhờ “rung cảm thẩm mỹ” từ những cái tên làng, tên đất, tên sông ấy chứ. Còn quy mô, đầu mối, giảm nhiều đấy, số thôn xóm teo đi khoảng hai phần ba. Chỉ có điều chưa biết giải quyết mấy vụ thừa trụ sở xã, thừa nhà văn hóa thôn thế nào. Dạo quanh làng thấy nhiều nhà văn hóa có khuôn viên vài trăm mét vuông, nay sân rêu nhà mốc, cửa đóng then cài. Có người gọi đây là tình trạng “hậu lãng phí”. Khi chưa giảm đầu mối là “tiền lãng phí”- lãng phí lao động, tiền lương. Giảm rồi thì “tiền” hóa “hậu”. Mong các bác lãnh đạo từ dưới lên trên tính toán nhanh vụ này, thật là của đau con xót. Cả nước đang tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát. Có cách nào thanh lý những ngôi trụ sở to đùng, lấy tiền mà dựng nhà mới cho dân nghèo?

Ngày áp Tết, làng quê nửa buồn nửa vui còn là chuyện này nữa - chuyện đô thị hóa. Bây giờ tới đâu cũng được giới thiệu là xã em, huyện em được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu rồi đấy. Tức là hoa hậu rồi, đẹp nhất rồi. Nhưng mà lại thoáng lo, đỏ môi thì tốn tiền. Đường làng thảm nhựa rộng rênh, hai xe ô-tô tránh nhau thoải mái. Nước sạch dùng xả láng, giá rẻ hơn ở thành phố. Điện không còn bị đóng cắt phập phù. Đến một phần ba số hộ trong làng dùng bếp từ. Nhà tầng mọc lên san sát, nhưng lại cũng có tới một phần ba là nhà vắng chủ. Bởi chủ hộ đi làm ăn xa, năm nhảo về một hai lần. Những cây bưởi thấp lè tè buông những chùm quả tròn xoe, vàng đậm áp tường sân, buông chán rồi chín rụng. Rồi chuối tiêu, chuối ngự tiến Vua, khế, roi, ổi... chín nẫu phần cho chim trời. Làng vắng ngơ vắng ngắt. Tôi về quê ngoại, cảnh xưa đã khác, nhà xưa không còn, tìm người hỏi thăm đường chẳng gặp được ai.

Tưởng nói chuyện khơi khơi, vậy mà gặp ông bạn làm kiến trúc đô thị, nghe ông nói mà giật mình:

- Nông thôn đang “rỗng ruột” ông ạ. Thì đấy, không khéo là chỉ có cái vỏ. Ruột đã rỗng như ruột quả bầu già. Khi ta xây cái nhà văn hóa phải tính đến thiết chế văn hóa. Phải có cái gì ở trong nhà. Xây dựng nông thôn mới là đúng. Đô thị hóa nông thôn cũng đúng. Nhưng đừng nôn nóng quá. Cái con số mấy chục phần trăm đô thị hóa chả nói lên điều gì. Nhiều nơi chạy theo tỷ lệ này mà làng không ra làng, phố không ra phố. Hồn làng không còn nữa. Từ lời ăn tiếng nói, đến tình nghĩa xóm giềng ngày càng nhạt nhòa. Nhà nhà khép cổng khép cửa. Có ông nhà thơ nào đấy viết, đại thể: thật buồn cho những ngôi nhà đóng cửa im ỉm suốt ngày, nhưng buồn hơn là mở cửa suốt ngày mà không ai ghé thăm. Không còn cảnh quây quần bên nồi nước chè xanh, mời nhau củ khoai nướng, hạt lạc luộc bùi thơm nóng hôi hổi. Rồi nhìn sao Hôm, sao Mai, đoán năm nay mất hay được mùa, “thấy trời có vẩy tê tê/ là mưa sắp sửa kéo về nay mai”.

Mấy thầy giáo già hay chữ lo lắng: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn dân tộc còn”. Nhưng nay, biệt thự đơn lập, song lập ngất ngưởng mà ít người thuộc Kiều. Ít có bà mẹ nào ru con bằng các bài hát ru. Làm sao đo đếm được tác dụng của những câu ca dao, những điệu ru con thấp thoáng cánh cò bay lả. Chỉ thấy nhiều hơn những khu ruộng bỏ hoang không cày cấy; nhiều hơn những vụ vỡ hụi, lừa đảo qua mạng. Thế đó, đô thị hóa là cần nhưng xin đừng nóng vội và chạy theo việc biến làng quê thành phố mới, sẽ để lại những hậu quả sửa mãi không xong.

Chuyện trò thế nào lại quay sang dòng thời sự nóng hổi - kỷ nguyên mới vươn mình. Mà không phải ông tuyên giáo, ông nhà giáo bàn tới, chính là mấy anh kỹ sư chân đất. Họ là những người học hết đại học, rủ nhau về quê làm trang trại, làm công nghiệp, ủ men, nấu rượu, làm du lịch sinh thái, mở xưởng dệt may. Họ nói vanh vách về logistics, rằng đây là một phần của chuỗi cung ứng, quản lý, vận chuyển, lưu trữ hàng hóa và thông tin từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Rồi nói về tài sản và tiêu sản, về trí tuệ nhân tạo (AI), về tệp dữ liệu lớn (Big Data)… Tôi nghe mà hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tự thấy mình lạc hậu mất rồi. Hỏi các vị học ở đâu? Thưa tụi con/ tụi em tự đọc trong sách, sách mua qua mạng cả đấy ạ.

Vui quá, chính là các “chàng trai chân đất” này trò chuyện với chúng tôi về kỷ nguyên mới. Rằng chúng con/ chúng em vui lắm. Ai chậm chân thì lỡ tàu, sự đời đơn giản thế. Bây giờ đến thế hệ Gen Z, các bạn ấy siêu lắm, công dân toàn cầu mà. Chúng ta đổi mới 40 năm rồi. Cơ đồ đất nước sáng bừng, dẫu chưa hết những mưa nắng bão giông, thậm chí những góc khuất tăm tối do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây nên. Nhưng tư thế, dáng vóc, cái đà tiến lên của dân tộc thì đã rõ. Đổi mới thành công chính là điểm tựa vững vàng, là bệ phóng bay vút lên, cho ta hình dung về dáng vóc đất nước vào giữa thế kỷ này - một đất nước hùng cường, thịnh vượng, một quốc gia hạnh phúc. Thôi, cái nội hàm, cái ngoại diên của kỷ nguyên vươn mình thì các bác Trung ương lo. Còn người quê thì chỉ mong thế này, nhà nhà giàu lên, đất nước mạnh lên, cái gì thế giới hiện đại làm được thì mình làm được, bởi trí tuệ người Việt đâu có thua kém. “Ta về ta tắm ao ta”, nhưng mà phải tắm ao trong, đục thì... xin chào!

Ôi cái lý sự của anh trai làng. Nghe mà ấm lòng, mà bớt mênh mông, điều cao xa bỗng thấy như cầm tay được. Tết này, ấm áp làng quê!