Câu chuyện đêm Giao thừa

Năm nào cũng vậy, trước thời khắc thiêng liêng bước sang năm mới, gia đình chúng tôi lại quây quần bên bếp hồng, cùng làm bánh rán để cúng gia tiên. Sau bao tháng ngày bươn chải, mỗi người một nơi, đó là lúc đông vui nhất. Thật ấm áp. Không phải ngẫu nhiên câu chuyện đêm Giao thừa năm ngoái đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc đến thế, mỗi người tự nhìn lại mình để sống tốt hơn, hiểu đúng hơn về lối sống của lớp trẻ, nhất là việc phấn đấu vào Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng chăm chút cho bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Ảnh: Hải Nam
Cùng chăm chút cho bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Ảnh: Hải Nam

Vào Đảng là để cho mình tốt hơn

Là sinh viên một trường đại học thuộc tốp đầu cả nước, sau khi tốt nghiệp, anh cả không khó khăn gì để tìm được việc làm tại một công ty cổ phần. Có thể nói khá vất vả vì là nhân viên thị trường, không mấy khi có mặt ở nhà, nhưng thu nhập nhiều lúc lại khiêm tốn vì giá cả thị trường biến động, không bằng cậu em làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Vốn là người trách nhiệm với công việc, nhiệt tình với đồng nghiệp, bạn bè, lại có kiến thức xã hội rộng, nên anh cả được bầu làm Bí thư Chi đoàn công ty. Gia đình không bất ngờ vào đầu năm ngoái cậu ấy được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Có điều, từ đó, hai anh em thường xuyên tranh luận về quan niệm sống, thậm chí có lúc còn hầm hè nhau.

Một năm trôi qua, nhìn lại thì cậu em hơn hẳn về thu nhập mà lại không vất vả như người anh. Cậu em bảo, chỉ cần có công việc ổn định, thu nhập tốt là ok rồi, vào Đảng mà như anh thì mệt lắm, cứ phải giữ mình; việc gì cũng phải đi trước, làm trước, phải làm hết trách nhiệm, phải hy sinh, trong lúc đồng lương lại “lẹt đẹt” theo sau người khác. Nhiều khi gia đình có công việc, thử hỏi anh có giúp được nhiều không?

- Đừng phán xét như vậy nhé. Anh nghĩ khác chú. Mình sống ở đâu thì gắn bó và có trách nhiệm với cộng đồng ở đó. Đúng, thu nhập của mỗi người nhiều khi có tính quyết định, nhưng nó đâu phải là tất cả, nhất là với lớp trẻ. Trong cuộc sống còn có ước mơ, hoài bão, chứ đâu mỗi việc kiếm tiền hả em. Anh sống đúng bản chất con người mình, đam mê công việc, tuyệt nhiên không tranh đua vụ lợi, thích các hoạt động xã hội, kết nối bạn bè, khó khăn thì cùng chia sẻ, lợi ích thì cùng hưởng. Thế là hạnh phúc rồi. Đó là quá trình tự hoàn thiện mình, làm việc tốt hơn. Như thế thì không ngại gì cả, ở đâu, lúc nào, mình cũng làm chủ được, sống và làm việc thoải mái. Anh nghĩ vì lẽ đó, chi bộ giúp đỡ và kết nạp anh vào Đảng - anh cả “vặn” lại.

- Em vẫn là người có hoài bão, ước mơ đó chứ, làm việc cần mẫn, có thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống, tốt với mọi người, trước hết là bố mẹ, anh em, bạn bè. Về lý thuyết thì anh đúng. Nhưng hãy nhìn vào thực tế xem? Điều này anh còn hiểu rõ hơn em, chả mấy ngày không thấy báo, đài nói đến xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam ông nọ, bà kia, thậm chí là cán bộ cấp cao, giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, từng được coi là có hoài bão, ước mơ cống hiến cho đất nước, được xã hội tôn vinh cả đó thôi. Ở công ty em làm, một cậu có bố làm to, suốt ngày khoe khoang về việc ông ấy hết đi nước này đến nước khác, nhà cao cửa rộng, ô-tô sang, toàn dùng đồ hàng hiệu. Mấy hôm trước, không đến cơ quan vì bố cậu ta vừa bị công an tóm, nghe đâu nhận hối lộ nhiều tỷ đồng ấy.

- Đó là thực tế buồn em ạ. Trong số họ, nhiều người đã phấn đấu, cống hiến cho xã hội, nhưng tham tiền, tham quyền mà đánh mất đi cái giá trị do chính họ gây dựng nên. Không chỉ thế, họ còn làm mất niềm tin của nhân dân, làm cho gia đình, vợ con xa lánh hàng xóm, bạn bè vì xấu hổ. Một bài học đau xót cho tất cả mọi người. Không thắng được lòng tham thì trả giá đắt là đương nhiên thôi. Dù họ là đảng viên, nhưng không vì thế mà quy chụp cho Đảng, đánh mất niềm tin của mình.

Tự biết mình là ai mới hạnh phúc

Không khí thiêng liêng của đêm giao thừa làm con người ta xích lại gần nhau hơn, biết mình phải làm gì cho xứng đáng với gia đình, tổ tiên và truyền thống của quê hương. Tự mình biết rõ mình, làm tốt bổn phận, không ganh đua hơn thiệt thì cuộc sống an nhiên và tươi đẹp biết bao, như quy luật tự nhiên muôn đời của mùa xuân, mang đến cho mọi nhà hoa thơm và trái ngọt.

Câu chuyện đêm Giao thừa ảnh 1
Đảng viên trẻ Nguyễn Mai Anh (Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội) tuyên thệ trước cờ Đảng. Ảnh: Minh Sơn

Trong câu chuyện đêm Giao thừa, không chỉ hai anh em mà mỗi thành viên trong gia đình biết mình hãy sống như thế nào để không khí thiêng liêng và tình thân ấy sưởi ấm lòng nhau trên trường đời, bởi cả tháng chỉ gặp nhau đôi lần. Mỗi người có cách nghĩ riêng nhưng biết hòa đồng vào nhau sẽ trở nên hoàn thiện.

Người anh cho rằng, vì tính chất công tác mà có lúc chưa làm tốt việc nhà nên sẽ cố gắng điều chỉnh. Là đảng viên rồi lại càng phải cố gắng. Mà đâu cứ đảng viên, ai cũng vậy thôi, không cố gắng, không vượt lên được chính mình. Lúc cần còn phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho cái chung. Suy cho cùng trong sự hy sinh đó có những cái được chứ đâu phải chỉ có mất. Thực tế là nhiều cán bộ vì không biết hy sinh cá nhân, không biết nhường nhịn, khi có chút lợi lộc kinh tế, đặc biệt là khi bổ nhiệm, đề bạt, cứ nghĩ mình hơn người khác, phải được thế nọ thế kia nên kiện cáo nội bộ đòi quyền lợi, thế là cuối cùng lại mất hết, mất danh dự, bạn bè, chức tước. Cán bộ, đảng viên như thế thì ai người ta tin, nói gì đến tôn trọng. “Cho nên anh không bao giờ nghĩ vào Đảng để tìm đường tiến thân đâu nhé” - anh cả quàng tay ôm chặt cậu em, nói.

Còn cậu em chia sẻ, thừa nhận anh là mẫu người được nhiều người quý trọng, vì đức tính nhiệt tình, vô tư, biết chia sẻ và làm việc hiệu quả. Chính quá trình phấn đấu vào Đảng đã làm cho anh ngày càng chững chạc cả về nhận thức và cư xử trong cuộc sống, nhất là biết cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách... Đó là những điều mà em còn non nớt, chưa thể có được bởi chỉ chăm lo công việc chuyên môn, kiếm tiền một cách thần túy. Trong cuộc sống cũng như công việc, những ai biết kết nối bạn bè vô tư không chỉ có cuộc sống tâm hồn phong phú mà còn có niềm tin, có điểm tựa để vững bước xa hơn và chắc chắn sẽ thành công hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc phấn đấu vào Đảng.

Câu chuyện đêm Giao thừa của hai anh em làm cho những thành viên lớn tuổi trong gia đình ngộ ra rằng, lâu nay mình nhìn về lớp trẻ chưa thật đúng; lúc nào cũng nghĩ “chúng còn trẻ người non dạ”, thường yêu cầu theo cách nghĩ của mình mang tính áp đặt. Con người ta đâu phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhất là với lớp trẻ, nhiệt tình, năng động, thích sáng tạo và có cách nhìn cuộc sống thoáng hơn những người lớp đi trước. Là sản phẩm của gia đình và xã hội, là rường cột của đất nước, lớp trẻ như những cây măng non lúc nào cũng muốn vươn cao, vươn xa, nếu không có sự thấu hiểu và bao bọc của lớp tre già thì thật khó để đứng vững trước mưa bão.

Việc chưa mặn mà phấn đấu vào Đảng ở một bộ phận lớp trẻ, phần lớn là do chúng ta chưa biết cách giúp đỡ và dìu dắt, còn cứng nhắc trong nhận thức và giáo dục, cứ nói những điều giáo lý, kinh viện xa thực tế. Mục tiêu cao cả của việc vào Đảng là để hoàn thiện chính bản thân mình, biết yêu thương lẫn nhau, có trình độ, năng lực để cống hiến cho xã hội, quê hương và gia đình. Tôi nghĩ như vậy!