Mấu chốt là người làm nghề phải sống được bằng nghề

Hà Nội được mệnh danh là “thủ phủ làng nghề” của cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, hơn 337 làng nghề đã được công nhận. Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố đang tập trung nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề, trong đó, khâu đào tạo lao động có ý nghĩa rất quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

- Tình trạng thiếu hụt nhân lực đang là khó khăn rất lớn với hầu hết các làng nghề. Là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, công tác đào tạo nghề cho lao động làng nghề ở Hà Nội đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động tại làng nghề luôn được các cấp, các ngành của thành phố đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao các sở, ban, ngành tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để làm cơ sở thực hiện, đồng thời hằng năm, xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với lao động tại làng nghề. Cụ thể, các cấp đã tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22 nghìn lao động làng nghề.

Ngoài đào tạo, tập huấn về chuyên môn, thành phố chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập huấn cho các chủ thể tại làng nghề về kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính. Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức được 74 lớp tập huấn cho 7.400 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn...

Sở cũng thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thành tựu của ngành; tạo cầu nối khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi sử dụng bàn tay, khối óc để tạo ra các tác phẩm tinh túy, có tính sáng tạo, độc đáo, tính mỹ thuật cao, thể hiện được tinh hoa, hồn cốt văn hóa dân tộc. Đây còn là cơ hội để các chủ thể cơ sở ngành nghề có điều kiện tiếp cận, trao đổi kỹ năng, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của các làng nghề.

- Trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu hình thành đội ngũ nhân lực với tay nghề cao nhằm tạo ra những sản phẩm phong phú về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường được đặt ra ngày càng cấp thiết. Ông có thể đánh giá trình độ của lao động làng nghề tại Thủ đô Hà Nội?

- Các làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của thành phố hiện thu hút, tạo việc làm cho khoảng 800 nghìn lao động. Chất lượng lao động ngày càng được cải thiện nâng cao. Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2020 có 70,2%, năm 2023 là 73,2%, và năm 2024 là 74,2%. Với lực lượng nghệ nhân, thợ giỏi hiện nay và chiến lược đào tạo, tập huấn, truyền nghề của thành phố, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng lực lượng lao động ở các làng nghề đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo của sản phẩm.

Hằng năm, thành phố tổ chức các Hội thi về sản phẩm làng nghề, Hội thi về thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ để các nghệ nhân, thợ giỏi có cơ hội sáng tác, thiết kế ra những sản phẩm có tính ứng dụng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Minh chứng cho thấy, sản phẩm làng nghề của Hà Nội tham gia các Hội chợ, triển lãm quốc tế luôn được khách hàng đánh giá cao; tại Hội thi sản phẩm làng nghề Việt Nam năm 2024, các sản phẩm của nghệ nhân Hà Nội không chỉ đạt các giải cao mà số lượng giải còn chiếm tới 50% tổng số giải của Hội thi.

- Sản phẩm của các làng nghề thường có lợi thế riêng khi trở thành sản phẩm du lịch. Ông có thể chia sẻ về việc khai thác tiềm năng này trong thực tế, du khách quốc tế đã và đang đón nhận sản phẩm làng nghề truyền thống của nước ta như thế nào?

- Du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông và phải thừa nhận, sản phẩm làng nghề chưa được du khách bỏ tiền, mua sắm nhiều. Chúng ta cần thực hiện các giải pháp để ngày càng nhiều du khách mua sắm sản phẩm làng nghề. Có một điều thật mừng, mới đây, hai làng nghề của Hà Nội là gốm sứ Bát Tràng và tơ lụa Vạn Phúc đã được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo Thế giới (đây là hai làng nghề đầu tiên của Việt Nam được công nhận). Chúng ta hy vọng, nhiều làng nghề khác cũng chủ động nâng cao chất lượng thương hiệu làng nghề để tiến tới được ghi nhận như vậy.

- Bên cạnh sự chủ động của các làng nghề, theo ông, để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề và nghề truyền thống, cần những giải pháp gì?

- Chúng tôi đã xây dựng xong “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho ý kiến và sớm ban hành. Trong đề án này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp, cơ bản tháo gỡ được những khó khăn trong bảo tồn, phát triển làng nghề.

Thứ nhất, đề án đưa ra giải pháp để người làm nghề sống được bằng nghề. Như thế mới giúp người trẻ mặn mà, gắn bó với nghề của cha ông. Mấu chốt là làm sao để sản phẩm làng nghề phải được thị trường đón nhận.

Thứ hai, đề án kiến nghị cơ quan chuyên môn quy hoạch quỹ đất cho phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng địa điểm giới thiệu sản phẩm, đồng thời có biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ký kết với Hội đồng Thủ công thế giới và Đại học Lund (Thụy Điển) về công tác xây dựng trung tâm thiết kế, sáng tạo; phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Thứ tư, kiến nghị cơ quan chức năng ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cấy nghề, nhằm nâng cao nguồn nhân lực; thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hoạt động truyền nghề cho thế hệ kế cận; hỗ trợ lao động có việc làm sau học nghề.

Thứ năm, triển khai thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng, truyền nghề, nhân cấy nghề cho người lao động trên địa bàn sau khi được thành phố phê duyệt cơ chế, chính sách, nhằm cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu theo ngành nghề, lĩnh vực, phù hợp đặc thù phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Thứ sáu, phối hợp các đơn vị đào tạo nghề cải tiến hình thức, nội dung đào tạo đối với các lớp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng, truyền nghề, nhân cấy nghề, đặc biệt chú trọng đến những nghề mũi nhọn ở địa phương.

Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị các gia đình nghệ nhân, làng nghề tích cực có biện pháp truyền nghề, không chỉ truyền nghề cho con cháu mà cho cả cộng đồng, chủ động phát triển thương hiệu, tay nghề, nâng cao giá trị của từng sản phẩm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!