Một hướng đi đúng đắn

Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và triển khai thử nghiệm mô hình festival quốc tế, diễn ra tại cố đô Huế. Chính thức từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế đã tổ chức liên tục các kỳ festival bao gồm cả festival văn hóa quốc tế và festival Nghề truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham gia Lễ hội đường phố Sắc màu văn hóa tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2022. Nguồn: Trung tâm Festival Huế
Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham gia Lễ hội đường phố Sắc màu văn hóa tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2022. Nguồn: Trung tâm Festival Huế

Khai thác lợi thế từ di sản

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng Huế theo mô hình "Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam". Cũng từ Huế, công nghệ tổ chức festival đã lan tỏa. Không chỉ là chuyện xây dựng thương hiệu, quảng bá văn hóa, di sản, mô hình Thành phố festival đã tạo điều kiện cho kinh tế, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của cố đô Huế.

Đến nay, Huế đã sở hữu và đồng sở hữu bảy danh hiệu di sản thế giới do UNESCO vinh danh với đủ các loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu, bên cạnh đó cố đô còn có hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, vịnh đẹp thế giới Lăng Cô, rừng quốc gia Bạch Mã... Từ khi festival được nghiên cứu và tổ chức ở Huế, kho tàng di sản văn hóa đã thật sự được đánh thức và ngày càng tỏa sáng. Festival Huế là hình thức lễ hội đương đại được phát triển dựa trên khái niệm mới về lễ hội với sự học hỏi, tham khảo từ mô hình festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Hoạt động festival là sự tổng hợp các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, mang tính đại diện và dấu ấn của nhiều nền văn hóa trên thế giới kết hợp cùng các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội cộng đồng và các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế, truyền thống Việt Nam.

Festival không chỉ góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam phong phú, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn đẩy mạnh việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; góp phần tạo dựng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập toàn cầu; tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế gắn với phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch.

Sau 11 kỳ festival văn hóa quốc tế và tám kỳ festival Nghề truyền thống tổ chức xen kẽ hằng năm với chủ đề xuyên suốt "Di sản với hội nhập và phát triển", di sản văn hóa đã thật sự trở thành chất liệu chính, là chủ đề đồng thời là nguồn cảm hứng cho các hoạt động của Festival Huế. Đồng thời cũng qua festival, di sản văn hóa Huế được quảng bá mạnh mẽ trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. Huế đã vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý: "Thành phố Văn hóa ASEAN", "Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố Xanh châu Á"...

Lượng khách du lịch đến viếng thăm cố đô đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2019, Thừa Thiên Huế đã đón 4,82 triệu lượt khách, trong đó có gần 2,2 triệu khách quốc tế. Doanh thu từ kinh tế dịch vụ, trong đó trọng tâm là dịch vụ du lịch, đã chiếm hơn 50% tổng thu của địa phương. Cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh chuyển hẳn thành mô hình: Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp.

Chuyển đổi từ festival định kỳ thành festival bốn mùa

Sau đại dịch Covid-19, trước sự thay đổi của du lịch thế giới đồng thời trên cơ sở tổng kết từ hơn 20 năm tổ chức hoạt động festival, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chuyển đổi cách thức hoạt động của mô hình thành phố festival.

Từ việc tổ chức định kỳ hai năm festival văn hóa (vào năm chẵn) và festival Nghề truyền thống (vào năm lẻ), mỗi kỳ kéo dài khoảng một tuần, chuyển thành hình thức festival bốn mùa và được tổ chức hằng năm. Như vậy, các lễ hội được tổ chức suốt trong năm đều trở thành thành phần trong các hoạt động của festival; tuy nhiên, mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông đều có chủ đề riêng và vẫn có Tuần lễ cao điểm festival được tổ chức vào mùa hạ. Năm 2022, mô hình festival bốn mùa đã được triển khai và cho thấy ngay hiệu quả hơn hẳn so cách thức tổ chức trước đó. Việc công bố sớm toàn bộ nội dung chương trình festival bốn mùa với lịch hoạt động, sự kiện cụ thể giúp cho các đơn vị lữ hành cũng như du khách có thể chủ động lựa chọn thời gian đến thăm cố đô để tham dự lễ hội hay sự kiện văn hóa nghệ thuật mà họ yêu thích. Không chỉ vậy, với số lượng cũng như dung lượng các hoạt động đa dạng, phong phú gấp bội, cơ hội quảng bá cho địa phương cũng tăng lên rất nhiều. Việc tìm kiếm các nguồn lực xã hội hóa cũng trở nên đa dạng và thuận lợi hơn cho đơn vị tổ chức sự kiện.

Năm 2024 là năm thứ tư tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 19/10/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế. Việc triển khai mô hình thành phố festival bốn mùa là một hướng đi đúng đắn để đưa cố đô sớm hoàn thành mục tiêu trên và thật sự trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về văn hóa và du lịch.

Festival Huế 2024 đã bắt đầu từ tháng 1 năm nay với Lễ hội mùa Xuân bao gồm 10 chương trình và sự kiện, kéo dài đến hết tháng 3. Tháng 4 là tháng đầu tiên của Lễ hội mùa Hạ với chủ đề Kinh thành tỏa sáng, bao gồm hơn 20 chương trình và sự kiện, điểm nhấn là Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2024, diễn ra từ ngày 7/6 đến 12/6. Hai Lễ hội mùa Thu và mùa Đông bao gồm 16 chương trình, sự kiện, đáng chú ý là chương trình Tết Trung thu Huế (tháng 9) và Wellness Festival - Tuần lễ chăm sóc sức khỏe Huế (tháng 11).