Món quà

Những cánh chim én đâu đó lạc vào thành phố nhắc chị Nhã một mùa xuân trước mắt. Góc phố bên sông tràn ngập chim én chao liệng. Những vị khách không mời đến sớm hơn mọi năm.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | PHẠM HÀ HẢI
Minh họa | PHẠM HÀ HẢI

“Hẳn đàn chim én phải bay từ nơi rất xa xôi để về chốn này. Chúng vẫn chưa quên một cánh đồng khô cằn, con kênh đào dẫn nước về tưới cho cánh đồng rơm rạ ngổn ngang”.

Chị ngẩng lên nhìn đàn chim én. Giữa muôn trùng nhà cửa, phố xá, đàn chim én vẫn tìm về đúng bến nước năm nào, giờ là một cây cầu bê-tông ngày đêm xe cộ vun vút lao đi. Những con thuyền chở hoa, chở gạo và gạch ngói chẳng còn nữa. Thay vào đó là một cái đình chợ tấp nập xe cộ.

Bầy chim én không còn tìm thấy đàn trâu béo mượt gặm cỏ ven đê và những đàn cò ngổ ngáo tranh mồi. Chúng cũng chẳng thấy rừng lau, đồng cỏ và cả cái giếng làng nước xanh biếc bốn mùa.

Én cứ bay mãi trên những tòa nhà cao ốc và những khu đô thị cây xanh ngang hàng thẳng lối. Cuối cùng, chúng kéo tới góc phố của chị, nằm gần kho bãi bỏ hoang bên sông từ dạo bến thuyền được dời ra ngoại thành.

Nhiều ý kiến trái chiều quanh vạt sông ấy. Những người đầu tư muốn biến nó thành cao ốc, dành cho giới thượng lưu, gọi là “bến ngọc” vì đất đắt như ngọc. Người hoài cổ muốn xây dựng một bảo tàng về nghề đóng tàu, cầu tàu dù từ lâu lắm rồi chẳng còn con tàu nào vào ra chốn sông cụt này. Bến cảng đã được di dời ra khỏi nội thành từ năm nảo năm nào. Các cô giáo ước mơ bến cũ thành công viên cho các cháu vui chơi, thực hành nghề làm công nhân đóng tàu, vốn là nghề của ông cha thuở nọ. Cuộc tranh cãi chưa dứt. Mảnh đất chưa có “chính chủ” thành thiên đường cho cỏ dại, những bãi lau trắng và đủ loại hoa không tên. Bến nước cũ đã là một thứ thiên nhiên hoang dã tự phát ngoài quy hoạch, thành nơi bọn trẻ thường kéo tới chụp ảnh cưới độc lạ bên những con tàu cũ kỹ xanh rêu nằm giữa cỏ dại tơi bời. Giờ đây, người ta sang ngang bằng hầm chui, bằng cầu quay, cầu treo chứ chẳng ai qua sông bằng thuyền ghe.

Cứ vào mùa xuân thì chim én lại tìm về bến nước xưa, tìm cái chợ cá bên gốc cây cổ thụ và những mái lá xiêu vẹo, mưa bên này chống buộc bên nọ. Chẳng biết tự bao giờ mà chim xác định tọa độ chính xác còn hơn điện thoại thông minh. Hoa đào hoa mai trở mình mang nặng búp non chồi biếc, đàn én lũ lượt tìm về quê cũ bến xưa.

Cậu thanh niên chạy grab nói với người chủ quán tạp hóa: “Chị Nhã ơi! Đã có mộc nhĩ nấm hương trên mạn ngược gửi xuống”. Anh chàng chạy grab hẳn cũng là người miền ngược, bảo: “Chỉ trên quê cháu mới nhiều nấm hương. Không có là không thành Tết đâu ạ”.

Chị Nhã thích ăn gạo lứt. Chị đặt mấy bao gạo ăn Tết trên cánh đồng Tây Bắc và cũng là để bán cho một ông giáo ăn chay trường. Ông giáo “nâng quan điểm”: “Sống sạch nghĩa là ăn sạch, uống sạch, nghĩ sạch, ứng xử sạch”, rồi kết luận: “Gạo nương Tây Bắc tôi thích hơn cả”.

Con phố của họ đủ mọi thành phần, từ người lao động chất phác, ngày công quy ra thóc, đến những thương gia đo lường bằng cây, chỉ vàng. Mấy bác cựu chiến binh không bao giờ kể chuyện gì ngoài súng đạn hy sinh và thắng lợi. Có bác trong người hẵng còn mấy mảnh đạn.

Mọi người cùng kéo hết ra ngõ, ra đường ngắm đàn chim én từ đâu bay về nháo nhác quanh bến phà bỏ hoang. Cô văn công nghỉ hưu bảo: “Tiếng chim én thánh thót, cao vút, vui tươi! Nghe thích quá”. Bất giác cô cất lên vài câu hát tình tứ đong đưa: “Xe chỉ ấy mấy kim bên luồn kim”.

Bọn nhỏ lấp ló sau cánh cửa. Én bay che hết cả ánh nắng quái chiều hôm. Những chú chim én nhỏ bé nhanh nhẹn. Chúng cũng gan lỳ bay sát rạt người qua đường. Chúng chẳng ngại ngần đâm sầm vào những vườn cây, hoa cảnh trên các ban công rồi kêu ré lên.

Thương, con gái của chị Nhã năm nay bước vào đại học năm thứ nhất. Nó nói: “Đón giao thừa xong, con theo các bạn đi du lịch. Lớp con đã đặt phòng khách sạn hết cả rồi. Năm nay lịch học chúng con nặng quá, tranh thủ Tết để nghỉ ngơi dưỡng sức, ra Tết là thi một loạt môn”.

Chị Nhã không biết phải nói gì nữa. Nhà có hai mẹ con, ấy thế mà bước chân vào giảng đường là quên ngay mẹ. Học hành, bạn bè, thi cử, du lịch lại quan trọng thế sao? Chị cũng tôn trọng mọi quyết định của con. Chị đã hứa khi con vào đại học mẹ không còn can thiệp công việc và sở thích của con gái mà.

Chị Nhã bảo: “Tết mà các công ty du lịch lữ hành cũng làm việc sao? Mồng Một ai nấu cho mà ăn?”. Thương cười: “Mẹ đúng là cổ hủ! Đầu năm xuất hành là tốt. Đường sá còn tắc hơn cả ngày thường mẹ ạ. Có cầu ắt có cung, muốn ăn chơi gì chẳng có. Người ta tổ chức đủ mọi trò chơi Tết trong khu du lịch. Ở khu phố nhà mình, mồng Một nhà ai cũng đóng cửa im ỉm, vắng tanh vắng ngắt. Có gì mà chơi?”. Nó lại bảo: “Mẹ cứ ở nhà một mình ăn Tết với đàn chim én”.

Chị Nhã đành gật đầu: “Tết, người thành phố kéo nhau hết về quê. Đường sá vắng tanh, hàng quán đóng cửa. Muốn chơi phải lên khu thương mại chứ vùng ven sông như mẹ con mình có gì mà chơi”.

Chị Nhã bán hàng tạp hóa. Dịp Tết chị tranh thủ chỗ bãi đất rộng bên kia đường, nơi đàn chim én liệng, để bán hoa, cây cảnh.

Mùa xuân của khu phố đầu tiên đến với nhà chị trước, rồi mới tỏa đi khắp các ngõ ngách bên sông. Đầu tiên là những cành đào, chậu mai được chị mua về bán. Xe thồ, xe ba gác, xe tải nhỏ nữa, chở cả một vườn hoa xuân về trước nhà chị.

Rồi trong nhà, đầy ắp những măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, lá dong. Rồi là những nước ngọt, bia mỗi năm in hình một con giáp. Đẹp nhất là những bao lì xì đủ mầu sắc, các bộ quần áo trẻ em thêu hoa, cườm.

Ông giáo gọi điện dặn chị Nhã: “Chị nhớ để dành cho tôi cặp mía đẹp để chưng ban thờ nhé. Năm nay tôi cũng sẽ chưng mai, vì năm ngoái đã mua đào rồi. Chị nhớ tìm giùm tôi cây mai nở đúng ngày mồng Một nhé. Bạn bè tới ngắm hoa nở, đọc bình thơ”.

Chị Nhã bảo con gái: “Năm nay mình mẹ ăn Tết nên chẳng giữ lại cành đào quất nào đâu, bán hết. Rảnh rỗi làm một cành mai giả, gắn hoa nhựa vào cho có việc đêm Ba Mươi”. Con gái phán: “Mẹ như mỏ than, đào mãi không hết. Con thấy làm mẹ đơn thân giờ là mốt rồi. Chắc sau này con cũng làm mẹ đơn thân, mình làm mình ăn, chẳng phải cầu cạnh ai. Mẹ nghĩ xem, có ai thương mẹ bằng con không?”.

Chị Nhã cười: “Cô thì được cái nói hay. Mới có bạn trai đã lấm lét, liếc dọc liếc ngang, chưa tối đã biến mất như mèo hoang. Ngày lễ, cuối tuần đố mà nhìn thấy mặt”. Thương cự: “Lúc mười tám đôi mươi cuối tuần mẹ có ở nhà xay lúa bế em không?”.

*

“Mười tám, đôi mươi ư?”. Ngày đó năm nào, tháng nào? Chị Nhã không biết. Chị vẫn thế thôi, tâm trạng chị vẫn là chờ đợi. Ngày tháng ấy như buổi ban mai mà giờ đây, sau 20 năm, như là một buổi chiều.

Cứ mỗi mùa xuân đến, chị lại chờ đợi một phong thư, một cú điện thoại, hay một món quà gì đó. Giá mà có nó nhỉ! Có nó chị sẽ được một cái Tết, một mùa xuân, chẳng hơn ai nhưng cũng cảm thấy đủ đầy.

Những năm tháng thanh xuân, chị Nhã xung phong đi làm công nhân nông trường. Lần đầu tiên rời thành phố, lên chiếc xe mầu lá mạ, cứ đi mãi, qua bao nhiêu những con dốc Lá Da, rồi dốc Bò Lăn... nhìn dưới chân chỉ thấy cây rừng mà nhìn lên trời cũng chỉ có lá rừng.

Hôm trước trời mưa lớn, con dốc lầy lội. Chiếc xe chở công nhân xung phong bánh quay tít. Mọi người xuống để đẩy xe. Họ vừa tời vừa đẩy, mất vài tiếng đồng hồ xe mới qua được dốc Bò Lăn (là người dân bảo rằng qua đây phải vừa bò vừa lăn chứ chẳng ai đi nổi).

Lần đầu tiên Nhã biết thế nào là đất đỏ. Chúng như một loại keo, dính vào là bê bết hết cả. Không chỉ bánh xe mà toán thanh niên xung phong ai cũng phủ một lớp đất đỏ dính chặt.

Người tài xế nông trường, người duy nhất được ngồi trên xe, nom thật sung sướng và oách. Anh ta thò cái đầu ra, tươi cười hô mọi người một hai ba kéo xe ra khỏi những vũng lầy. Thật đáng ghét. Ai đời nam thanh niên trai tráng mà để các cô gái thanh niên xung phong kéo tời xe, còn mình ngồi trên mà quát: “Các cô không nhanh tay nhanh chân thì mưa rừng đổ xuống, cuốn hết xuống vực bây giờ!”.

Khi xe qua khỏi dốc, các cô thanh niên xung phong chẳng ai lên xe, cứ thế mà đi bộ. Anh chàng tài xế nông trường đánh xe lẽo đẽo theo sau: “Tôi năn nỉ các cô. Tôi có gì sai các cô bỏ quá cho! Mời các cô lên xe về nông trường kẻo tối”. Đáp lại, chỉ là những cái lắc đầu, sự im lặng. Đoàn người mầu đỏ au, từ chân đến đầu, cứ thế lầm lũi đi. Những mái tóc lần đầu nhuộm đỏ bùn nông trường, như đuôi ngựa tết đất bazan, thứ đất được phun lên từ ngọn núi lửa năm nảo năm nào.

Anh tài xế dừng xe nơi lưng chừng dốc, ngồi bên vệ đường bảo: “Các cô không lên xe, tôi cũng dừng lại đây, chờ sáng hôm sau vào nông trường. Tôi về một mình thì bị kỷ luật chết”. Anh ta lên ca-bin, lôi cây đàn ghi-ta cũ mang theo, đàn và hát bài: “Như khúc tình ca” của Nguyễn Ngọc Thiện: “Tôi vẫn thấy em như ngày nào/ Dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu”.

Điên không chịu nổi. Nhã cùng các bạn leo lên ca-bin, bao nhiêu bùn đất đỏ bôi hết lên đầu lên mặt anh chàng ca sĩ rừng. “Lại còn hát với hò nữa hả! Chưa đủ sung sướng hay sao!”.

Xấu hổ nhất là lúc vào tới nông trường. Cả nông trường lớn bé cầm hoa, đứng hai hàng đón các cô thanh niên xung phong thành phố lên hỗ trợ thu hoạch cam. Cứ tưởng sẽ được ngắm các nàng tiên thành phố kiêu sa thì họ lại thấy nhảy xuống chiếc xe cũ kỹ là một đoàn các cô nhuộm kín đất đỏ.

Trong đám thanh niên xung phong, chỉ mình Nhã là đang học nông lâm, chuyên sâu về giống cây trồng. Cô được ưu ái, họp và làm việc với lãnh đạo, lo công tác chuyên môn ở vườn ươm. Nhã thấy mình may mắn có dịp áp dụng kiến thức vào thực tế. Cô thức khuya dậy sớm trong vườn ươm, ai cũng quý Nhã. Các cô công nhân vườn ươm bảo: “Tương lai nông trường thuộc về các giống mới, thuộc về cô đấy. Hãy giúp chúng tôi tạo ra những cây cam tốt nhất cho tương lai con em của chúng tôi”.

Anh chàng tài xế, được cử giúp cô kỹ sư trẻ đi tạo giống cam, mỗi ngày đưa đón cô từ khu tập thể tới vườn ươm, rồi đi các rừng cam mới trồng. Anh ta thường bảo: “Tôi xin lỗi vì để cô phải đẩy xe cho tôi”. Nhã bảo: “Anh hát dở lắm. Đã hát không hay lại còn hay hát”. Anh ta bảo: “Ở nông trường chúng tôi chỉ có tiếng hát và hoa trái, đều cây nhà lá vườn. Từ đứa trẻ mới sinh ra đến bô lão về hưu đều có các đội văn nghệ. Ở đây vui lắm!”. Nhã đối đáp thẳng thừng: “Vui sao bằng thành phố!”.

Chiếc xe đi qua khu tập thể nhà cấp bốn, với những người mẹ và bọn trẻ. Nhã hỏi: “Bố các cháu đâu?”. Anh tài xế thở dài: “Bố các cháu về xuôi hết cả rồi. Người ta gọi khu tập thể là xóm trẻ chờ cha”.

Rồi đến một ngày, Nhã cảm thấy mình cũng như những người nữ công nhân nông trường kia, sẵn sàng gắn bó cả cuộc đời mình với những cánh rừng non tơ, những mùa vụ thơm lừng hoa trái. Khi mặt trời lên, khi ánh trăng treo, nông trường của chị tràn ngập ánh sáng và hoa. Những tiếng hát xa xa ai đó trên dốc cuối đèo. Những đứa trẻ tan học, lớp học chỉ toàn con em nông trường, chúng chạy ra với những người mẹ chiếc áo xanh đẫm đất đỏ lúc chiều về.

Rồi một trận mưa khổng lồ đổ xuống suốt chiều, nước suối dâng, không một con thú nào qua được nữa. Đường về nông trường bộ, đường về thị trấn nông trường, đường về trại giống đều rất xa.

Lần này Nhã không thể nào kéo nổi chiếc xe cũ kỹ và Tài cũng phó mặc cho nó nằm bên đường khi đất đỏ trên dốc ùn ùn đổ xuống vùi lấp nửa thân xe.

Tài bảo: “Nhã đi bộ về trại giống, vẫn còn kịp trước khi trời tối. Cứ để tôi ở lại trông chiếc xe. Ngày mai có cẩu tới đưa xe về nông trường”.

Nhã lắc đầu: “Cùng đi thì cùng về. Nhã không thể để anh ở lại một mình”.

Họ đem lương khô ra nhai, đem mũ hứng nước mưa uống.

Nhã bảo: “Anh Tài hát đi, em thích nghe tiếng hát của anh. Giống như tiếng chim hót vậy”. Người tài xế trẻ măng lắc đầu: “Kỹ sư toàn chê giọng hát tôi cơ mà. Không dám hát nữa đâu. Thôi! Nhã hát, Tài đệm đàn”.

Trong cơn mưa rừng, lần đầu tiên Nhã hát mà có người đệm đàn. Lên nông trường, cô lây cái đam mê ca hát giữa các khu rừng và trại giống. Rảnh là hát thôi. Hôm nay bài hát của cô là về thành phố, về mái trường đại học, về những góc phố và con sông thân thương đang đợi cô trở về. Tài nghe thấy lạ, thấy hay, nhưng thấy có gì đó thật không ổn.

Giữa Tài và Nhã, từ lâu có một tình cảm khá đặc biệt. Nhã biết như thế và có lẽ cả nông trường này biết như thế. Nông trường toàn là các bác già cả, có gia đình hết. Chỉ mình Tài trai trẻ, chưa có người yêu, lại mỗi ngày lái xe đưa đón cô kỹ sư tương lai. Còn với Nhã, quanh cô, chỉ duy nhất Tài là bạn cùng trang lứa mà khác giới. Ban đầu cô rất ngại đi cùng anh, nhưng rồi ngoài người tài xế này chẳng còn ai đưa nàng tới trại giống.

Nhã chưa yêu ai bao giờ, cô cũng chẳng biết tình yêu là gì. Cô chưa biết tình yêu nó sẽ như thế nào và nó sẽ bắt đầu ra sao. Hừm, nếu ai đó có thể cho Nhã biết hương vị của tình yêu ư? Người đó sẽ là người nào? Ở đâu ra?

Cơn mưa rừng hôm ấy quá lớn, hóa ra đó là một cơn áp thấp trái mùa, suýt soát thành bão. Gió từ biển rộng đã thổi cả qua dốc Bò Lăn mà vào tàn phá những nông trường đang mùa thu hoạch. Nhã bảo: “Chẳng biết các rừng cam có qua nổi cơn gió này? Rồi vườn ươm sẽ ra sao?”. Tài cũng thở dài: “Chẳng biết chỉ tiêu kế hoạch của nông trường có được hoàn thành?”.

Họ dựa vào nhau, cùng cầu mong cho cơn mưa bão nhanh qua đi, nhưng gió vần vũ và mưa vẫn như thác đổ.

Tài bảo: “Hay là Nhã ở lại nông trường với Tài. Chúng ta sẽ xây dựng một ngôi nhà nhỏ gần vườn ươm, Tài sẽ trồng một vườn hoa đẹp. Dành chỗ cho Nhã làm vườn ươm nghiên cứu giống mới nữa”.

Nhã dường như cũng chờ đợi câu nói này từ lâu rồi. Cô nghĩ mình người thành phố, chân yếu tay mềm, sao có thể bám trụ nông trường lâu đến thế. Nhưng không việc gì là không thể. Đột nhiên nghe Tài thổ lộ, Nhã cũng chưa thể trả lời ngay. Nhã bảo: “Thôi! Mình cứ hát với nhau đi. Để Nhã về thành phố, Tết này xin ý kiến bố mẹ. Ra Giêng, sức khỏe mẹ tốt hơn, Nhã sẽ lên lại nông trường”.

*

Hai mẹ con Nhã đang ngồi soạn mộc nhĩ, nấm hương cho khách thì nghe tiếng anh chàng giao hàng hỏi to: “Đây có phải nhà chị Nhã ở nông trường không ạ?”.

Trời ơi! Nông trường nào đây cơ chứ. Chị Nhã đáp: “Vâng, tôi dân nông trường đây. Có gì không các bác?”.

Người giao hàng bảo: “Thế là đúng địa chỉ rồi. Chị ra nhận hàng nông trường gửi nhé”.

Cái Thương tròn xoe mắt: “Nông trường chỗ mẹ làm thời trẻ đấy hả? Họ vẫn còn nhớ mẹ sao? Lại còn có quà Tết nữa chứ! Hoan hô mẹ Nhã!”.

Hai mẹ con đi ra đường, thấy một chiếc xe tải cũ kỹ, bọc kín vải bạt mầu xanh. Nhìn qua là biết xe của nông trường rồi.

Chẳng nói chẳng rằng, những người công nhân thoăn thoắt chuyển xuống một cây cam cao bằng đầu người, quả chín vàng khắp các thân cành. Đàn chim én chao lượn quanh chiếc xe tải, kêu chiu chiu. Cái Thương gào lên: “Đẹp quá! Từ bé đến giờ con chưa thấy cây cam nào đẹp thế! Chưng Tết tuyệt quá!”.

Chị Nhã cẩn thận hỏi: “Quà của tôi đấy à?”.

Những người công nhân gật đầu: “Vâng! Chị là chị Nhã kỹ sư giống phải không? Cả nông trường vẫn nhắc tới chị. Đây là cây cam sản phẩm tay chị đã nhân giống năm xưa đấy ạ!”. Chị Nhã cảm động: “Tôi tưởng mọi người đã quên tôi rồi chứ. Giống cam này rất tốt, được chọn lọc kỹ lưỡng. Thật là mừng cho nông trường ta!”.

Thương theo chân các chú công nhân bê cam vào nhà chưng Tết. Nó bảo: “Con quyết định bỏ đi du lịch, ở nhà trông cây cam này! Con sẽ giới thiệu với các bạn đây là cam do mẹ tớ trồng. Oách chưa! Rồi con hái cam cho các bạn con ăn!”.

Hai mẹ con đang quấn quýt bên cây cam, quay ra xe đã đi rồi. “Đấy! Tồ công nghiệp! Con gái lớn mà không biết mời các chú một ly nước!”. Mẹ trách, con cũng bảo: “Ơ! Mẹ phải mời chứ, đó là đồng nghiệp của mẹ mà!”.

Chị Nhã quay ra, nhìn chiếc xe nông trường đang lẫn vào dòng người trên phố xá tấp nập chiều cuối năm và vài con chim én vẫn còn cố bay theo chiếc xe đầy bụi đỏ.

Bất giác chị giật mình: “Ờ nhỉ! Mình quên hỏi ai gửi cho mình cây cam này? Đành rằng là cam nông trường, nhưng phải có một ai đó khởi xướng gửi chứ?”.

Rồi chị tự trả lời: “Người gửi cây cam này cho mình, phải là người biết rõ mình lắm, biết địa chỉ mình ở ven sông này, biết mình đã ươm ra giống cam này. Người đó vẫn chưa quên mình sau hai mươi năm...”.

Cái Thương huýt sáo, hát bài hát của mẹ: “Tôi vẫn thấy em như ngày nào, dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu”.

Cái Thương quay lại hỏi mẹ: “Ơ này! Sao lúc nãy mẹ không gửi quà Tết gì cho nông trường?”.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Hai mẹ con, hai con người của hai thế hệ. Mỗi người một cách nhìn cuộc sống, mỗi người một cách sống khác nhau và theo đuổi những mục đích của riêng mình. Tưởng như hai con người ấy chỉ là sống chung trong một ngôi nhà và sẽ chẳng thể tìm được một điều gì chung. Nhưng đến một ngày, một vẻ đẹp của đời sống xuất hiện và đã trở thành mối quan tâm của cả hai người - hai thế hệ.

Ở đây xuất hiện một chân lý: Cái Đẹp thực sự sẽ trở thành giá trị của mọi con người, mọi thời đại. Thông điệp ấy của nhà văn đã được nghệ thuật hóa từ những điều vô cùng giản dị trong đời sống. Chính vậy, nhà văn mới thuyết phục được bạn đọc và mới làm cho sức mạnh của nghệ thuật có khả năng biến điều bình thường trở thành phi thường.