Lộng lẫy những ngôi chùa vàng
Người ta nói, Myanmar có số lượng đền chùa nhiều bậc nhất thế giới. Người ta cũng nói, vàng của cả quốc gia này đã sử dụng để dát hết lên đền chùa, tượng Phật. Tôi đã từng nghi ngờ những thông tin đó, cho tới khi được trèo lên nóc một ngôi đền cổ kính, thu vào tầm mắt toàn cảnh cố đô Bagan rất đỗi yên bình phô bày vẻ rực rỡ, tráng lệ trong ánh bình minh hay nét đẹp mơ màng trong ráng chiều vàng rực. Hơn 4.000 đền chùa (hơn nửa trong số đó vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay) được xây dựng dày đặc, trên một diện tích chỉ 42km2 nằm bên trái con sông Ayeyarwady, vốn được gọi là Old Bagan. Đáng tiếc là từ ngày 1-3-2016, không ai còn có cơ hội được ngắm cả bình minh lẫn hoàng hôn ở Bagan từ những đền tháp này. Bộ Văn hóa Myanmar đã phải ra lệnh cấm, bởi khá đông du khách có cách ứng xử không phù hợp ở chốn linh thiêng (trang phục thiếu nghiêm túc, nhảy múa hoặc nằm ngả ngốn). Đây cũng là một thiệt thòi lớn, khi khách chỉ còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bagan từ khinh khí cầu, với chi phí khá cao (từ 320 đến 390USD cho 45 phút ngao du trên không trung).
Những cái tên Chùa Vàng - Chùa Bạc ở Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia... vốn từ lâu không còn xa lạ với người đam mê khám phá. Nhưng mật độ dày đặc của những công trình kiến trúc tôn giáo cùng những bức tượng Phật có kích thước khổng lồ dát vàng ở Myanmar luôn khiến ai lần đầu đến đây cũng choáng váng, sững sờ. Ở một đất nước mà người dân đa phần còn rất nghèo, điều kiện sống và sinh hoạt chỉ ở ngưỡng tối thiểu, những công trình tín ngưỡng tôn giáo xa hoa, lộng lẫy có phần phô phang ấy khiến tôi cứ có cảm giác gờn gợn.
Chỉ xét riêng ba thánh địa Phật giáo linh thiêng nổi tiếng nhất của Myanmar, vẻ xa hoa, lộng lẫy của ba ngôi chùa đều khó sánh bằng. Shwedagon - ngôi chùa cổ nhất Myanmar (cũng là một trong số ít ngôi chùa cổ nhất thế giới) tọa lạc tại cố đô Yangon cõng trên mình cỡ vài chục tấn vàng. Toàn bộ phần chùa tháp cao tới 98 mét, tỏa sáng lấp lánh nhờ được phủ vàng (Phần lớn nhất dát vàng miếng, phần đế tháp cẩn vàng lá và phần đế của chuông phủ những lá vàng cực mỏng). Không chỉ có vàng, Shwedagon còn có rất nhiều báu vật vô giá như đá quý, kim cương, tượng Phật chế tác từ ngọc nguyên khối... Mang trong mình quá nhiều tài sản có giá trị nên Shwedagon có lẽ cũng là công trình tôn giáo duy nhất trên thế giới mà khách tham quan phải bước qua cửa kiểm tra an ninh với máy soi hiện đại, sau khi (chứ không phải trước khi) thăm chùa!
Hai thánh địa Phật giáo thiêng liêng còn lại của Myanmar là Hòn đá Vàng (Golden Rock) cùng ngôi chùa nhỏ Kyaiktyo nằm cách Yangon hơn 200km và ngôi chùa Mahamuni với bức tượng Phật nổi tiếng tại Mandalay cũng lấp lánh sắc vàng hào nhoáng. Được dát vàng toàn bộ bề mặt, nằm chênh vênh trên phần tiếp xúc chỉ vỏn vẹn 78cm2 với ngọn núi nhưng Hòn đá Vàng này đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” bao nhiêu thế kỷ qua mà không hề có dấu hiệu lung lay. Còn bức tượng Phật cao 3,8 m, nặng 6,5 tấn làm bằng vàng và trang trí bằng đá quý trong chánh điện ngôi chùa Mahamuni vẫn đang được các Phật tử mộ đạo và khách hành hương thăm viếng mỗi ngày, được họ tiếp tục thành kính bao phủ bằng các lớp vàng lá chồng lên nhau, với độ dày hiện đã lên đến hơn 15cm.
Khám phá xứ sở Phật giáo huyền bí
Ở Myanmar, đạo Phật (dòng Phật giáo nguyên thủy Theravada, tức dòng Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông) được coi là Quốc giáo. Cả nước có khoảng nửa triệu tăng ni, 90% dân số là Phật tử. Trong ánh vàng rực rỡ của các đền tháp, ta có thể bắt gặp các nhà sư với trang phục áo cà sa đỏ choàng lệch vai, trong mọi hoạt động thường nhật của dân chúng trên đường phố. Đạo và đời rất gần nhau, có cảm giác đạo Phật đã trở thành bầu không khí dưỡng nuôi tâm hồn người dân xứ Myanmar từng ngày, từng giờ.
Lòng sùng kính và mộ đạo của các Phật tử, được thể hiện mọi lúc, mọi nơi khiến tôi thực sự xúc động. Trong hành trình khám phá Myanmar, đi qua bất cứ ngôi chùa lớn nào, tôi cũng được nghe những bài giảng pháp phát qua hệ thống loa tăng âm, vang vọng rất xa trong những buổi chiều tà. Trên những chuyến xe bus chạy suốt đêm từ Yangon tới Bagan hay chiếc minibus di chuyển từ Bagan tới Inle Lake, bạn đừng hy vọng được nghe nhạc hay xem phim giải trí. Tài xế luôn mở đầu đĩa, vừa lái xe vừa xem các nhà sư giảng pháp hoặc đọc kinh với thái độ thành kính và tập trung một cách tuyệt đối.
Trong mọi ngôi chùa, tôi ngạc nhiên khi thấy chung quanh các bức tượng Phật luôn có rất đông đàn ông đang hì hục xoa vàng lá (golden leaf) lên bề mặt tượng. Một số ít chùa vẫn cho phép nữ giới trực tiếp thực hành nghi lễ này. Nhưng ở hai thánh địa Phật giáo Golden Rock và Mahamuni, phụ nữ là đối tượng hoàn toàn bị cấm, từ khoảng cách 30 mét. Dân bản địa bảo tôi, ở đất nước này, bình đẳng giới vẫn là một khái niệm xa xỉ.
Nghi lễ này đẻ ra một nghề truyền thống vô cùng phát triển ở đất nước này, dát vàng lá bán cho người đi lễ chùa. Mỗi miếng vàng có kích thước khoảng 5cm x 5cm, mỏng như một tờ giấy vàng mã ở ta. Đền chùa nào cũng có những quầy bán vàng, với giá 1000 kyats (khoảng15 nghìn đồng một lá). Trong quá trình xoa tờ giấy mỏng manh ấy lên bề mặt tượng, ước chừng bột vàng rơi rụng ra ngoài đến một nửa. Đó là còn chưa kể lớp vàng này sẽ tiếp tục bay hơi trong không khí, rất lãng phí. Cho dù vậy, người dân Myanmar luôn tin tưởng, việc dát vàng lên chùa và tượng sẽ đem lại may mắn cho những Phật tử có tâm.
Phân biệt chính xác sự khác nhau giữa các công trình tín ngưỡng đa dạng cũng là một thử thách với mọi khách du lịch. Nếu ở Việt Nam, nơi thờ Phật được giản dị gọi là “chùa” thì ở Myanmar, hiếm du khách bình thường nào có thể phân định chính xác, thế nào là chùa (pagoda), đền (temple), tháp (stupa) hay tu viện (monastery). Chùa ở ta là nơi thờ Phật, đồng thời cũng là nơi hành lễ - đọc kinh, nơi tăng ni ăn ở và cũng là nơi chôn cất các nhà sư đã viên tịch. Còn ở những quốc gia theo Phật giáo nguyên thủy như Myanmar, người ta phân biệt rất rõ từng công trình, ngay từ trong cách gọi tên. Thí dụ Kyaung là tu viện (nơi tăng ni, sư ăn ở và học tập); Patho - Paya là đền thờ, điện thờ; Pya là tháp thờ hình vuông tượng trưng cho núi Meru; Zedi là tháp thờ hình tròn tương tự như Stupa, Hti là tháp thờ hình tròn, đỉnh có lọng nhiều tầng tượng trưng cho Niết Bàn; Shwe mang nghĩa vàng chỉ dành cho những chùa tháp dát vàng lóng lánh kể trên...
Vào đền chùa ở Myanmar, khách thập phương đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về trang phục. Tất cả phải đi chân trần (không giày dép, không tất). Bởi không phải ai cũng có thể đi lại dễ dàng dưới tiết trời nắng như đổ lửa bằng đôi chân trần, nên các lối đi trong chùa thường lát gạch men mát lạnh. Trang phục khi vào chùa phải kín đáo, vải dày, không được phép để hở mắt cá chân. Du khách sẽ được thuê Yongyi - quốc phục dành cho cả đàn ông lẫn phụ nữ Myanmar để quấn cho kín đáo ở ngay cửa ra vào, nếu đã lỡ diện quần short hay áo không tay.
Trong đền chùa Myanmar, người ta không thắp hương mà chỉ dùng nến. Trong ngôi chùa thiêng Shwedagon, tôi thấy ngoài sân chia ra làm bảy góc, lần lượt từ thứ hai (Monday Corner) tới chủ nhật (Sunday Corner). Tò mò tìm hiểu, tôi mới biết mỗi người sẽ hành lễ tại góc nhỏ dành cho ngày sinh của mình, ứng với thứ mấy trong tuần. Sau khi thành tâm khấn nguyện, họ sẽ thực hiện nghi thức tắm Phật. Với những du khách nước ngoài, quan sát các nghi thức hành lễ nghiêm cẩn ấy cũng là một trải nghiệm thật khó quên.
Đạo và đời rất gần nhau, có cảm giác đạo Phật đã trở thành bầu không khí dưỡng nuôi tâm hồn người dân xứ Myanmar từng ngày, từng giờ.
Không chỉ có cơ hội tìm hiểu một miền đất lạ, một nền văn hóa bản địa đậm đặc được bảo tồn, gìn giữ gần như nguyên bản, du khách chọn Myanmar làm điểm đến còn được trải nghiệm một hành trình du lịch tâm linh, vốn là “đặc sản” của miền đất vàng. Đây thực chất cũng là một loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố tâm linh, tín ngưỡng làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Du lịch tâm linh luôn gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan, phải có sự tham gia của người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, tạo sự kết nối để hình thành các tuyến du lịch tâm linh chuyên đề và mang lại những trải nghiệm ấn tượng cho du khách.