1/Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đồng, Hà Nội, là cháu nội của cụ Phạm Hy Lượng, danh nhân nổi tiếng thời nhà Nguyễn, thầy của các vị Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh… Ông ngoại tôi có 4 bà con gái, mẹ tôi là con út, được chiều và có tính tình hiếu động mạnh mẽ như con trai. Mẹ tôi học hết tiểu học, giỏi tiếng Pháp, ham đọc sách, học nữ công gia chánh rất chăm chỉ, nhưng lại thích vào sân quần vợt, đi săn cùng các anh rể và cháu trai con các bà chị. Đặc biệt mẹ tôi rất thích làm phi công, đòi mặc quần áo phi công chụp ảnh. 17 tuổi, mẹ tôi không chịu ở nhà như các chị, xin đi làm cho hãng dệt Phúc Lai.
Mẹ tôi sinh con trai đầu, quyết đặt tên là Phi Cơ, rồi anh ấy mất ngay khi vừa hơn một tuổi. Đến lượt tôi, ông nội bảo phải đặt tên là Tuấn Khoa để mai sau nó học hành tuấn tú.
Bố tôi hy sinh lúc mẹ vừa 30 tuổi, còn tôi thì lên 4. Tôi chỉ biết có mẹ. Tôi gọi mẹ là “mợ”, xưng Khoa cho tới lúc có con trai đầu mới chuyển gọi “bà” xưng “con”. Ngày xưa ở Thái Nguyên, các bác văn nghệ sĩ, các chú bộ đội gọi mẹ tôi là “chị Thâm Tâm”, ở nhà mọi người lại gọi là “chị Khoa” theo thói quen gọi tên chồng, tên con.
2/Hòa bình lập lại, nhà tôi trở về Hà Nội. Mẹ tôi đi học kế toán rồi về công tác tại Quốc doanh Dược phẩm Trung ương, sau về Bộ Y tế phụ trách quản lý ngân sách, đi công tác liên tục khắp miền bắc, chẳng mấy khi ở nhà. Lúc rảnh rỗi hoặc ngày nghỉ, mẹ cho tôi đi xem chiếu bóng, ăn thạch, ăn kem, vằn thắn, xôi lạp xường…, nghĩa là mọi món Hà Nội mà tôi chưa từng được ăn. Mẹ dạy tôi đan lát, thêu thùa, đóng sách bìa cứng gáy vải. Mẹ tôi lại rất thạo sửa chữa điện, chữa xe đạp, cưa đục, đóng chuồng gà, chuồng lợn, như đàn ông vậy. Người con gái Hà Nội xưa nết na thùy mị đã trở thành người cán bộ ăn mặc giản dị, cả đời chỉ mặc áo kaki cán bộ, quần vải đen. Áo bông, áo kép, nhung the khăn quàng đi đâu hết cả rồi?
Nhưng vẫn còn đó thói quen thường mua hoa pensée, hoa bướm (cosmos), hoa cẩm chướng cắm lọ, ngày Tết phải có lọ lay ơn để bàn, lọ thược dược cúng và cành đào nho nhỏ. Rồi mẹ còn nhắc vợ tôi mua hoa thủy tiên, bảo đấy là thú chơi Tết mà ông ngoại thích nhất.
Ước nguyện cuối cùng của mẹ là tìm được mộ bố tôi cũng đã được thực hiện. Năm 2001, mẹ tôi đã lên thăm mộ bố ở Cao Bằng và đấy là chuyến đi xa cuối cùng của mẹ. Nắm đất trên mộ bố mà chúng tôi xin về đặt trên ban thờ, 4 năm sau được bao bọc thêm bằng nắm tóc trắng như cước của mẹ tôi mà vợ tôi đã giữ lại trong lần gội đầu cuối cùng cho mẹ.
3/Mẹ kể: Ngày bé tôi rất ngoan, ít khóc, bú sữa mẹ đến khi cai sữa thì không chịu ăn sữa Nestle, chỉ ăn cháo. Và cho đến bây giờ tôi vẫn không thích ăn sữa. Bà nội bế ẵm chăm sóc tôi, mẹ thì ít khi âu yếm tôi.
Chỉ có một lần mẹ đánh tôi, khi đưa tôi đi thăm mấy người bạn mẹ. Mẹ bảo chào mọi người, tôi cứ lí nhí rồi im. Đường về, mẹ quát: Sao mày cứ lầm lầm như ăn vụng bột thế, xấu hổ cả mẹ. Tôi cãi gì đó. Mẹ vung tay tát tôi một cái rõ đau. Tôi òa khóc. Mẹ lấy tay chùi nước mắt cho tôi, bảo không được khóc nữa. Tôi im ngay. Nhưng tôi chợt thấy hình như mẹ tôi lại rớm nước mắt. Kể từ đấy tôi không bao giờ khóc thành tiếng nữa, vì sợ cái tát, vì tiếng quát, hay vì nước mắt của mẹ.
Rồi tôi lớn dần, chuyển lên ở Thái Nguyên. Ngày đầu đi học, mẹ cắt chiếc lá cọ che đầu, dắt tôi đến trường, cách nhà 3 cây số. Một hôm thấy mẹ bảo tôi sắp phải xa nhà, các bác báo cho tôi sang Khu học xá Trung Quốc. Cả nhà mừng rỡ, nhưng cũng lo tôi còn bé quá, lại chưa bao giờ xa mẹ. Ít lâu sau lại có người báo cấp trên chọn tôi đi CHDC Đức. Thế là mẹ tôi và ông nội tôi dứt khoát không cho đi nữa, chỉ vì Đức xa quá, nhỡ làm sao thì…
Về Hà Nội học, tôi trở nên nhanh nhẹn hoạt bát hơn, chăm chỉ học hành, luôn ngoan ngoãn nghe lời mẹ và gia đình. Cả nhà phấn khởi lắm. Mỗi lần tôi báo với mẹ thành tích học tập, được giải học sinh giỏi toán toàn miền bắc, nhận giải thưởng của Bác Hồ, đỗ đại học, rồi được chọn đi học nước ngoài, mẹ chả khen, chỉ nhìn tôi trìu mến và mãn nguyện.
Buổi sáng tiễn tôi đi học nước ngoài, mẹ làm bữa cơm có đậu rán, mời hai bạn tôi đến ăn cùng, rồi đóng gói va-li cho tôi, để hai bạn tôi đèo ra ga Hàng Cỏ. Mẹ ở nhà, cũng chẳng ra ngõ vẫy tôi.
4/Tuổi thanh xuân của mẹ đã qua rồi. Có lần mẹ kể với bạn mẹ mà tôi nghe lỏm được rằng, ngày mới về Hà Nội, cũng có người “đặt vấn đề”, nhưng mẹ quyết sống với tôi đến trọn đời. Nghĩa là mẹ sống cho tôi.
Mẹ sinh ra tôi, nuôi tôi bằng dòng sữa mẹ và dìu dắt nâng đỡ tôi bằng tình thương của mẹ. Có lần mẹ đã bảo tôi: “Anh giống bố anh quá!”. Mẹ đã sống vì tôi và cũng vì tình yêu với bố tôi. Mảnh lá cọ che đầu, cốc thạch đen lần đầu tôi được ăn ở bãi chiếu bóng Lương Yên và cả cái tát kỷ niệm ngày xưa đã cho tôi thành người.