“Muôn mặt nhân gian”

Triển lãm “Lăng kính của Thủy - Muôn mặt nhân gian” của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy gồm 42 tác phẩm acrylic và gốm. Các khuôn mặt người ẩn hiện trong tác phẩm qua những chủ đề Chân dung, Khỏa thân và Muôn mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Một tác phẩm tại triển lãm.
Một tác phẩm tại triển lãm.

1/Đó là những lăng kính mầu khi tươi vui, khi trầm lắng, “tự nhiên” và “đời” nhưng tràn đầy năng lượng, biến hóa muôn mầu muôn vẻ. Đã là lăng kính, khi ánh sáng đi qua sẽ có khúc xạ, có cả tán xạ và hội tụ. Tác phẩm là những mảnh ghép đẹp đẽ được biến đổi vô thường, như những viên kim cương lấp loáng có độ khúc xạ cao nhất, được ghép lại, tạo nên góc nhìn đa chiều và nhẹ dịu, lôi cuốn và thách thức. Những bức tranh khi đứng gần chỉ là những mảng/khối hình học nhưng khi dịch chuyển ra xa lại mang đến những tưởng tượng bất ngờ, tùy theo từng góc quan sát, tùy cảm xúc của nghệ sĩ và công chúng. Những gương mặt nhân gian ghép từ những ô kính mầu - kỷ hà, được phân mảnh rồi tụ lại, đa diện và phức tạp, với những sắc độ khác nhau, tạo nên ảo ảnh thị giác. Nhưng loạt tranh như đã bước qua bên kia bờ ảo thị, không còn dễ nhận diện hay cắt nghĩa. Nữ họa sĩ đã kết hợp thể hiện cả mầu sắc và tính chất quang học của thủy tinh làm cho những hình khối đa giác không chỉ còn đơn thuần là những ô mầu, mà là những ô kính mầu.

Nguyễn Thu Thủy muốn “Nghệ thuật cũng như tình yêu, đều cần phải khoe ra, đem soi dưới ánh sáng mặt trời với đủ các cung bậc tự hào, tự ngưỡng. Qua các tác phẩm của mình, tôi tự họa phần dương tính mạnh mẽ, họa khát khao muốn làm chủ chính mình của người phụ nữ. Đó cũng là quá trình “Tôi đi tìm tôi”. Tôi tìm cách biểu hiện phong cách bản thân bằng thủ pháp nghệ thuật riêng của mình. Tôi “xếp” những khối tinh thể pha lê lóng lánh, với ý tưởng tạo nên sự biến đổi năng lượng trên một nền vĩnh cửu của nguồn sống”.

2/Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Trưởng bộ môn Nghệ thuật thị giác, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì nhận thấy: “Thủy đã phát hiện trong họa pháp này, lối ẩn chứa sự say mê với bản chất con người thành các hình dạng hình học, nắm bắt sự phức tạp của cảm xúc trong các nét vẽ acrylic, ngắm thế giới qua lăng kính sắc mầu, tìm thấy chiều sâu không gian, bố cục năng động của những mảng miếng kỷ hà”.

Từ góc nhìn khác, nhà văn/họa sĩ Nguyễn Trương Quý lại nhận xét: “Bằng phong cách kính vạn hoa, các hình tượng được phân mảnh thành các tinh thể hình tam giác, song lần này mầu sắc nhiều độ trầm hơn. Theo đuổi một cách vẽ bền bỉ và vẽ được nhiều là ước mơ của nhiều họa sĩ, vì thế cũng là quá trình nỗ lực gìn giữ và phô bày thay vì náu mình sau những hình hài ảo. Các chân dung “Muôn mặt nhân gian” của Thủy có lẽ cũng là cách lần nữa tái hiện sự chập chờn ảo thực của nhân diện đó”.

Họa sĩ, TS Nguyễn Thu Thủy đang là Phó trưởng khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. Chị đã có nhiều triển lãm, riêng và chung cả trong nước và quốc tế, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. “Lăng kính của Thủy - Muôn mặt nhân gian” là triển lãm cá nhân thứ ba sau “Ghép ký ức” (2021) và “Lăng kính của Thủy” (2022) trong chuỗi triển lãm mang tên “Lăng kính của Thủy” của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đang diễn ra từ ngày 10 đến ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.