Nét quê trong lòng phố

Huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong), nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Nét quê trong lòng phố

Vẻ đẹp được nâng niu

Phong Nam, một thôn nhỏ nằm tại xã Hòa Châu, vẫn giữ vững vẻ đẹp yên bình của làng quê Việt Nam dù nhịp sống đô thị đang ngày một lan tỏa. Tuyến đường chính dài 1,4 km nối từ Quốc lộ 1A đến Tỉnh lộ 605, dù đã được bê-tông hóa, vẫn rợp bóng mát của hàng cây xanh hai bên đường. Những hàng chè tàu, cau và rau mơ dọc các ngõ nhỏ như đưa bước chân người trở về miền ký ức xưa.

Ba tuyến đường nội đồng vòng quanh thôn tạo nên nét độc đáo về cảnh quan. Cánh đồng lúa xanh mướt, những bụi tre rì rào trong gió và các loại cây truyền thống gợi nhớ một thời êm đềm. Điểm nhấn của Phong Nam là các công trình văn hóa gắn bó với lịch sử làng như Đình làng Phong Lệ - nơi thờ Thần Nông, Nhà thờ tiền hiền và lễ hội Mục Đồng đặc sắc. Đặc biệt, những ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100-200 năm được người dân gìn giữ nguyên vẹn. Gia đình anh Lê Đức Phúc đã sống trong một ngôi nhà 150 tuổi. Với anh, đây không chỉ là tổ ấm mà còn là bảo vật văn hóa. Một quán cà-phê nhỏ do anh mở trước căn nhà cổ đã trở thành nơi thu hút khách tham quan, chụp ảnh vào dịp cuối tuần.

Không xa Phong Nam, thôn Bồ Bản thuộc xã Hòa Phong mang trong mình dấu ấn từ cuối thế kỷ XV. Nổi bật với Đình làng Bồ Bản - di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, nơi đây còn bảo tồn các công trình giá trị như Miếu Thần Nông, Mộ Tiền Hiền, Giếng cổ và Âm Linh Tự. Những nhà cổ từ thế kỷ trước vẫn giữ được nét nguyên sơ, trở thành biểu tượng cho sức sống bền bỉ của văn hóa làng.

Nét quê trong lòng phố ảnh 1

Nhà thờ các bậc tiền hiền khai khẩn lập làng.

Kỳ vọng hồi sinh và phát triển

Huyện Hòa Vang đang đặt nhiều kỳ vọng vào Đề án “Xây dựng làng văn hóa đặc trưng” với mục tiêu tạo nên dấu ấn bền vững về văn hóa và kinh tế địa phương. Đề án đã được thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 15 của HĐND huyện, với tổng mức đầu tư hơn 89 tỷ đồng và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, thôn Phong Nam được phân bổ hơn 75 tỷ đồng, còn thôn Bồ Bản nhận hơn 14 tỷ đồng.

Với nguồn lực này, các công trình kiến trúc không phù hợp tại hai thôn cổ sẽ được cải tạo, chỉnh trang, mở đường cho việc phát triển du lịch bền vững. Trưởng thôn Phong Nam, ông Ngô Văn Xí, chia sẻ rằng, sự độc đáo của làng cổ chính là chìa khóa để thu hút các công ty du lịch. “Phong Nam cần có những hình ảnh đặc sắc để quảng bá, từ đó phát huy bản sắc làng quê, mở ra hình thức du lịch dã ngoại, cộng đồng. Du khách không chỉ tham quan mà còn cảm nhận sâu sắc về ngôi làng cổ đặc biệt vẫn tồn tại đến hôm nay”, ông nói.

Tại thôn Bồ Bản, ông Tán Kim, Trưởng ban công tác Mặt trận bày tỏ niềm tin rằng, đề án sẽ không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn mang đến những thay đổi tích cực cho đời sống người dân. Ông Kim cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu tuyên truyền để người dân hiểu rõ về đề án. Đây không chỉ là câu chuyện về bảo tồn mà còn mở ra tương lai phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và tinh thần của cộng đồng”.

Đề án không chỉ đơn thuần giữ gìn bản sắc làng quê mà còn hướng đến việc xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp với nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Các hoạt động như du lịch cộng đồng, sinh thái trải nghiệm, hay kết hợp giữa tham quan và sản xuất nông nghiệp là các mục tiêu trọng điểm. Được biết, người dân đã tự nguyện thiết lập hương ước để bảo nhau gìn giữ phong tục, nếp sống văn minh.