1/Lê Thừa Hải ví bản thân mình, gia đình nhỏ của mình, thành phố nơi anh sống và vẽ và nhìn rộng ra là cả xã hội như một không gian. Trong không gian ấy, có những câu chuyện lúc lãng mạn, lung linh, có những lúc lại khắc khoải, chênh vênh… được tái hiện trong không gian hội họa của anh. Với những tác phẩm khổ lớn và trung bình, anh mang đến cho người xem những hình tượng đầy tâm trạng, những chi tiết hội họa dày đặc với gam mầu tương phản: trắng-đen, đen-đỏ cùng những ký ức thâm trầm của xứ Huế rất xa xưa.
Theo TS Bùi Quang Thắng: “Về mặt nghệ thuật, dường như Lê Thừa Hải đã trở lại bút pháp thời kỳ đầu của mình, chú trọng sắc độ, đối sáng là chính, chỉ sử dụng mầu đối lập khi muốn nhấn điểm, mảng”. Dễ nhận ra, “Giấc mơ trong những chiếc hộp” với những nhân vật luôn lơ lửng trong giấc mơ được tự do.
2/Sinh năm 1990, Lê Thừa Hải đến với hội họa bằng tình yêu hồn nhiên của tuổi trẻ. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê Phong Điền, Thừa Thiên Huế, với sông Ô Lâu, phá Tam Giang thơ mộng, với làng cổ Phước Tích, chiến khu Hòa Mỹ cùng nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời. Tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Huế, Lê Thừa Hải làm nhiều công việc liên quan đến hội họa để mưu sinh. Khi gánh nặng gia đình đã được người bạn đời san sẻ, anh bắt đầu tham gia các triển lãm nhóm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2017 đến nay, Hải sống cho mình, vẽ cho mình nhiều hơn. “Có những lúc thuận lợi, nhưng có khi cuộc sống tạo ra cho mình nhiều áp lực. Nhưng khi trải qua được, nó lại khiến mình tự tin hơn. Tôi có thể có những gì đang có và có thể không có gì cả. Hội họa là một cái gì đó rất thiêng liêng, tôi không đi tìm nó, tôi sống trong nó. Cũng sẽ đến lúc chia tay nhưng cho đến giờ phút này thì đang rất hạnh phúc”, họa sĩ bày tỏ.
Với Lê Thừa Hải, không thiếu dư cảm của Huế xưa, được chắt lọc qua tâm thức sáng tạo. Trong tranh Lê Thừa Hải, người ta thấy những khung cửa, những ô gió trang trí trong kiến trúc cung đình xưa, những khung cửa xa xăm, ghế quan văn… ẩn hiện từ xa, tạo dựng bối cảnh, làm đượm thêm vẻ nặng trĩu trong tâm hồn của nhân vật chính. Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Hà Nội) cho rằng: “Đất sinh người, đương nhiên trong tác phẩm hội họa, Lê Thừa Hải mang theo dư âm của mảnh đất đó, không quên tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, nhưng trên hết là sự chất chứa trong môi trường sáng tạo”.
3/“Giấc mơ trong những chiếc hộp” và trước đó là “Nói chuyện gì khi nói chuyện vu vơ” (2022), dù đề cập hai câu chuyện khác nhau nhưng vẫn là một Lê Thừa Hải kiên định với trường phái tân biểu hiện và thẳng thắn đối diện với chính mình. “Nói chuyện gì khi nói chuyện vu vơ” như những trang nhật ký về những câu chuyện của gia đình, của xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Giấc mơ trong những chiếc hộp” lại nặng trĩu những suy tư, mộng tưởng, đào sâu ký ức, có khi vụn tan trong đời thường. Tranh biểu hiện của Hải và của những họa sĩ kiên định với trường phái này như Lê Kinh Tài, Phạm Thanh Toàn thường được nói vui là “tranh xấu”, khó hiểu, kén khán giả, nhưng nó là đối cực của những tác phẩm đèm đẹp mà thiếu vắng cảm xúc.
Lê Thừa Hải cũng được biết đến là một trong số ít họa sĩ vẽ tranh khổ lớn và “đi” được với niềm đam mê, không chỉ biểu đạt bút pháp và còn hàm chứa câu chuyện trong những tác phẩm. Họa sĩ Đoàn Xuân Tùng (Hà Nội), một người bạn thân thiết của Lê Thừa Hải cho rằng: “Tranh của Hải có màu sắc cô đơn, nhiều day dứt, thường chọn mầu sắc trầm để biểu đạt suy nghĩ. Kể cả khi dùng mầu đỏ thì cũng kéo người xem đến những cảm nhận về sự trăn trở”.
Họa sĩ Lê Thừa Hải tâm sự: Để cân bằng cảm xúc cho mình, anh cũng thường dùng mầu xanh ngọc để “làm cho bản thân được dịu đi một chút”. Sự thẳng thắn, kiên định và biết cân bằng chính mình trong sáng tạo giúp Hải trở về với thực tại, để ý thức rõ hơn tâm thế của mình với nghệ thuật.
Lê Thừa Hải “ẩn dật” gần 2 năm để tập trung cho loạt tranh “Giấc mơ trong những chiếc hộp”. Anh khóa facebook, ban đầu chỉ định 1 tuần, 2 tuần, sau đó lên đến 1 tháng, 2 tháng và cứ thế, gần 2 năm trôi qua... Chỉ đơn giản, anh mong muốn “tĩnh lại cho mình”.