1/Những là dự cảm, là hồi niệm, là khát sống, là chiêm nghiệm cõi người gian nan, nhà thơ đã sải cánh vào cõi mơ đó, như một cuộc chuyển biến ngoạn mục của “đường thơ Quang Đạo”.
Và dường như sau “Bay trong mơ”, thi nhân không thể… như cũ được nữa. Phải có “mật thi” như ông tự đặt cho những sáng tác tiếp theo của mình - nay trở thành tên tập thơ mới, giúp ông thỏa mãn điều đó. Chia sẻ như một quan niệm sáng tác, như một ngôn luận về thơ của ông trong “Lời ngỏ” của tập thơ “Mật thi” chính là một cánh cửa mở vào không gian này: “Tôi làm thơ không vần. Câu thơ dài ngắn, ngắt đoạn, chuyển ý tùy thuộc vào tâm trạng và sự vang âm hoặc lặng âm của con chữ mang đến. Thơ tôi trọng ý, trọng hình ảnh, trọng tu từ, trọng tư tưởng. Tôi không chú trọng tả cảnh, hoặc tả cảnh ngụ tình. Vì thế thơ tôi không có những câu thơ chuyển đoạn, mà thay vào đó là những dấu lặng, vang ngân ý niệm. Nhạc điệu trong thơ tôi là nhạc điệu của tâm hồn, nó vọng vang từ xúc cảm, từ chữ, từ vẻ đẹp của thi ảnh và tu từ mang đến”.
Chính trong mấy năm cuối đời, thi nhân thực hiện những chuyến bay mới như cuộc bừng lên của ngâm ngợi, chắt lọc, như chạy đua cùng sự suy tàn thường trực lơ lửng trước mặt. Một số bạn văn chương chung chuyến đi thực tế Vĩnh Bảo, Hải Phòng dăm năm trước chắc hẳn nhớ tâm trạng bâng khuâng của ông khi hát bài “Niệm khúc cuối” thật da diết, thật khát sống trong tối giao lưu văn nghệ, lúc ông biết mình đã có bệnh. Và có lẽ, những “mật thi” đã trở nên chuỗi niệm khúc, thoát lên những chiêm nghiệm thật linh động, thật khoáng đạt của ông qua câu ngắn, chữ gọn, các khổ thơ “hẹp” về dung lượng. Nhưng với những ngắn, gọn, hẹp ấy, “mật thi Trần Quang Đạo” cô đúc để mở ra những hình dung bay bổng. Điều thú vị không chỉ là nỗ lực “triết lý hóa”, mà ở việc trình bày ra sự sống, chất sống giàu xúc cảm trong những “khúc thơ” hòa lẫn không gian, thời gian.
Thỉnh thoảng ở một số thời điểm khi bệnh tình được điều trị với kết quả tích cực, sức khỏe phần nào hồi lại, bằng hữu lại nhận thấy từ nhà thơ những hình ảnh lạc quan và các nội dung chia sẻ có phần hài hước, hóm hỉnh. Đó là những khoảnh khắc sáng sủa hy vọng. Nhưng có lẽ, ngay những lúc ấy, người thơ cảm thấy rõ ràng hơn cả trạng thái quyết liệt của cuộc chạy đua định mệnh này. Bởi thế, “mật thi” của ông như những tia ánh lên trên chặng suy tàn. Không đặt tên, chỉ đánh số, nhiều đoạn, khúc của Trần Quang Đạo trong chặng đường cuối này - mật thi - mật đạo, khi đọc bất kỳ, đã đem lại những xúc cảm sống động: “Những lúc nhớ con/cha lắc chú lợn đất//Niềm vui vỡ tiếng trong lòng…” (47), “Treo chênh vênh/những bậc thang tháng mười vàng óng/những bức tranh ghép vào nhau/lúa lúa//Chữ no ấm viết lên sườn núi//Trăng lên/những bậc thang dựng lên trời khung nhạc/rì rào gió hát//Tiếng khèn nâng từng thảm lúa bay” (19), và “… Chữ là hạt giống/đồng sàng trời sao…” (55), và trong bài thứ 101 - cuối tập thơ “Mật thi”: “Hành tinh ngày một nặng/mai sau nhân loại chuyển hành tinh khác//Tối giản/phép tính rô bốt//Khi trong ngực đập nhịp tim nhân tạo/thơ tôi họ có mang theo?”.
2/Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hoài niệm trên trang cá nhân: “Chúng tôi thân nhau khi còn rất trẻ. Lúc đó ông đóng quân ở Xuân Mai, Hà Tây. Ngày nào được nghỉ, ông lại đạp xe ra Hà Đông chơi với mấy anh em. Ông thường ở lại ăn cơm với gia đình tôi lúc đó đang ở nhờ trong một gara của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây. Thi thoảng ông đạp xe ra chợ Hà Đông mua vài lạng thịt để vợ tôi nấu ăn. Mỗi lần gặp nhau, câu chuyện duy nhất của chúng tôi là thơ ca và chỉ có thơ ca. Đó là những năm tháng đói nghèo nhưng thật trong sáng và đẹp đẽ. Thơ ca đã trở thành nguồn năng lượng sống quan trọng nhất của chúng tôi. Và thơ ca đã theo Trần Quang Đạo đi đến phút cuối cùng của cuộc đời với mọi biến cố, mọi vui buồn, mọi giấc mơ của con người ông và của kiếp người. Khoảng hơn hai tuần trước, tôi vào bệnh viện thăm ông. Ông nằm trên giường như một chiếc lá mong manh. Mọi buồn vui, được mất lúc đó chẳng còn ý nghĩa với ông. Nhưng câu chuyện cuối cùng giữa chúng tôi vẫn trở về với thơ ca: buồn bã nhưng đẹp”.
Rất nhiều nhà thơ, nhà văn, bằng hữu tiếc nhớ sẻ chia những kỷ niệm đẹp và tình cảm thân quý về nhà thơ Trần Quang Đạo khi nghe tin ông vừa rời đi vào chuyến bay cuối cùng, mãi mãi. Xuyên suốt qua đó là niềm cảm phục những chuyến bay của chữ mà “Bay trong mơ”, “Mật thi” đã vừa gây dựng. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý gọi trong bài thơ vừa viết: “Bay nhé, bạn tôi/bao la dành cho một hạt bụi lừng danh/còn lại giữa cuộc đời bộn bề này chiếc nhẫn cỏ/tặng cho tình yêu đích thực/tình yêu thủy chung nhé, Đạo ơi!”. Nhà báo Trần Nhật Minh (VOV6) bồi hồi: “Và rồi sau bao ngày bệnh trọng, “Vùng dậy cầm tay mình trống vắng những đốt tay”, sớm nay, trong khi nhà nhà còn trong giấc ngủ, anh Đạo lặng lẽ rời cõi tạm đi về những “Xóm mơ hồ” của anh, nơi không còn những cơn đau, chỉ còn thơ, những sắc màu và lời hát…”.
Nhà thơ vẫn “bay trong mơ” và còn kể với chúng ta, bằng “mật thi”.
Nhà thơ Trần Quang Đạo (1957-2024), quê ở Quảng Bình, nhập ngũ tháng 2/1975, từng công tác ở biên giới Việt-Lào, tham gia chiến đấu ở biên giới phía bắc. Ông là TS, từ năm 1990 đến 2017 làm báo Nhi Đồng, tạp chí Thời trang trẻ. Ông đã in 11 tập thơ trong và ngoài nước, 3 tập tiểu thuyết, 1 chuyên luận…