1/Có thể nói, kỷ nguyên số đã tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động xuất bản sách và sáng tạo văn chương. Và câu chuyện đặt ra ở đấy là sự kết hợp giữa AI và con người không chỉ tạo ra giá trị mới mà còn đặt ra các vấn đề về bản quyền, tính độc đáo và giá trị tác phẩm.
Dựa vào AI, trong nháy mắt ta sẽ có bộ khung hoặc tác phẩm thô, từ đó có thể bổ sung, đắp thịt thêm da và tác phẩm văn chương “không thuần túy” thành hình. Tất nhiên AI không thể thay thế con người, nhất là trong sáng tạo văn chương, nơi luôn đòi hỏi những sản phẩm phải “là một, là riêng, là thứ nhất” không lẫn vào bất kỳ sản phẩm nào khác trước đó. Nhà văn Văn Thành Lê, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Người sáng tạo văn chương thật sự sẽ luôn hướng đến thứ văn chương đúng nghĩa, ở đó chỉ chấp nhận những rung cảm kiểu “mỗi người là một thế giới”, không công nghệ nào lập trình để “xào” ra được, để bảo đảm tác phẩm luôn mang dấu ấn cá nhân và sự sáng tạo của chính mình”.
Một số tác giả khác nêu quan điểm việc sử dụng AI trong sáng tạo có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là việc đánh mất sự sáng tạo trong văn chương và gia tăng tình trạng “đạo văn”. AI hoạt động dựa trên việc tổng hợp các nguồn dữ liệu có sẵn, điều này có thể tạo ra nội dung tương tự mà không có sự độc đáo và chiều sâu của một tác phẩm văn học. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI khiến việc kiểm soát nội dung trở nên rất khó khăn, đặc biệt là đối với cộng đồng người sử dụng AI. Những người sáng tạo có thể vô tình sao chép ý tưởng hoặc cấu trúc từ các tác phẩm trước đó mà không nhận thức được, dẫn đến những tranh cãi về bản quyền và tính chính xác trong sáng tạo. Vì vậy, mặc dù AI có thể hỗ trợ trong quá trình viết lách, nhưng tác giả vẫn cần duy trì sự cảnh giác và trách nhiệm trong việc sử dụng công cụ này để bảo vệ giá trị cốt lõi của văn chương.
2/Bản thân người viết bài này cũng đã từng thử nghiệm với công cụ AI. Chẳng hạn, khi sử dụng AI để viết một truyện ngắn, ta chỉ cần đưa ra một vài mô tả và ngay lập tức, AI sẽ trả lại kết quả trong vòng vài chục giây ngắn ngủi. Tuy nhiên, AI chỉ có thể cung cấp các ý tưởng và bối cảnh ban đầu, mà vẫn chưa thể viết hoàn chỉnh một truyện ngắn. Mặc dù AI có thể giúp khơi gợi cảm hứng và đưa ra các ý tưởng mới, nhưng nó vẫn thiếu đi khả năng nắm bắt sâu sắc các yếu tố cảm xúc, tâm tư của nhân vật và những chi tiết tinh tế trong văn chương mà chỉ có con người mới có thể truyền đạt. Điều này cho thấy rằng, mặc dù AI là một công cụ hữu ích, nó vẫn không thể thay thế hoàn toàn sự sáng tạo và thiên tính nghệ thuật của con người. Có lẽ AI sẽ khá “nguy hiểm” đối với người dùng thông thường nếu quá lạm dụng và phụ thuộc, nhưng với người sáng tạo văn chương thì không. AI chỉ có thể là công cụ hỗ trợ vì giá trị của văn chương đích thực vẫn nằm trong tay của những người sáng tạo. Trong tương lai, sự phát triển của AI có lẽ cũng là một vấn đề mà chúng ta đáng lưu tâm. Nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn cảnh báo: “Tôi muốn nhấn mạnh về khả năng “mắc bẫy” của AI; nếu không tỉnh táo, không cẩn thận và nghiêm túc, rất có thể bạn sẽ bị phát giác về hành vi đạo văn một ngày nào đó”.
Như vậy, người cầm bút đủ tự trọng sẽ tự biết cho AI can dự vào quá trình sáng tác của mình như thế nào, ở mức độ nào. Văn chương, nếu có chút dấu ấn nào đó, thì luôn gắn với bản sắc, màu sắc riêng khác của tác giả. Do đó, dù công nghệ có phát triển đến đâu, chúng ta vẫn tin vào giá trị đầu tiên của mỗi tác phẩm nằm ở sự tâm huyết gan ruột, chân thành, sự nghiêm túc và ý thức của người viết. Nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ thêm: “Thuở ban đầu có thể chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để ra sách, để có cuốn sách, thậm chí nhiều đầu sách, tập truyện tập thơ có thể vơ bèo gạt tép cốt đủ số lượng để in, thì càng về sau càng thấy không có gì phải vội vàng cả, quan trọng hơn mỗi cuốn sách in ra thể hiện được màu sắc riêng của mình, như vậy mới mong để lại “vệt” gì đó trong lòng người đọc”.
Nhà văn Đức Anh, tác giả đạt giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam, đưa ra một quan điểm mang tính dự báo: “Khi trí tuệ nhân tạo phát triển - chắc chắn nằm ngoài tưởng tượng của chúng ta - văn chương và triết học lại ngày càng quan trọng hơn: chúng củng cố vị thế mong manh của loài người. Bởi lẽ, AI không đòi hỏi nhuận bút, còn con người thì có. Con người cần nhuận bút và cần thấy giá trị của mình trên nhân thế, sự tồn tại của mình, nỗi băn khoăn ấy là bất diệt”.