Đồng hành cùng bạn đọc

Tọa đàm khoa học “Người đọc trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại” đã đưa ra một số nhận xét về đối tượng này trong bối cảnh hôm nay, qua đó có những đề xuất thiết thực nhằm củng cố mối quan hệ tác giả - bạn đọc. Đây là những ý tưởng, nội dung đáng để tham khảo cho người viết, cho các đơn vị tổ chức sáng tác, xuất bản, quảng bá tác phẩm văn học.
Câu lạc bộ Đọc sách cùng con có nhiều hình thức sinh hoạt thú vị với sách, tạo hứng thú cho các bạn đọc nhỏ.
Câu lạc bộ Đọc sách cùng con có nhiều hình thức sinh hoạt thú vị với sách, tạo hứng thú cho các bạn đọc nhỏ.

1/Đón nhận 17 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà giáo, tác giả thuộc nhiều lứa tuổi, từ nhiều đơn vị nghiên cứu, giảng dạy, tọa đàm do Viện Văn học tổ chức ngày 26/9 vừa qua có xu hướng vượt ra khỏi quy mô tọa đàm và còn để lại những lối ngỏ cần được tiếp tục bàn thảo. Xuất phát điểm từ vị trí, vai trò người đọc theo quan niệm truyền thống, theo những trường phái nghiên cứu văn học cổ điển và hiện đại trong nhiều thập kỷ trước của thế kỷ XX, các diễn giả đi đến sự phát triển của đối tượng này trong những năm gần đây và thời điểm hiện tại. Qua đó, phác họa khái quát sự biến chuyển của bạn đọc ở tư thế tiếp nhận, khả năng đồng sáng tạo, nhập cuộc với tác phẩm, tạo ra tác động đến người viết, cho đến “quyền lực” ngày càng lớn hơn của công chúng khi hình thành những “cộng đồng diễn giải”, những nhóm bạn đọc có sự phân cấp giữa người đọc chuyên nghiệp - học thuật và người đọc phổ thông - bình dân.

2/Những phân tích của các diễn giả cho thấy nhiều đặc điểm cả cũ và mới thú vị, sinh động của đối tượng bạn đọc với tiếng nói có sức ảnh hưởng lớn trong tiến trình sáng tạo, tiếp nhận tác phẩm văn học, xây dựng và vun đắp đời sống văn chương, chứ không thuần túy chỉ là một thành phần “cho gì đọc nấy” một cách thụ động. Lấy thí dụ ngay về vấn đề đang bị xã hội phàn nàn là văn hóa đọc xuống cấp, PGS, TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Viện trưởng Thông tin Khoa học xã hội đề nghị cần giúp người đọc trang bị kỹ năng tiếp nhận thông tin và quay trở lại tác động đến cả văn hóa viết. Theo PGS Dân, lâu nay còn ít có những nhận xét về tình trạng của văn hóa viết chứ không chỉ cần thúc đẩy văn hóa đọc. Đặt vấn đề này, PGS Dân đòi hỏi cao hơn vào ý thức, trách nhiệm phục vụ của người viết trước sự tiếp nhận của bạn đọc.

Ngược lại, ở một khía cạnh khác và có phần mang tính cảnh báo, PGS, TS Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học) nêu quan điểm đề cao vai trò người đọc nhưng không có nghĩa là tuyệt đối hóa, là “chiều” người đọc với sự hiểu của họ về tác phẩm. Vấn đề này cũng có liên quan đến câu chuyện lý thuyết về quyền hiểu, quyền sáng tạo của người đọc, thoát ly khỏi những ý đồ sáng tác của nhà văn.

Liên hệ đến bối cảnh hôm nay, cũng có thể nhận ra không ít trường hợp những độc giả hời hợt, những nhóm bạn đọc thiếu trang bị tri thức, thẩm mỹ và thỏa mãn với những tác phẩm văn học chạy theo thị hiếu còn thấp. Hoặc đã có thực tế về những “cộng đồng diễn giải”, và theo phân tích của TS Mai Thị Hồng Tuyết (Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2), cộng đồng này có thể gây áp lực lên cách hiểu tác phẩm của những người đọc cụ thể. Như vậy có thể thấy, nếu cộng đồng đó có tri thức, thẩm mỹ cao, có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho việc đọc, hiểu của người khác, và ngược lại.

Thậm chí, phát triển xa hơn thực trạng trên, theo khảo sát của ThS Mai Thị Thu Huyền (Viện Văn học), đã và đang có xu hướng sáng tác, viết lại huyền thoại, tác phẩm văn học dân gian theo những nội dung khác lạ, nhằm mời gọi, thuyết phục một số đối tượng, nhóm bạn đọc nào đó với những đặc tính đặc thù. Thí dụ như với truyện cổ tích “Thạch Sanh”, nhiều người chắc chắn sẽ ngạc nhiên, có khi bàng hoàng với những câu chuyện mới được lan truyền trên mạng, hoặc được diễn hài với các hướng phát triển nội dung như: Thạch Sanh và Lý Thông giữ sự thâm giao lâu dài; Thạch Sanh thực ra không yêu công chúa Quỳnh Nga; hoàng tử con vua thủy tề hóa ra lại có cảm tình với Thạch Sanh; Chằn tinh và đại bàng tinh là những đối tượng rất hài hước hoặc tầm phào… Hoặc như nhìn nhận của TS Ngô Viết Hoàn (Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), thì có sự tác động của truyền thông xã hội đến thói quen đọc sách. Người đọc bây giờ nhiều khi thích tương tác hơn là thích đọc; và không chỉ tiếp nhận mà họ còn góp phần tạo ra lao động viết của tác giả nữa. Đặc biệt là với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thì sức ảnh hưởng của nhiều sản phẩm được “máy viết” đang là có thật chứ không còn ở giai đoạn “đứng ngoài”, bị nhà văn nghi ngờ, coi thường và đánh giá thấp nữa.

3/Cùng với những nhận định như trên, tọa đàm còn có những đánh giá khác nữa về sự phát triển văn học trinh thám ở Việt Nam với sự phát triển cộng đồng bạn đọc; tình trạng đọc lướt, đọc “mì ăn liền”; sự dễ dãi của bạn đọc rộng gồm cả người đọc lẫn người viết, thậm chí cả một số nhà nghiên cứu khi tiếp cận, thẩm bình, quảng bá các sản phẩm thơ chất lượng hạn chế… Đó đều là những thông tin cần thiết cho giới làm sách, xuất bản, đội ngũ làm báo chí - truyền thông, các hội nghề nghiệp cũng như các nhà quản lý văn hóa, văn học.

Từ đây nhằm nghiên cứu, xây dựng chính sách đối với việc đọc văn chương, học và thi môn Ngữ văn; chính sách sàng lọc và xuất bản tác phẩm chất lượng cao cùng phương thức phổ biến rộng rãi đến các đối tượng bạn đọc khác nhau cũng như phát huy vai trò đang có phần suy giảm của hệ thống thư viện… Những công việc này sẽ củng cố cho các phân khúc độc giả, các cộng đồng đọc, cho một xã hội đọc có trình độ, chất lượng. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất, các bước tiếp theo cần trông cậy nhiều hơn vào các nhà quản lý, xuất bản, giảng dạy trong lĩnh vực văn chương, trong ngành giáo dục. Rất nên có sự hợp tác để “mổ xẻ” và “bồi bổi” cho người đọc được sâu xa, lâu dài hơn.