Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh:

Mong “Ngày xưa có một chuyện tình” là một “vị” khá lạ

“Đề tài tình yêu không bao giỡ cũ! Cuộc sống tuy gấp gáp nhưng chúng ta lại mong tình yêu sẽ lắng đọng và được đồng cảm, đó là chia sẻ của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khi nói về lợi thế của “Ngày xưa có một chuyện tình” - tác phẩm điện ảnh thứ 3 của anh, được chuyển thể từ chuyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm là bộ phim duy nhất của Việt Nam tranh giải ở hạng mục Phim dài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (trái) cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (trái) cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Phóng viên (PV): Nhiều ý kiến cho rằng “Ngày xưa có một chuyện tình” dường như rất “thuận buồm xuôi gió”, từ việc tìm được bối cảnh phù hợp, dàn diễn viên ăn ý, tròn vai cho đến đội ngũ sản xuất, biên kịch chắc tay?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi và biên kịch Nhi Bùi, các nhà sản xuất đã làm việc với nhau nhiều năm, bằng sự ăn ý và trên hết chúng tôi làm việc với tất cả tâm huyết và bằng cả sự tử tế. Chúng tôi làm việc với diễn viên và coi đó là những vai diễn rất quan trọng không chỉ cho riêng bộ phim mà đối với sự nghiệp của họ.

Tất cả ekip đã cống hiến cho dự án phim “Ngày xưa có một chuyện tình” thời gian, sự kỹ lưỡng và sáng tạo. Tình cảm chúng tôi dành cho Phú Yên cũng được các cấp lãnh đạo nhìn thấy, đồng thời hỗ trợ rất nhiều. Đây là bộ phim trở về những năm 90 nên chúng tôi phải cải tạo nhiều bối cảnh, giấu đi nhiều cột điện, con đường. Chúng tôi chấp nhận có những điều chưa hoàn hảo trong bối cảnh của mình và ưu tiên cảm xúc, để khán giả có thể tin là nhân vật đã lớn lên trong không gian đó. Nhưng tôi tin rằng, thông qua bộ phim, mọi người sẽ biết nhiều hơn về Phú Yên, mong muốn được đến Phú Yên nhiều hơn nữa.

Tôi cũng hy vọng, khán giả sau khi xem phim sẽ thấy Việt Nam là một đất nước yên bình, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên có thể hòa mình để trở về bản ngã trong tâm hồn. Khi đến thăm những ngôi nhà, tôi thường nói chuyện với những người chủ nhà, đa số là các ông, bà, người mẹ, người dì đang coi sóc bàn thờ tổ tiên, để những người con yên tâm đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ trở về vài lần. Sự lắng đọng thời gian là điều rất đặc biệt ở Phú Yên.

PV: Khá nhiều thuận lợi như vậy thì dấu ấn của đạo diễn ở đâu trong tác phẩm điện ảnh này, thưa anh?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Với một đạo diễn, khâu chọn diễn viên rất quan trọng và dấu ấn của đạo diễn một phần nằm ở đó. Tuy nhiên nó còn nằm ở cách kể nữa. Tôi có nhận được nhiều phản hồi của mọi người là bộ phim rất nhẹ nhàng, có sự chú ý những chi tiết nhỏ mà thường chúng ta sẽ bỏ qua. Tôi luôn trân trọng những chi tiết đó bởi những điều tưởng như nhỏ nhoi ấy luôn theo nhân vật, mỗi khi nhìn lại sẽ cảm thấy ý nghĩa cuộc sống đôi khi lại ở những điều tưởng như đã bỏ qua đó. Điều quan trọng nhất của người làm phim là làm một tác phẩm điện ảnh mà mình cảm thấy tin và phải chân thành với nó trước.

PV: Anh kỳ vọng điều gì khi “Ngày xưa có một chuyện tình” tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Đây là một cơ hội rất tốt cho bộ phim, vào thời điểm vừa ra mắt. Tôi tin rằng, nó sẽ là cú đẩy cho bộ phim nhiều hơn. Quan trọng hơn nữa, bộ phim có cơ hội được chiếu cho khán giả và các nhà làm phim quốc tế, được “đi xa” hơn tới mảnh đất miền trung, được xem Việt Nam của những năm 90 như thế nào. Tôi không cố ý sắp đặt, trình diễn bởi mọi thứ chân thành từ sâu bên trong sẽ chạm được tới khán giả và họ sẽ nhận được những “bản sắc” đó. Thí dụ như hình ảnh nữ sinh mặc áo trắng, đạp xe trên những con đường quê - nơi họ đã lớn lên rất cuốn hút và có thể khiến cho nhiều người muốn đến Việt Nam, hiểu thêm một phần nào đó về Việt Nam. Thêm nữa, đây là bộ phim về tình bạn, tình yêu, cũng là chủ đề mang tính toàn cầu. Đây cũng là dịp chúng ta tìm cơ hội để bộ phim có thể vươn xa ra thị trường nước ngoài.

PV: Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt đã bớt đi những bộ phim “thảm họa”, thay vào đó chất lượng phim được đầu tư hơn, doanh thu cao hơn. Dòng phim tình cảm gia đình vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều khán giả, bên cạnh phim kinh dị. Điều này có làm cho anh cảm thấy tự tin hơn?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Làm phim là một việc khó, từ khâu sản xuất, viết kịch bản sao cho có cảm xúc và chặt chẽ; khó với cả diễn viên bởi luôn đòi hỏi khả năng diễn xuất chân thực. Chúng ta cần sự đa dạng hơn nữa về thể loại, bởi theo như quan sát của tôi thì dường như khán giả Việt vẫn đang lựa chọn một số thể loại nhất định để xem, đòi hỏi nhà làm phim càng phải thử thách bản thân hơn nữa để chinh phục khán giả, không chỉ với thể loại quen thuộc. Với những thể loại quen thuộc ấy, nhà làm phim cũng phải nâng cao chất lượng làm phim, đồng thời mở rộng chinh phục khán giả ở những thể loại khác. Thí dụ một số thể loại được ví như “đường chết” của điện ảnh Việt: phim khoa học viễn tưởng, phim đề tài thảm họa, phim fantasy… Phim hài, phim kinh dị đang được số đông khán giả lựa chọn. Phim tâm lý tình cảm thời gian gần đây ít hơn nên tôi hy vọng “Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ là một “vị” khá lạ trong năm nay.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn!

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: “Điện ảnh cũng không phải là cuộc chơi, đòi hỏi sự nghiêm túc, tâm huyết và đặc biệt là tài năng. Sau dịch Covid-19, thị trường phim Việt có sự gạn lọc cho thấy tín hiệu tốt cho điện ảnh nước nhà”.