Đôi bàn tay hiếm có
Từ trung tâm huyện Đam Rông, chúng tôi đi hơn 30 km đường đèo dốc đến xã Đạ Tông, thuộc ốc đảo Đầm Ròn ngày xưa. Sở dĩ gọi là ốc đảo vì nơi đây là một rẻo heo hút dưới chân núi Langbiang, bị ngăn cách bởi dòng Krông Nô quanh năm cuộn chảy. Ngày nay cảnh thâm u ấy không còn, cây cầu Đạ Long nối đôi bờ thông suốt, đường sá thênh thang vòng vèo ôm ấp núi non, xanh ngắt mầu cây, nắng tung tăng chiếu rọi trên đầu. Nhà ông NTơr Ha Bang ở thôn Liêng Trang 1. Ông là một trong số ít nghệ nhân lão niên còn lại của làng, tâm huyết với nghề đan lát truyền thống.
Cùng uống chén trà bên bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ không kém ngôi nhà, vài chỗ không còn nguyên vẹn, ông trò chuyện bằng chất giọng khàn đục, lơ lớ, nhiều chỗ nhờ K Dim phiên dịch tôi mới hiểu hết được. Tôi hỏi ông học nghề từ ai, thì nhận được câu trả lời thật bất ngờ, rằng không học ai cả. Hiểu được sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích, người đồng bào từ xa xưa sống dựa vào thiên nhiên, dùng nguyên liệu kiếm được từ núi rừng để làm vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Theo truyền thống, đàn ông M’Nông phải biết đan lát, săn bắn, bắt cá, đàn bà dệt vải, trồng bắp lúa, nuôi con.
Thấy tôi say mê ngắm các vật dụng bày trên kệ, ông giải thích. Nhìn đơn sơ vậy nhưng để làm ra sản phẩm mất khá nhiều công sức. Đầu tiên là vào tận rừng sâu để lấy dây mây, cây giang, cây nứa. Những loài này ngày càng hiếm, đã thế không phải có là dùng được, cần chọn cây đủ tuổi. Cây nứa, cây giang già quá, thân cứng, nan dễ gãy, khó đan. Ngược lại, nếu non quá, nan chẻ ra đem phơi khô tong teo, không đủ độ dai bền. Đem cây về cần biết cách chẻ. Nan chẻ ra phải đều như nhau, vuốt nhẹ để từng nan bóng bẩy. Kỳ công nhất là lúc đan, tỉ mẩn từng chút một. Sự sáng tạo nằm ở công đoạn này, tùy theo cảm xúc, trí tưởng tượng mà đan thành những hình thù, hoa văn lạ mắt. Sản phẩm đẹp, bền hay không là do người đan chăm chút từng khâu.
Lúc tôi đến, ông đã làm xong và thu dọn, nhưng chiều lòng khách, ông vẫn mang bó mây ra cho xem. Vừa thoăn thoắt chiếc dao nhỏ theo nhịp vót, ông vừa chỉ chiếc gùi trên kệ, không tính thời gian chuẩn bị vật liệu, chỉ đan thôi mất 5 ngày mới xong. Những chiếc to hơn hoặc có nắp mất nhiều thời gian hơn nữa. Lúc trước ông làm vật dụng sinh hoạt, đến nay chuyển qua làm sản phẩm phục vụ du lịch, cầu kỳ hơn, giá cao hơn. Trước khi đến đây, tôi đã nghe ông Dương Thái Hội, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đam Rông nói, “Ông NTơr Ha Bang có năng khiếu, gắn bó lâu năm với nghề, giàu kinh nghiệm. Đặc biệt ông có sự sáng tạo trong từng sản phẩm, là người tài hoa hiếm có trong nghề đan lát truyền thống của huyện. Các vật dụng ông làm đều bắt mắt và đặc sắc”.
Bền bỉ làm đổi thay suy nghĩ
NTơr Ha Bang sinh năm 1958. Năm 1981 đi bộ đội, lúc giải ngũ thì sống ở nhiều nơi, có lúc ở Campuchia, rồi về Đức Trọng, Di Linh, Đắk Lắk. Tại Đắk Lắk, ông lấy vợ và sống ở đây. Sau khi vợ mất, ông bị bệnh, khăn gói quay về nơi chôn nhau cắt rốn Đam Rông, bắt đầu đan lát kiếm sống từ năm 2000. Hai con của ông, đều đi làm và sinh sống ở xa. Hiện, ông sống cùng người vợ sau. Hai mảnh đời già sớm tối nương tựa vào nhau.
Đang nói thì ông vội bước ra sân xua mấy con gà mổ mớ lúa phơi. Tôi hỏi thăm, được K Dim cho biết thêm, ông bà nay già yếu, không thể tự mình làm việc đồng áng, có chút ruộng đều nhờ bà con chòm xóm phụ giúp để có lúa gạo ăn. Kể cả việc lấy mây tre nứa về đan lát, ông phải thuê người chứ đâu còn sức lội suối băng rừng tự đi tìm nguyên liệu như
ý muốn.
Quay trở vô, tiếp tục câu chuyện, ông kể, trước đây bán được nhiều vật dụng sinh hoạt cho người dân trong bản, càng về sau đồ nhựa càng nhiều, tiện dụng lại rẻ, ít ai dùng đồ đan lát, sản phẩm làm ra không mấy người mua. Cũng vì điều này mà lớp trẻ không còn mặn mòi với nghề truyền thống của cha ông mình. May mà những năm gần đây, nhờ người giới thiệu, ông tìm được hướng đi mới là làm sản phẩm du lịch, có khi làm theo đơn đặt hàng, có khi làm để thỏa nhớ nhung, để giữ cho đôi tay linh hoạt, “để cho mấy đứa trẻ nhìn thấy mà học hỏi”, nói đến đây ông nở nụ cười rạng rỡ trên gương mặt khắc khổ gió sương.
Chiều muộn, nắng tắt dần, làn sương bảng lảng giăng trên đồi núi trùng điệp. Trước khi tiễn chúng tôi ra về, ông NTơr Ha Bang lấy cây kèn bầu ra thổi một giai điệu của người M’Nông. Tiếng kèn ngân lên da diết, như chính nỗi niềm của ông, một người tài hoa, luôn bền bỉ, kiên trì và tâm huyết với nghề.
Ông Dương Thái Hội: “Hiện thôn Liên Trang 1 có một số bạn trẻ xem đan lát là nghề chính, vừa làm sản phẩm phục vụ sinh hoạt, vừa làm sản phẩm du lịch, mở ra hướng đi lâu dài. Họ được chính những nghệ nhân thâm niên như ông NTơr Ha Bang tự tay hướng dẫn”.