Phóng viên (PV): Được biết chị tốt nghiệp thủ khoa ngành Sư phạm mỹ thuật năm 2012 tại Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Để dẫn tới thành quả như hiện nay, thì “cơ duyên” chắc là cả một quá trình?
Họa sĩ Nguyễn Ký: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào dạy ở Trường Vinschool (khu Times City), ngành giáo dục và nghiên cứu nghệ thuật dành cho trẻ nhỏ. May mắn là được “nhúng” ngay vào đúng ngành mình học ra. Tôi được tiếp xúc với các bạn nhỏ, từ 3 đến 6 tuổi, tâm hồn các bạn ấy ngây thơ vô cùng trong trẻo - sáng như thiên thần tỏa ra ngời ngời trước mắt chúng tôi hằng ngày. Chúng tôi được lắng nghe tâm tư của các “thiên thần nhỏ” ấy, thầm chuyển tải và vang lên lập tức qua những nét vẽ đầu tiên, chứ không phải bằng lời. Rồi để trẻ tự tin nguệch ngoạc, tô những nét đầu tiên của cảm xúc tuyệt vời lên… tờ giấy thật, hay nếu trẻ ở quê là vẽ nghịch lên bùn đất nữa cơ.
Được hơn một năm, thì tôi mở lớp dạy riêng cũng ở khu đó, do chính từ yêu cầu đề nghị của nhiều phụ huynh. Cái tên Nguệch Ngoạc được chính thức chọn từ 2014, khi lớp vẽ mở rộng thành xưởng. Ngoài dạy vẽ ra, xưởng còn hướng dẫn các cháu nhiều trò chơi thủ công, bồi giấy, in tranh… và còn cả những chuyến du hành ngoài không gian tự nhiên nữa!
PV: Trong công việc ở ba nơi, với hơn 30 giáo viên, gần 400 học sinh theo học mỗi năm, thì những kinh nghiệm trực tiếp của chị ra sao, qua thực tế điều hành và giảng dạy?
Họa sĩ Nguyễn Ký: Việc đáng kể mà cá nhân tôi rút ra trong thực tế công việc là làm sao cần liên tục đổi mới. Chương trình hoạt động cần luôn tuân theo nguyên tắc ngắn gọn là: Tươi mới - Thú vị - Không lặp vết xe cũ. Để duy trì nguyên tắc này, tôi thường xuyên trao đổi trực tiếp với các giáo viên đồng nghiệp để họ định hướng trong nghề, mỗi buổi dạy và học. Đầu tiên là trân trọng nâng niu những nét vẽ đầu tiên của trẻ, vụng về vẽ có tính bản năng nhất, là khoảng từ 3 - 6 tuổi. Từ 6 - 12 tuổi, có thể trang bị những kiến thức cơ bản nhất về mỹ thuật. Còn từ 12 - 18 tuổi, cần khuyến khích tư duy để trưởng thành những “gu” thẩm mỹ riêng. Bởi học vẽ không nhất thiết để sẽ trở thành họa sĩ, mà quan trọng nhất là có được cái “gu” thẩm mỹ để ứng dụng vào thực tế sống không, thì mới thú vị. Đơn giản trước nhất là tự chọn được quần áo, trang phục cho chính mình. Tiếp theo là nhìn nhận không gian mình và gia đình ở, biết đẹp xấu ra sao để tự thay đổi…
PV: Thưa chị, vậy làm sao để nuôi dưỡng mục tiêu “xương sống” lâu dài đó một cách cụ thể và chủ động?
Họa sĩ Nguyễn Ký: Đầu tiên là trong quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn thường xuyên đưa ra câu chuyện cuộc đời của các danh họa lớn trong lịch sử. Nói một cách hơi nôm na là “bơm vào trí não” hay lồng ghép lịch sử mỹ thuật như một hoạt động thường thức để trẻ có động lực hứng khởi. Tiếp theo, để học vẽ làm sao cho hay, thì không phải chỉ ở trong xưởng mà còn kèm các hoạt động vui chơi, dã ngoại. Thời gian qua, ngoài việc chúng tôi đã tổ chức đưa các em và phụ huynh tới mười mấy danh thắng văn hóa, lịch sử ở Thủ đô. Thì chúng tôi còn tổ chức đều đặn được việc đưa các em đến “khám phá trực tiếp xưởng vẽ” của nhiều họa sĩ đương đại. Thí dụ như các họa sĩ trẻ và trung niên như Mai Đại Lưu, hay anh Phương Vũ Mạnh. Với các họa sĩ cao niên, tên tuổi nổi tiếng như Thành Chương, Lý Trực Sơn, Phùng Quốc Trí… thì hoặc là chúng tôi đưa được lớp thiếu nhi đến xưởng vẽ, phủ của họ để tham quan, chơi, vẽ. Hoặc là mời được trực tiếp họ đến xưởng của chúng tôi để vẽ và chơi với trẻ nhỏ. Một số họa sĩ nổi danh khác như Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… đã đồng ý trước với xin phép của Xưởng vẽ Nguệch Ngoạc. Chúng tôi đang sắp xếp lần lượt để đưa các cháu đến tham quan, thực hành tại xưởng của họ.
Một việc sinh động nữa, mà chúng tôi đã từng làm là nên đưa trẻ tham gia vui vào những cuộc thi mỹ thuật, thí dụ như giải “Festival Nghệ thuật châu Á - The 11th Asia Art Festival” ở Hà Nội tháng 7/2024. Hay là tổ chức các workshop cộng đồng triển lãm đông đảo, như triển lãm tháng 4/2023 ở 29 Hàng Bài. Các hoạt động này rất thú vị, để trẻ em và người thân tự nhìn lại chính mình và con, cháu mình vẽ ra sao - khán giả thưởng thức đánh giá khách quan thế nào, từ đó họ mới thấm thía nhiều điều hay trong “kết quả gieo trồng”. Tới đây, 27/10, Nguệch Ngoạc sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, dự định với tên gọi “Trẻ thơ và hành trình vẽ nên hạnh phúc” ở Trung tâm Văn hóa Phố cổ, số 50 phố Đào Duy Từ.
PV: Xin cảm ơn chị. Chúc Xưởng vẽ Nguệch Ngoạc sẽ “sinh nhật 10 năm” thật vui, thu hút đông đảo người tham gia.