Trong nhà mô phạm có một nhà văn
Cuộc ra mắt và tọa đàm nhỏ về tập truyện ngắn “Ai nói và tại sao lại nói như thế” của PGS, TS Ngô Văn Giá tại phòng nghệ thuật NXB Hội Nhà văn diễn ra đông đúc và sôi nổi. Có nhiều lý do để các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và sinh viên đến với một “nhà” hoạt động nghề nghiệp trên nhiều mảng: nghiên cứu, giảng dạy cả ngành văn và ngành báo, hướng dẫn và chấm luận văn, chấm giải văn chương, và đặc biệt là đã bước vào sáng tác một chặng đường với 3 tập truyện ngắn đã xuất bản.
Một điều quan trọng xuyên suốt những kết nối để có không khí đông đúc đó, có lẽ là sự quảng giao, sôi nổi, nhiệt tình của “khổ chủ”. Nó định hình trong mắt đồng nghiệp, bằng hữu, học trò về một thầy Văn Giá dễ gần, dễ mến, hăm hở và hăng say làm việc; một người tích cực trao đổi, gợi mở và đàm luận không phân biệt lứa tuổi về các chủ đề học thuật, sáng tác lẫn xã hội, đời thường; lại thêm tài lẻ đàn hát cùng niềm vui khởi xướng nhân các cuộc hội ngộ. PGS, TS Văn Giá có một nét tính cách hài hước, hóm hỉnh, một con người lãng tử, một nghệ sĩ tiềm ẩn và thôi thúc trong bộ trang phục nghiêm ngắn trên giảng đường. Có thể liên tưởng vui, ngay mái tóc thả ngược rối bồng bềnh của ông đã chỉ ra điều này. Có lần, người viết bài này còn gọi: “Người nghệ sĩ mà trường quy không “vùi dập” nổi”.
Và vì thế mà khi nhà chuyên môn ra sách sáng tác thì nhiều người thân quen trước hết là tán thưởng, khích lệ. Và sau đó là đã có một số cộng hưởng hứng thú với tập truyện ngắn mới của ông qua bài viết, ý kiến đăng tải trên báo, trên facebook cá nhân trong mấy ngày qua. Tại sự kiện, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với tinh thần khái quát, rằng đời sống văn học phải có được những người miệt mài làm việc, sáng tạo như nhà văn Văn Giá. Mỗi nhà văn cần có sự “lãnh đạo chính mình” để dâng hiến chứ không thể ban chấp hành nào làm cho tất cả hăng hái lên được. PGS, TS La Khắc Hòa, người thầy, người hướng dẫn học viên Văn Giá năm xưa làm luận văn cao học về tác phẩm của nhà văn Nam Cao thì cho biết, đã đọc sáng tác của học trò từ khi đó, và thậm chí có gì đó của Nam Cao đi vào sáng tác của Văn Giá cho đến sau này.
Còn tác giả tập truyện ngắn “Ai nói và tại sao lại nói như thế” cũng chia sẻ đầy tính “liên đới” giữa học thuật và sáng tác rằng, ông viết truyện còn như những thử nghiệm, những ứng dụng, những thí dụ từ những cơ sở lý luận, phương pháp sáng tác hay trường phái ở ngoài nước, trong nước mà mình và các đồng nghiệp vẫn truyền đạt.
Kể nhè nhẹ về những tan đi
Kể như thế để dẫn đến việc nhận ra sự phong phú của tâm hồn, đề tài, cách thể hiện qua tập truyện ngắn lần này. 17 truyện ngắn như một cụ thể hóa từ trải nghiệm rộng rãi và lâu dài của chính cuộc thăng trầm sống song hành với làm nghề của tác giả, từ cậu bé nông thôn bên dòng sông Thương đến anh giáo vùng cao và hành trình nhập đô, định cư, xoay xở muôn mặt cuộc sống, giữa những cơ quan, đoàn thể, vấn đề xã hội, trăn trở nhân tâm, đối nhân xử thế.
Vì thế mà có thể hứng thú “dạo” qua các không gian truyện từ khu chung cư đến mảnh vườn quê, hội trường họp hành cho đến vỉa hè café, quán rượu vùng cao, gia đình đồng bào miền núi đến nhà nghỉ, khách sạn, chốn bình dị nên thơ, nơi chen lấn mệt mỏi.
Lại được “lướt” qua cả thời gian đời người, có khi phảng phất bóng dáng thời cuộc những năm đầu thập kỷ 1950 cho đến đời sống người quê trong cuộc chuyển vần mưu sinh những năm đất nước có chiến tranh, thời bao cấp; cho đến thời điện tử, kỹ thuật số, cao ốc, tắc đường cấp tập bây giờ.
Và lại nữa, cũng có thể chạm vào hệ thống nhân vật đa dạng ở nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, từ cô học trò người dân tộc đến tay công chức ngang ngạnh, buông thả; ông anh cả nông dân giữ hương hỏa cho đến nhà chuyên môn khả kính; rồi người kinh doanh, người lao động tự do, người đương nhiệm, kẻ đã hưu, người ốm đau, kẻ nằm bệnh, ai đó chất phác, thật thà, ai đó trên đà mưu mẹo, chộp giật…
Có truyện như bức thư đang viết, có truyện là dòng hoài niệm miên man, truyện khác như mô tả sinh động từ hiện trường đời sống đan cài, chồng chất. Rồi giọng văn truyện này mềm mỏng, thanh tao; truyện khác bộc trực, gồ ghề. Có chỗ điềm đạm, rành rọt. Chỗ khác lại dồn nén, gấp gáp.
Nhưng cũng lại xuyên suốt những bày biện ra đó, xuyên qua những hài, những hóm, những tinh quái, những bực bội, cấn cáy, những ân cần, hồn hậu… của đôi mắt người viết nheo nheo đằng sau trang giấy, là một điều gì xon xót, đau đau. Về đời sống, cách sống, về con người, lòng người, về chính mỗi ai khi nhìn lại mình. Một cuộc sống mà trong đời thường trôi đi như bình thường, như thông thường này, như không có gì đáng lo ngại, có những lúc ta bàng hoàng nhận ra những điều rạn vỡ, những gì quý giá, thiêng liêng đang dần dần trôi đi, dần dần đánh mất.