Đón thu cùng nỗi niềm chia sẻ vượt lên

Từ 20/9, chỉ sau rằm Trung thu mấy ngày, là khai mạc triển lãm “đưa thu vào Nam” của ba họa sĩ 8x ở ngoài bắc. Triển lãm mang tên lạ là “Mùa vội gieo vàng”, và đằng sau tông mầu thu vàng đặc trưng của mỗi tác giả ở phía bắc, còn chuyên chở thêm những tình cảm hiện tại đặc biệt, được trưng bày tại Huyền Art House (số 8A Đặng Tất, phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) và sẽ treo đến hết 29/9…
Chân dung số 3 của họa sĩ Bùi Văn Tuất.
Chân dung số 3 của họa sĩ Bùi Văn Tuất.

Cái nhìn riêng, và những nỗi niềm hiện tại…

Điểm lạ đầu tiên là ngoài việc ba họa sĩ đang ở độ tuổi sáng tác sung sức trên dưới bốn mươi này là họ không chỉ khác tuổi mà còn ở những vùng quê khác nhau. Họa sĩ Nguyễn Minh (1985, quê Hoài Đức, Hà Nội) với 19 bức mầu nước. Họa sĩ Bùi Văn Tuất (1982, người Mường, quê Ba Vì, Hà Nội) cùng 10 bức chân dung sơn dầu nhỏ và họa sĩ Đoàn Đức Hùng (1983, quê Hải Phòng) và 19 bức sơn dầu.

Để giải thích mục đích bày tranh chung lần này của ba người, họa sĩ Nguyễn Minh cho chúng tôi biết thêm là ngoài việc “chở thu Bắc vào Nam” bằng mỹ thuật như thông lệ đẹp hằng năm của giới mỹ thuật miền bắc. Thì mỗi tác giả vẽ tông vàng thu năm rồng, nhưng không hẳn tưng bừng, mà còn có nhiều nỗi chia sẻ, cùng với những lo lắng của toàn miền bắc hiện nay sau hậu quả siêu bão và lũ lụt. Điểm thứ hai, nếu nói hơi cụ thể, thì đây cũng coi như một cách đáp trả bằng nghệ thuật, để cảm ơn tấm lòng hỗ trợ của đồng bào miền nam với nhân dân miền bắc… Quê mỗi người trong ba chúng tôi ở từng vùng khác nhau - anh Minh nói - nhưng đều đã và đang chịu hậu quả sau bão, lũ. Thí dụ như Hải Phòng của họa sĩ Đoàn Đức Hùng là một trong những điểm nghiêm trọng nhất trải qua cơn bão Yagi đổ vào đất liền. Còn như Hoài Đức hay Ba Vì, thì tuy thuộc Hà Nội, nhưng cũng đang đều chịu ngập lụt sau những cơn mưa dài khủng khiếp… Và mỗi chúng tôi, tuy do mỗi người mỗi cách và theo nhóm riêng (không thể nói kỹ được ở đây) nên việc làm nghệ thuật này cũng đều chung mục đích, là mong có kết quả tốt, để hướng tới đóng góp và hỗ trợ đúng lúc, đúng nơi, đúng cách tới đồng bào miền bắc trong thu này…

Đón thu cùng nỗi niềm chia sẻ vượt lên ảnh 1

Tranh “Thu vàng” của Nguyễn Minh.

Ánh xạ vàng đỏ, không ngừng bừng lên...

Tuy may mắn là chúng tôi được chia sẻ trực tiếp với họa sĩ Nguyễn Minh nên mới thấu qua một nét tình cảm đồng hành của lần trưng bày chung và cái tên lạ “Mùa vội gieo vàng” của ba họa sĩ lần này. Nhưng nếu chỉ nhìn kỹ qua tranh, bất kể khán giả nào yêu thích mỹ thuật cũng đều cảm thấy ngay, bên cạnh những phong cách riêng rõ rệt của từng tác giả. Đầu tiên là xem loạt tranh chân dung của họa sĩ người Mường Bùi Văn Tuất. Anh vốn có tiếng lâu nay với cái tài tình vẽ trực họa chân dung bằng sơn dầu, những thành công khá thú vị của anh là chân dung những thiếu niên dân tộc ở vùng cao Tây Bắc với những đôi mắt trong veo vô cùng ám ảnh. Vậy mà lần này, cả mười bức chân dung “Mùa vội…” của anh lại toàn là… chân dung người có tuổi. Trong đó có tám bức là chân dung đồng bào H’Mông, hai bức còn lại là người dưới xuôi. Và ám ảnh nhất lại là bức tranh vẽ nhanh một ông già người H’Mông… nhắm mắt đầy tư lự (1. Chân dung số 7). Còn đôi mắt người đàn ông trung niên dưới xuôi lại ngước lên đầy lo lắng, hướng tới vùng cao chăng? (2.Chân dung số 3).

Loạt tác phẩm của họa sĩ Đoàn Đức Hùng cũng được vẽ nhanh, với phong cách biểu hiện vẽ tĩnh vật, tranh “nude” với tông mầu xám và nét bút khá dày. Tác phẩm đáng chú ý nhất của anh vẽ một bình hoa với nhát bay, bút ngoạch đậm đà, và cái tên lạ là: 3. “Mầu hồng vẫn sống tươi” mà lại không có nhát bút mầu hồng nào…

Đón thu cùng nỗi niềm chia sẻ vượt lên ảnh 2

Tác phẩm “Mầu hồng vẫn sống tươi” của họa sĩ Đoàn Đức Hùng.

Có lẽ nhẹ nhõm và tưng bừng nhất, là loạt tranh mầu nước vẽ phố và người ở phố bên khung cửa sổ của Nguyễn Minh. Anh cho biết, đang thử sức với sơn mài và mầu nước lãng mạn, sau một quá trình dài bước với sơn dầu và nhóm triển lãm mang tên “Tứ Lập”. Nhìn loạt tranh mầu nước mới thực hiện còn tươi nguyên của anh, ít ai có thể liên tưởng đến những luồng gió siêu bão đã từng vừa tràn qua Thủ đô. Cả những lúc, tác giả đang còn không thể được ngồi vẽ mà đương cùng bà con tham gia chống bão... Người xem tranh chỉ thấy toát ra tình, với không ít lãng mạn đong đưa lơ lửng mà không chỉ… Thủ đô mới có, ở nơi nơi hay mọi khoảng thời gian khác nhau…!