1/Phạm Thị Ngọc Liên được biết đến từ giải A thơ của tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 dù đã viết cho riêng mình rất nhiều trước đó. Thời điểm này, chị cũng là một tác giả ra sách liên tục 3 năm 3 cuốn và nhận được một số giải thưởng uy tín. Người hâm mộ hẳn sẽ khó mà quên một điều hy hữu trong lịch sử 60 năm của tạp chí Văn nghệ quân đội: Cú đúp thơ truyện 1989 -1990 với 2 năm liền được giải cao nhất: Truyện ngắn “Chuỗi hạt của con báo”, tặng thưởng năm 1989 và bài thơ “Em sẽ yêu anh như tháng Giêng” giải A 1990.
Tuy nhiên, sau khi tập thơ “Thức đến sáng và mơ” được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, chị bỗng dưng không còn muốn in thơ nữa. Một phần sợ lặp lại chính mình, mặt khác vào thời điểm đó, chị đang làm báo và xã hội có vô vàn chuyện không thể viết bằng cảm xúc mà phải viết bằng tỉnh táo, rạch ròi của lý trí và suy luận. Đó là lý do mà nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nghiêng về phía văn xuôi nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu nhà báo, nhà văn của chính mình. Tuy nhiên, trong sâu thẳm con người chị, thơ vẫn ngự trị, tuôn chảy những lúc cần: “Sau 20 năm, những bài thơ trầm tích của tôi đã quá nhiều và khi đọc nó, không hiểu sao tôi nghĩ câu chữ của mình như rượu ủ đã khá lâu, đủ để tỏa hương, đủ để say đắm khi nhấm nháp và tôi muốn chia sẻ với nhiều người”. Có lẽ đó cũng là lý do tập thơ “Trong tôi có nhiều tôi” (NXB Hội nhà văn) ra đời.
2/Nói về Phạm Thị Ngọc Liên, nhà văn Hồ Anh Thái nhận định: “Chị không vô tình hoặc cố tình để lại dấu vết thơ trong văn xuôi như nhiều người đã làm. Văn là văn. Không cần nấp vào bóng thơ ca hoặc một thể loại nào khác” (Và tháng ngày trôi đi). Có vẻ nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng nghĩ như vậy. Ông viết: “Đọc truyện của Phạm Thị Ngọc Liên hiếm thấy hồn thơ của chị chen vào. Các câu chuyện được kể với một giọng rất lạnh, tỉnh, bút pháp nhiều chỗ cứng cỏi như của một nhà văn nam giới, đặc biệt cách viết gọn ghẽ, dứt khoát, bố cục đâu ra đó như một kịch bản phim. Có thể vì hằng ngày Ngọc Liên còn là một nhà báo...” (Người đàn bà bí ẩn). Trong khi đó, PGS, TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái lại nhận định: “Tràn đầy chỉ dấu tình tứ trong thơ Ngọc Liên là chi tiết văn xuôi”.
Vậy đâu là “cọng lông ngỗng” người ta sẽ lần theo để tìm hiểu Phạm Thị Ngọc Liên? Chị cho biết: “Khi viết văn, tôi luôn nghiêm khắc với chính mình. Các truyện ngắn của tôi thường nặng về phân tích tâm lý. Mà đã phân tích thì không thể bay bổng như thơ. Văn của tôi không có bóng dáng thơ. Nhưng thơ thì hơi khác. Xét về tổng thể, thơ tôi là thơ tự do, rất gần gũi với văn xuôi. Dù vậy, ngoài cảm xúc, tôi cho rằng thơ mình còn chứa đựng âm điệu và hình ảnh của vần luật ở một vài khoảng rơi cố tình. Tự do mà vẫn thoang thoảng ngân nga”. Từ thoang thoảng của chị nghe như một làn hương. “Mùi hương” làm tôi liên tưởng đến một tác phẩm cùng tên. Cũng có người nói rằng Phạm Thị Ngọc Liên là người đa nhân cách.
3/Liên sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là người có tư duy nghệ thuật và thẩm mỹ rất cao. Cả hai ông bà đều làm việc trong lĩnh vực hoàn toàn cần đến sự tỉnh táo và chính xác. Cha vốn là trắc địa sư, mẹ là bác sĩ sản khoa. Có lẽ được hun đúc bởi hai nhân tố đa tài như thế nên chị đã phát tiết tính cách “không có gì là không muốn thử” từ bé và không ngần ngại lao vào để tìm tòi.
Những biến chuyển về mặt xã hội cho chị rất nhiều cơ hội (mất đi nhiều thứ cũng là một cơ hội khác, giúp chị trưởng thành, cứng cỏi, nghiêm khắc, đồng thời cũng thương xót, vỗ về, cho chị khám phá ra những điều ẩn giấu trong mình. “Đó là lúc nghề viết chọn tôi. Làm nhà báo, tôi có cơ hội đi nhiều, gặp gỡ nhiều, tích lũy được tư liệu cuộc sống lẫn cảm xúc cá nhân đủ để băn khoăn nên chọn viết thể loại nào cho phù hợp. Khi đã chọn rồi thì cứ thế mà viết bằng nhiệt huyết của mình”.
Tác phẩm của chị nhờ vậy mang nhiều hơi thở cuộc sống, chứa đựng những nhân vật thật, cảm xúc thật. Có thể vì thế mà chị được bạn đọc chấp nhận và yêu thương. Đó không chỉ là sự may mắn mà còn là nỗ lực giữ lấy nghề của chị... Một trong những thách thức của người làm nghệ thuật chính là sự bền bỉ trong sáng tác, trong lao động. Giữ được phong độ ổn định thật sự là một kiểu tài năng.
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên chia sẻ: “Nghề viết có lẽ là nghề kỳ lạ - không quy định tuổi hưu. Bạn có thể giải nghệ, tìm lối đi khác ngay khi còn trẻ. Mặt khác, bạn cũng có thể viết cho đến khi tuổi tác và tư duy không cho phép bạn tiếp tục viết. Miễn là bạn còn nhiều mong muốn, nhiều tư liệu, nhiều kinh nghiệm muốn cống hiến cho xã hội thì không ai ngăn cản được. Quan trọng nhất là bạn vẫn không ngừng đam mê với ngòi bút, không ngừng làm mới chính mình”.
Dẫu ở góc độ nào, tôi và độc giả cũng sẽ tìm thấy chị trong thơ và tình yêu.