Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Sáng tạo 2024 của UNCTAD (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển), nền kinh tế sáng tạo thời gian qua là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Xương sống của nền kinh tế này là các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, “đem lại doanh thu hàng năm gần 2,3 nghìn tỷ USD, đóng góp 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, ước tính chiếm 6,2% việc làm của lao động toàn thế giới”, UNCTAD khẳng định.
Sức mạnh mềm của quốc gia
Nếu như trước đây, suốt thời gian dài, văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa Âu - Mỹ nằm ở dòng “chủ lưu”, thống trị, chi phối thế giới, thì từ thập niên 1990 trở lại đây, nhất là trong vỏn vẹn hai thập niên đầu thế kỷ 21, địa vị ấy bị chia sẻ, cạnh tranh trực tiếp, thậm chí có phần bị thách thức.
Lý do là vì sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền công nghiệp văn hóa khác nổi lên ngoài phương Tây, tiến tới chuyển dịch, xác lập một “trật tự” đa cực, đa trung tâm mới. Thậm chí, vài tên tuổi trong số đó được đánh giá là cường quốc công nghiệp văn hóa.
Có thể lấy Hàn Quốc làm thí dụ. Sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, đầu thập niên 1960, Hàn Quốc còn là quốc gia vừa bước ra từ đống tro tàn của thuộc địa, nghèo đói, chia cắt, chiến tranh. Song, cùng sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ chỉ trong một thế hệ, Hàn Quốc được biết đến như hiện tượng toàn cầu bởi Hàn lưu - Hallyu/Korean Wave, tức làn sóng văn hóa Hàn Quốc, góp thêm niềm tự hào mới cho người dân xứ kim chi.
Hàn lưu từ chỗ có phần “tự phát” vào giữa thập niên 1990, là bất ngờ với cả chính Hàn Quốc, đến nay qua 30 năm, nước này kiên trì và có những bước đi bài bản, vững chắc thúc đẩy làn sóng văn hóa Hàn qua các thời kỳ, gọi là Hallyu 1.0, 2.0... với chiến lược cụ thể, mang đặc điểm riêng trong từng giai đoạn, do Chính phủ lãnh đạo và nhất là nỗ lực không mệt mỏi của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực văn hóa. GS, TS Phan Thị Thu Hiền, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Hàn lưu đem lại thành công đa bội, cả văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao... cho Hàn Quốc”.
Kinh nghiệm Hàn Quốc về nội dung văn hóa là một gợi ý đáng tham khảo. Tùy trình độ phát triển, bối cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội đặc thù, các quốc gia đi trước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thailand, Singapore... đã có những lựa chọn, cách thức khác nhau để phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Qua đó, cung cấp kinh nghiệm tham khảo khá phong phú về điều kiện thể chế, chính sách, năng lực quản lý nhà nước, cơ sở hạ tầng, chiến lược, mục tiêu, giải pháp thực hiện... Đặc biệt, sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp được xem là “công thức”, “bí quyết” thành công chung của nhiều quốc gia.
Bức tranh doanh thu triệu USD
Chừng một thập niên trở lại đây, công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước phát triển mới, thành tựu hẳn còn khiêm tốn nhưng đáng khích lệ. Góp phần phát triển nền công nghiệp văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều show truyền hình gần đây đã có bước đi đúng đắn khi huy động các bên cùng chung tay cho mục tiêu sản xuất nội dung chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu khán giả.
Còn nhớ, vào tháng 7/2023, 2 đêm diễn của Black Pink tại Hà Nội đã gây sốt khi thu về hơn 13 triệu USD (300 tỷ đồng). Trước câu chuyện này, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) từng ví von rằng, chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã bằng một nửa tổng doanh thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030 mà chúng ta phấn đấu. Điều này rất đáng suy nghĩ.
Theo dữ liệu của Công ty thanh toán điện tử Visa, có tới 40% người Việt du lịch nước ngoài cho mục đích tham dự các buổi biểu diễn, với Thailand và Hàn Quốc là 2 điểm đến hàng đầu. Việt Nam có 100 triệu dân với tăng trưởng kinh tế 5-6%/năm. “Đó là mơ ước của nhiều quốc gia khác. Với tỷ lệ dân số trẻ và người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa rất lớn để phát triển văn hóa, nghệ thuật”, theo ông Đỗ Chí Nghĩa.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ đã xác định nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 lĩnh vực trọng yếu, đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 31 triệu USD vào năm 2030. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực biểu diễn nói riêng không chỉ trông chờ vào tài năng của các nghệ sĩ, cùng việc mở rộng hầu bao của khán giả mà quan trọng hơn, ngành công nghiệp biểu diễn cần được nhìn nhận và quản lý chuyên nghiệp như một ngành kinh tế. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về bức tranh doanh thu triệu USD của ngành công nghiệp văn hóa sẽ được rút ngắn tại Việt Nam, và do chính người Việt Nam kiến tạo nên.
Sự bùng nổ của các show thực tế về âm nhạc như “Ca sĩ giấu mặt”, “Rap Việt”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”… gần đây mở ra nhiều triển vọng đóng góp vào sự phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn chất lượng cao tại Việt Nam.