Hội ngộ mới của niềm đam mê văn chương

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã gọi những người có mặt trong cuộc ra mắt sách và giao lưu là những “người tình” của các nhà thơ Hàn Quốc bởi những lý do đặc biệt có liên quan đến sự tương tác đặc biệt giữa những người cầm bút của hai đất nước. Sự kết nối mới lần này qua tập thơ song ngữ “Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau” tiếp tục mở ra những kỳ vọng làm đa dạng hơn mối quan hệ văn chương, văn hóa hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hội ngộ mới của niềm đam mê văn chương

1/Trân trọng niềm quý mến của các nhà thơ Việt, GS, nhà thơ Bang Hyun-suk, trưởng đoàn nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc đến Việt Nam lần này nhắc lại 3 con số. Đủ để thấy những liên hệ đặc biệt được tính bằng nhiều thập kỷ. Đó là 120 năm trước, đã có làn sóng “Việt lưu” ở Hàn Quốc, khi nhà chí sĩ Phan Bội Châu xuất bản cuốn sách “Việt Nam vong quốc sử” và nhanh chóng trở thành cuốn sách mà như ngày nay gọi là “best seller” ở Hàn Quốc. Tác phẩm đó trở thành sách gối đầu giường của nhiều học sinh, sinh viên nước Hàn khi đó vẫn chưa được độc lập, GS… nhấn mạnh.

Và con số thứ hai: 80! Theo đó, năm 2025 sẽ là dịp kỷ niệm 80 năm hai nước Việt Nam, Hàn Quốc giành được độc lập. Người chia sẻ cũng so sánh đầy ý nghĩa, những năm qua, đất nước chúng tôi phát triển hơn các bạn. Nhưng các bạn lại vừa thực hiện mở cửa, phát triển cộng vừa giữ được sự thống nhất, hòa hợp dân tộc. Đó là bài học từ Việt Nam đối với Hàn Quốc.

Và con số thứ ba. Đó là 30 năm trước, chúng tôi thành lập Hội các tác giả trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam, trở thành một xuất phát điểm cho các hoạt động giao lưu văn học giữa hai nước, GS Bang Hyun-suk kể. Và ông nói vui, có lẽ sang năm, chúng tôi sẽ bỏ chữ “trẻ” đi, bởi chúng tôi không còn ở lứa tuổi 30-40 nữa rồi.

Hội ngộ mới của niềm đam mê văn chương ảnh 1

2/Nhìn lại chặng đường đáng quý qua mấy thập kỷ đó. Các nhà thơ, dịch giả hai nước gặp gỡ tại NXB Hội Nhà văn chiều ngày 14/11 vừa rồi, vui mừng điểm lại nhiều tác giả đã đến với bạn đọc nước bạn từ sự giao lưu, hợp tác và nỗ lực của các dịch giả, các đơn vị xuất bản. Tác phẩm của Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Thùy Dương… đã được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc. Và tác phẩm đầu tiên được giới thiệu ra nước ngoài trước đây của nhà văn Hàn Quốc mới giành giải Nobel 2024 vừa qua - Han Kang, chính là cuốn “Người ăn chay”, được phát hành tại Việt Nam.

Món quà thơ xinh xắn, gọn gàng tuyển lựa 42 bài thơ của 21 tác giả mỗi nước vừa được NXB Hội nhà văn gấp rút ấn hành, chính là một cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở giữa người cầm bút hai nước để nhận ra nhiều điểm gần gũi và mở ra những điểm khác, nét mới thú vị trong những tâm sự tình yêu, suy tư về người đời, đúc rút khi đối diện cuộc sống, khi đến với thiên nhiên, tự nhiên… Có cảm giác như các nhà thơ đã cùng làm nên một bài thơ dài bao quát dòng đời một con người đi qua rất nhiều diễn biến đời sống, có thật nhiều trải nghiệm và qua đó, mở ra những mắt nhìn phong phú, những nhận định mới lạ, thú vị về mọi thứ quanh mình.

3/Đặc biệt ở cách mà nhiều nhà thơ Hàn Quốc triển khai các bài thơ của mình. Đó như những tập hợp linh hoạt của nhiều đồ vật, sự việc, hành động, gợi hình, gợi chuyển động, gợi liên tưởng, suy tưởng cho người đọc. Sự quy tụ của nhiều cái cụ thể, rõ ràng thoắt tạo nên những cái tươi tắn, khác lạ, có khi là những “ảo hóa”, cho thấy những nhận ra về cuộc sống ở sự sâu xa hơn, khác thường hơn. Và đó là điều đáng khâm phục trong cách nghĩ, cách viết. Với bài thơ “Người hóa cây thông”, nhà thơ Yang Yunjeong kết nối, chuyển hóa con người vào thiên nhiên bằng cả thể xác và tâm tưởng, tình yêu và lòng kính trọng. Quá trình đó lại rất gợi cảm và giàu tính hình tượng, đương nét. Một khổ trong bài: “Lang thang đuổi bắt những vì sao/Tôi lại trở về nơi đã rời đi/Vài chiếc rễ sần sùi thô ráp/Ngón tay ngày càng giống với những ngón tay cha/Móng nứt nẻ, dính màu nước xanh/Những gốc cây xanh và đỏ”. Nhà thơ Park Soyoung với bài “Hoa trong hoa”, gọi lên, điềm nhiên, trầm tĩnh mà ẩn chứa thiết tha: “Nhìn hoa chuông/Gân lá tỏa ra/Mạch lá đổ vào trong/Đẹp/Những bông hoa của sắc trắng/Đang nở/Ngước mắt nhìn/Thái dương trong bầu trời/Những chú cá trong sông/Cơm đơm trong bát/Chân xỏ trong giày/Đứa trẻ bú sữa/Hoa chìm trong hoa”.

Còn từ phía Việt Nam, một thí dụ: Nhà thơ Trần Hùng vẽ nên gương mặt quê hương vừa bình dị, vừa yêu thương, nhỏ nhắn qua kết nối các hình ảnh đầy lay động: “Con tàu ruộng đồng băng vào đêm tối/Nơi ta sinh ra/Choàng lên giấc mơ nhớ thương u uất/Chim kêu sương nặng/Râm ri lá đồng/Sen tàn nước trong cành khô soi bóng/Nắng rất xa bước chân rất khẽ/Mút ngón tay ngày thơ bé/Ngày đi sỏi trắng dòng sông/Ngày đi thon hót lá đòng/Ngày đi lá xanh lênh láng/Rồi một ngày về/Đầu cúi trong đêm/Cầm tay nhau lặng lẽ trong đêm/Ôi quê hương/Cầu mong những cây đèn khép bóng”.

Các ấn phẩm hay là những kết quả đáng mong đợi của hoạt động hợp tác, giao lưu văn học, văn hóa. Chờ đợi nhiều thêm những tập thơ từ “Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau” - một câu thơ của nhà thơ Lương Ngọc An.